Phóng sự - Ký sự

Khát vọng Thủy Nguyên

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Hơn nửa thế kỷ trôi qua, ký ức cựu chiến binh Trần Anh Thái vẫn in đậm hình ảnh một Thủy Nguyên "hầm liền nhà, liền đường, liền ruộng" cùng hệ thống giao thông hào chằng chịt ra tận cánh đồng.



Cuối tháng 12-2019, các nhà khảo cổ học phát hiện một bãi cọc gỗ lim ở cánh đồng thôn Cao Quỳ, xã Liên Khê, huyện Thủy Nguyên, TP Hải Phòng. Dựa trên kết quả xác định niên đại tuyệt đối bằng phóng xạ, kết hợp các tài liệu lịch sử, văn hóa… các nhà khoa học xác định bãi cọc này có liên quan trận chiến Bạch Đằng năm 1288, tức cuộc chiến đấu của quân dân Đại Việt chống quân xâm lược Nguyên Mông lần thứ ba.

Ký ức hào hùng

Thông tin nói trên khiến chúng tôi háo hức muốn về ngay Thủy Nguyên nhưng đến ra giêng Canh Tý này mới thực hiện được. Đồng hành với chúng tôi là đại tá, nhà thơ Trần Anh Thái, nguyên Trưởng Phòng Biên tập Văn hóa của Báo Quân đội Nhân dân.

Cách đây hơn 50 năm, anh Thái là lính phòng không đóng quân ở Thủy Nguyên. Ngày ấy, Thủy Nguyên là một trong những mục tiêu bị Mỹ đánh phá rất ác liệt, vì nơi đây có nhiều xí nghiệp quốc doanh lớn, lại là địa bàn phòng thủ hiểm yếu của đồng bằng Bắc Bộ.


 

 



Trong lịch sử, các thế lực xâm lược đều chọn hướng từ Thủy Nguyên để tiến quân đột nhập Thăng Long. Quân và dân ta cũng chọn nơi này làm quyết chiến điểm để tiêu diệt quân xâm lược và lập nên những chiến công hiển hách, tiêu biểu là 3 chiến thắng oanh liệt trên sông Bạch Đằng. Đó là năm 938 - Đại vương Ngô Quyền đánh tan quân Nam Hán; năm 981 - Hoàng đế Lê Hoàn đại thắng giặc Tống; năm 1288 - Hưng đạo vương Trần Quốc Tuấn đại phá quân Nguyên lần thứ ba xâm lược nước ta.

Hơn nửa thế kỷ trôi qua, trong ký ức cựu chiến binh Trần Anh Thái vẫn in đậm hình ảnh một Thủy Nguyên "hầm liền nhà, liền đường, liền ruộng" cùng hệ thống giao thông hào chằng chịt khắp các đường làng, ngõ xóm, ra tận các cánh đồng. Cùng với hệ thống hầm hào là chủ trương xây dựng các cụm làng chiến đấu.

Trong rất nhiều những trận đánh trả tiêu diệt lũ giặc "trời", anh Thái nhớ nhất là sự kiện ngày 29-6-1966. Hôm đó, khi bộ đội cao xạ bắn rơi một máy bay A4, giặc lái nhảy dù xuống cửa Nam Triệu. Dân quân 2 xã Hoàng Động và Trung Hà của Thủy Nguyên đang "vừa sản xuất, vừa sẵn sàng chiến đấu" ở cửa sông, đã phối hợp dân quân Cát Hải và đồn công an vũ trang lao tới bắt sống giặc lái. Máy bay Mỹ kéo đến gầm rú hòng giải vây cho phi công, nhưng dân quân vẫn không nao núng dù thuyền bị thủng, cột buồm bị gãy vì trúng đạn…

Vùng quê văn hiến

Theo các tài liệu khoa học, từ thời tiền sử, người Việt cổ đã có mặt nơi đây và xác lập nên một nền văn hóa bản địa khá sâu đậm, thể hiện qua các di vật khảo cổ Tràng Kênh - Việt Khê cùng những di sản phi vật thể độc đáo như truyền thuyết, hát đúm, ca trù, lễ hội…

Anh Nguyễn Huy Tưởng, Giám đốc Trung tâm Văn hóa huyện Thủy Nguyên, nhiệt tình dẫn chúng tôi đi tham quan không chỉ bãi cọc lim vừa phát lộ ở Cao Quỳ mà còn nhiều địa chỉ văn hóa tiêu biểu của huyện. Trước tiên là di chỉ khảo cổ Tràng Kênh có niên đại gần 3.500 năm, được coi là một công xưởng hậu kỳ đồ đá mới và sơ kỳ đồng thau, có tên trong danh mục di chỉ khảo cổ thế giới. Di chỉ này nằm trong vùng núi đá Tràng Kênh được ví như một "Hạ Long trên cạn".

Nổi bật trong đó là cụm công trình tượng đài và đền thờ Đại vương Ngô Quyền, Hoàng đế Lê Hoàn và Hưng đạo vương Trần Quốc Tuấn. Bên cạnh đó là khu lăng mộ và đền thờ tướng quân Trần Quốc Bảo, người đã cùng Trần Nhật Duật đánh tan đội quân tiếp tế lương thảo của địch năm 1288 và đã hy sinh tại đây. Cùng với khu lăng mộ này còn có hệ thống miếu thờ các bậc danh nhân, tiên liệt, như: Đông Giang Hầu tướng quân Vũ Nạp, Tây Giang Hầu thái giám Phạm Hữu Điều…


 

 Cụm tượng đài 3 danh tướng ở Khu di tích chiến thắng Bạch Đằng
Cụm tượng đài 3 danh tướng ở Khu di tích chiến thắng Bạch Đằng



Nguyễn Huy Tưởng cho chúng tôi biết hiện toàn huyện có hơn 350 di tích vật thể. Trong đó, 23 di tích đã được xếp hạng di tích cấp quốc gia và 48 di tích khác được xếp hạng cấp tỉnh. Cùng đó là hệ thống di sản văn hóa phi vật thể đặc sắc được thể hiện thông qua nhiều phong tục, tập quán, trang phục, ẩm thực, truyền thuyết, ca dao, tục ngữ, dân ca… Đặc biệt hệ thống hơn 150 lễ hội dân gian cùng nhiều loại hình nghệ thuật trình diễn độc đáo và các làng nghề truyền thống danh bất hư truyền. Tất cả góp phần tạo nên tiềm năng du lịch to lớn cho Thủy Nguyên trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng- an ninh.

Vùng kinh tế động lực

Thủy Nguyên được thiên nhiên ban tặng địa thế đắc lợi, bao bọc bởi 3 con sông lớn: Sông Cấm, Bạch Đằng, Kinh Thầy; tiếp giáp với những địa phương năng động của tam giác kinh tế Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh.

Từ xưa, Thủy Nguyên nổi tiếng với nhiều ngành nghề truyền thống và là cửa ngõ giao thương tấp nập. Trong công cuộc đổi mới, TP Hải Phòng đã chọn Thủy Nguyên để xây dựng vùng kinh tế động lực. Theo đó, chỉ trong một thập niên đầu của thế kỷ XXI, tốc độ đô thị hóa ở đây đã diễn ra rất nhanh, nhiều ngành kinh tế phát triển đột phá, đưa Thủy Nguyên lên tốp đầu về kinh tế của Hải Phòng.

Hiện nay, Bến Rừng, VSIP và Nam cầu Kiền là ba khu công nghiệp (KCN) lớn không chỉ của Thủy Nguyên mà còn là những trọng điểm kinh tế của Hải Phòng và cả vùng Đông Bắc. Trong đó, VSIP ở vùng phía Bắc sông Cấm có số vốn liên doanh đầu tư trên 1 tỉ USD, từ năm 2012 đã thu hút 19 doanh nghiệp vào đầu tư, trong đó 13 doanh nghiệp đã sản xuất các mặt hàng xuất khẩu là linh kiện điện tử và cơ khí chính xác. KCN Nam cầu Kiền nằm trên 4 xã, từ năm 2013 đã thu hút 11 dự án trong nước và nước ngoài với tổng số vốn đăng ký xấp xỉ 3.500 tỉ đồng. KCN Bến Rừng thuộc địa bàn 5 xã Đông Bắc huyện. Theo quy hoạch đến năm 2025, KCN này sẽ cùng thị trấn Minh Đức và thị tứ Ngũ Lão hình thành một quận mới có quy mô khoảng 100.000 dân.

Trăn trở

Trao đổi với chúng tôi về những dự án hiệu quả và những số liệu ấn tượng nêu trên, kỹ sư Nguyễn Huy Hoàng, tân Chủ tịch UBND huyện Thủy Nguyên, không giấu những hệ lụy của sự "phát triển nóng" mà huyện nhà đang phải đối mặt.


 

Làng đúc Mỹ Đồng ở Thủy Nguyên có nhiều sản phẩm xuất khẩu
Làng đúc Mỹ Đồng ở Thủy Nguyên có nhiều sản phẩm xuất khẩu



Nổi cộm nhất vẫn là vấn đề ô nhiễm môi trường. Như con sông Giá bao đời trong xanh hiền hòa vừa là nguồn nước tưới của hàng ngàn ha lúa hai vụ vừa là nguồn nước sinh hoạt cho hơn 30 vạn dân các xã phía Đông Nam và các KCN lớn, thế mà nay thỉnh thoảng lại tôm cá chết nổi lềnh phềnh vì sặc mùi nước thải chưa qua xử lý. Hoặc như hoạt động khai thác đá xây dựng và phục vụ 2 nhà máy xi-măng hơn 20 năm qua đã san phẳng nhiều ngọn núi có "danh phận", làm biến dạng cảnh quan khu danh thắng Tràng Kênh; kèm đó là ô nhiễm không khí, mất cân bằng sinh thái, ảnh hưởng đời sống dân sinh và môi trường văn hóa - xã hội.

Chủ tịch Nguyễn Huy Hoàng cũng cho biết anh đang ấp ủ dự án xây dựng một số khu bảo tồn tự nhiên của huyện nhà. Thủy Nguyên là một huyện trù phú, thiên nhiên đa dạng, mang tiếng là "huyện giàu", thế mà không có một khu bảo tồn tự nhiên để bảo tồn sinh thái và phát triển du lịch thì tiếc quá!

Rồi anh say sưa hào hứng "thuyết minh" về tính khả thi của ý tưởng trên. Nào là tiềm năng bảo tồn một số khu vực thuộc dãy núi đá Tràng Kênh với nhiều hang động kỳ thú, có thảm thực vật và hệ động vật đa dạng. Nào là hệ sinh thái ở phía ngoài đê Quốc Gia từ Dương Quan đến Tam Hưng, nếu làm tốt có thể trở thành khu bảo tồn đất ngập mặn của thành phố, thậm chí là quốc gia. Rồi thì tuyến đê biển từ Phà Bính đến Phà Rừng cũng rất cần được bảo vệ bằng dải rừng ngập mặn, đối phó với tình trạng biến đổi khí hậu và dâng cao mực nước biển hiện nay.

Được biết, ý tưởng về xây dựng những khu bảo tồn tự nhiên trên đây từng được Nguyễn Huy Hoàng nhiều lần nêu lên, khi anh còn công tác bên HĐND huyện. Giờ đây, chứng kiến sự hào hứng của anh khi nói về những dự án môi trường bấy lâu hằng ấp ủ, tôi tin với cương vị mới, nhất định anh sẽ tìm cách biến những điều đó trở thành hiện thực!

ĐƠN VỊ ĐỒNG HÀNH

 
 
 
 

Theo MAI NAM THẮNG (NLĐO)

Có thể bạn quan tâm