Chính trị

Tin tức

Xây dựng Đảng

Khẳng định vai trò của Trường Chính trị tỉnh Gia Lai trong thời kỳ mới

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Từ khi thành lập đến nay, trải qua 60 năm với nhiều giai đoạn cách mạng, nhiều tên gọi khác nhau, Trường Chính trị tỉnh luôn nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy và đã có những đóng góp quan trọng cho sự nghiệp cách mạng của tỉnh nhà.
Kịp thời đưa chủ trương, đường lối của Đảng vào cuộc sống
Trường Chính trị tỉnh Gia Lai tiền thân là Trường Đảng tỉnh, được Tỉnh ủy Gia Lai thành lập ngày 5-4-1959 tại xã Đak Gleh (nay thuộc huyện Kbang) với nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ và quần chúng nhân dân vững vàng về chính trị, nắm được các nghị quyết của Đảng, hiểu rõ đường lối cách mạng, phát huy truyền thống yêu nước, tinh thần đoàn kết để có lòng tin sắt đá vào sự nghiệp đấu tranh thống nhất đất nước dưới sự lãnh đạo của Đảng, đồng thời mỗi cán bộ trở thành một tuyên truyền viên vận động, tập hợp quần chúng nhân dân làm cách mạng.
Đồng chí Hồ Văn Niên.
Đồng chí Hồ Văn Niên.
Trong giai đoạn 1959-1975, nhiệm vụ của nhà trường là tập trung đào tạo, huấn luyện cán bộ phục vụ cho cuộc đấu tranh chống Mỹ cứu nước, nhất là tuyên truyền, giáo dục lý tưởng cách mạng, quan điểm, đường lối của Đảng đến cán bộ và nhân dân để hiểu rõ âm mưu xâm lược thâm độc của đế quốc Mỹ; đồng thời cũng là nơi đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ có đủ phẩm chất, năng lực và trình độ lý luận chính trị, vững vàng về tư tưởng, chính trị, kiên định con đường độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.
Từ sau giải phóng đến năm 1985, bước vào giai đoạn cách mạng mới với 2 nhiệm vụ chiến lược là xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, thực hiện theo Nghị quyết của Đảng bộ tỉnh Gia Lai-Kon Tum, nhà trường đã xác định yêu cầu của công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của Đảng trong giai đoạn này là phải xây dựng được đội ngũ cán bộ vừa hồng, vừa chuyên; vừa biết làm công tác quản lý, có năng lực tiếp thu được đường lối, chính sách của Đảng, vừa hiểu biết chuyên môn, hiểu biết các mặt của nhiệm vụ xây dựng trong giai đoạn cách mạng mới. Trường đã mở các lớp đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ chủ chốt cấp xã, cấp huyện có đủ phẩm chất, năng lực, nắm vững đường lối, chủ trương của Đảng, có tư duy, năng lực quản lý nhà nước, đáp ứng được yêu cầu của thời kỳ mới.
Từ năm 1986 đến nay, nhằm góp phần kịp thời đưa chủ trương, đường lối của Đảng vào cuộc sống, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh, với tinh thần đổi mới và xây dựng đội ngũ cán bộ của tỉnh có trình độ, phẩm chất và năng lực đáp ứng yêu cầu của thời kỳ đổi mới, Trường Chính trị tỉnh đã tập trung đẩy mạnh công tác chiêu sinh, mở nhiều lớp đào tạo, bồi dưỡng về trung cấp lý luận chính trị, trung cấp quản lý hành chính nhà nước, các lớp đại học, cao cấp lý luận chính trị, cử nhân hành chính, cao trung quản lý nhà nước, các lớp đào tạo lại và bồi dưỡng... cho đội ngũ cán bộ, đảng viên của tỉnh. Kết quả, đã mở được 415 lớp trung cấp lý luận chính trị, trung cấp quản lý hành chính nhà nước với hơn 32.085 học viên; 529 lớp bồi dưỡng với 61.269 học viên; 27 lớp đào tạo lại và bồi dưỡng cho các đối tượng trưởng, phó đầu ngành trong hệ thống chính trị cơ sở và tương đương với 1.936 học viên; 2 lớp bồi dưỡng chuyên viên với 186 học viên; 2 lớp tạo nguồn cán bộ cơ sở và trung cấp thanh vận với 117 học viên. Ngoài ra, nhà trường đã phối hợp với các trường đại học, học viện tổ chức nhiều lớp đại học, cao cấp lý luận chính trị, cử nhân hành chính, cao trung quản lý nhà nước... nhằm nâng cao trình độ các mặt cho đội ngũ cán bộ, đảng viên của tỉnh.
Trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ được giao, nhà trường luôn chú trọng xác định đối tượng, xây dựng nội dung chương trình đào tạo, bồi dưỡng phù hợp và đáp ứng với yêu cầu mới, xác định những vấn đề cần nghiên cứu phục vụ cho việc hoạch định đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước, không ngừng nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao và phức tạp của thực tiễn. Bên cạnh đó, trường cũng thực hiện tốt công tác phối hợp, cộng tác với các sở, ban, ngành, Mặt trận, đoàn thể chính trị-xã hội tỉnh trong việc thực hiện nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng...
Có thể khẳng định rằng, từ khi thành lập đến nay, qua 60 năm xây dựng và trưởng thành, Trường Chính trị tỉnh đã đạt được những thành tựu đáng kể, góp phần quan trọng vào sự nghiệp cách mạng chung của toàn tỉnh và không ngừng phát triển cả về quy mô, chất lượng đào tạo.
Từ chỗ chỉ có 1 chi bộ với một số ít đảng viên, đến nay, Đảng bộ cơ sở Trường Chính trị tỉnh có 38 đảng viên, Đảng bộ thực sự là hạt nhân lãnh đạo và tổ chức thực hiện nhiệm vụ chính trị. Công đoàn và chi đoàn nhà trường luôn được củng cố, hiệu quả hoạt động từng bước được nâng lên, thực hiện tốt nhiệm vụ tuyên truyền; động viên, tổ chức đoàn viên tích cực thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các phong trào thi đua do các cấp phát động.
Về tổ chức bộ máy và cán bộ, đến nay đã có tổng số 52 công chức, viên chức và người lao động, trong đó biên chế là 42 đồng chí, lao động hợp đồng là 10 đồng chí. Đội ngũ giảng viên là 32 đồng chí, trong đó có 2 tiến sĩ, 10 thạc sĩ. Từ chỗ chỉ có 2 bộ phận, nay đã có 4 khoa và 3 phòng. Trong những năm qua, nhà trường đã cử hàng trăm lượt công chức, viên chức, giảng viên tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng trong và ngoài nước nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên.
Tiếp tục phát huy vai trò trong thời kỳ mới
Trong thời gian tới, vấn đề đặt ra cho Trường Chính trị tỉnh là phải gắn liền việc thực hiện tốt các chức năng, nhiệm vụ được giao với việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ chính trị của Trung ương và của tỉnh để phát huy tốt hơn nữa vai trò, vị trí của mình trong thời kỳ mới, trong đó chú trọng một số nội dung sau:
 Trường Chính trị tỉnh được đầu tư xây dựng khang trang. Ảnh: Đức Thụy
Trường Chính trị tỉnh được đầu tư xây dựng khang trang. Ảnh: Đức Thụy
Một là, Trường Chính trị tỉnh cần tiếp tục bám sát các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền, truyền tải toàn diện các nội dung đến cán bộ, giảng viên và học viên; nhất là những nội dung, mục tiêu Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, Nghị quyết XV Đảng bộ tỉnh và các chỉ thị, nghị quyết chuyên đề Trung ương như: Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh...
Hai là, phải thường xuyên tìm tòi những giải pháp mới để đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý chủ chốt, cán bộ khoa học lý luận chính trị của tỉnh có bản lĩnh chính trị vững vàng, có phẩm chất đạo đức trong sáng, am hiểu sâu cả về lý luận chính trị và thực tiễn, có khả năng tập hợp, tổ chức, điều hành công việc giỏi ở tất cả các ngành, lĩnh vực. Chú trọng đổi mới chương trình, nội dung, phương pháp giảng dạy và học tập; đổi mới công tác tuyển sinh, công tác thi, kiểm tra, đánh giá chất lượng học tập.
Ba là, quan tâm đào tạo, bồi dưỡng nâng cao toàn diện chất lượng đội ngũ cán bộ nghiên cứu, giảng dạy. Quan tâm, tạo điều kiện cho đội ngũ giảng viên đi nghiên cứu, thâm nhập thực tế để bổ sung thêm kiến thức thực tiễn, hoàn thiện giáo trình bài giảng theo hướng lý luận phải đi đôi với thực tiễn; tránh tình trạng giảng viên chỉ biết lý luận suông, xa lạ với thực tiễn đời sống chính trị-xã hội đang diễn ra ở cơ sở. Mỗi giảng viên, viên chức nhà trường phải thực sự là cán bộ mẫu mực về mọi mặt, là tấm gương sáng để học viên noi theo.
Bốn là, đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học, nghiên cứu lý luận và tổng kết thực tiễn. Đặc biệt là tổng kết thực tiễn để phát triển lý luận, tập trung làm sáng tỏ những vấn đề thực tiễn đặt ra, kịp thời dự báo, cung cấp, bổ sung những yếu tố cần đổi mới, cần sửa đổi cho phù hợp với điều kiện thực tế, là cơ sở quan trọng tham mưu giúp Đảng bộ tỉnh sửa đổi, bổ sung và ban hành chủ trương phát triển kinh tế-xã hội, giữ vững ổn định chính trị, quốc phòng-an ninh, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh trong tình hình hiện nay.
Năm là, tạo điều kiện thuận lợi để các học viên tích cực học tập, học phải thực chất, đảm bảo chất lượng; tích cực tham gia trao đổi, thảo luận, phát huy tính chủ động, ý thức tự giác, học đi đôi với hành, gắn kiến thức cơ bản với kiến thức ứng dụng để sau khi hoàn thành chương trình học tập, nghiên cứu, các đồng chí học viên có thể vận dụng nhuần nhuyễn những kiến thức đã được trang bị vào hoạt động thực tiễn, xử lý đúng các tình huống công việc phù hợp với từng đối tượng học viên. Tránh tình trạng đi học cho có, học để hoàn thiện bằng cấp, đảm bảo các điều kiện của công tác cán bộ.
 HỒ VĂN NIÊN
Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng,
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh

Có thể bạn quan tâm