(GLO)- Chiều 20- 2, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng tỉnh Gia Lai tổ chức lễ khánh thành tôn tạo, nâng cấp Bia tưởng niệm các liệt sĩ Bộ đội Biên phòng tỉnh hi sinh bảo vệ biên giới Tây Nam giai đoạn 1977-1979. Tham dự buổi lễ có các đồng chí: Võ Ngọc Thành-Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Ayun H’Bút-Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh cùng lãnh đạo các địa phương, đơn vị trên địa bàn.
Diễn văn tại buổi lễ nêu rõ: Sau ngày giải phóng miền Nam, được sự chỉ đạo của Bộ Tư lệnh Công an vũ trang và sự giúp đỡ của cấp ủy, chính quyền địa phương và nhân dân, Công an nhân dân vũ trang Gia Lai vừa củng cố tổ chức triển khai đồn, trạm để quản lý bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ. Trong cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam, lực lượng vũ trang Gia Lai đã độc lập chiến đấu 20 trận, diệt hơn 60 tên địch.
Chủ tịch UBND tỉnh cùng các đại biểu thắp hương viếng các liệt sĩ. Ảnh: Vĩnh Hoàng |
Tại Đồn Biên phòng 649 (nay là Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh) giai đoạn 1977-1979 đã diễn ra cuộc chiến đấu vô cùng ác liệt giữa ta và bọn xâm lược Pôn Pốt. Đặc biệt, trong 9 ngày đêm từ ngày 18 đến ngày 26-6-1978, mặc dù bị địch bao vây, một số đồng chí hi sinh và bị thương, song các cán bộ, chiến sĩ của Đồn đã anh dũng chiến đấu không sợ gian khổ hi sinh. Qua đó, tạo điều kiện cho các đơn vị của ta phản công tiêu diệt địch bảo vệ vững chắc chủ quyền của Tổ quốc. Trong cuộc chiến ấy, 10 cán bộ, chiến sĩ của Đồn đã anh dũng hi sinh, một số đồng chí bị thương. Với chiến công ấy, tháng 12-1979, Đồn Biên phòng 649 đã vinh dự được Đảng, Nhà nước tuyên dương danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại buổi lễ. Ảnh: Vĩnh Hoàng |
Nhằm ghi nhớ công lao của các liệt sĩ đã hi sinh vì sự nghiệp bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Gia Lai đã xin chủ trương của các cấp để nâng cấp, tôn tạo Bia tưởng niệm bằng nguồn kinh phí của tỉnh và xã hội hóa. Đến nay, sau 9 tháng thi công, công trình đã hoàn thiện đúng tiến độ với kinh phí hơn 1 tỷ đồng.
Bia tưởng niệm các liệt sĩ hi sinh vì sự nghiệp bảo vệ biên giới là công trình có giá trị lịch sử to lớn vừa ghi nhớ công lao của các chiến sĩ đã hi sinh và đây cũng là “địa chỉ đỏ” để giáo dục truyền thống cho các thế hệ trẻ. Qua đó, nâng cao tinh thần trách nhiệm của nhân dân trong việc bảo vệ biên giới và xây dựng khu vực biên giới hòa bình, hữu nghị cùng phát triển.
Vĩnh Hoàng