Phóng sự - Ký sự

Khát vọng tỏa sáng tài năng: Những cuộc đời bí ẩn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Với những người khuyết tật, cuộc đời là những trang giấy luôn được viết mãi, nếu buông xuôi, không kiên trì thì họ không có được thành công như hôm nay.

Đến thời điểm hiện tại, ca sĩ nam có thể hát giọng nữ không hiếm. Nhưng với Bùi Khánh Bình xuất hiện trong chương trình "Người bí ẩn" cách đây mấy năm, "anh bán phở" này vẫn là một hiện tượng độc đáo, thu hút sự chú ý của công chúng.

Những giọng nói đặc biệt

Nếu chỉ nghe mà không nhìn, chắc chắn ai cũng khẳng định người đang hát là ca sĩ Phi Nhung, danh ca Hương Lan hay Thanh Tuyền… nhưng tất cả giọng hát đó đều do một nam ca sĩ không chuyên Khánh Bình thể hiện. Danh hài Hoài Linh khi nghe đã phải thốt lên rằng: "Tôi chưa bao giờ phải khóc khi nghe người khác hát nhưng tôi thực sự xúc động trước giọng hát tuyệt vời của em".

Khánh Bình tiết lộ anh hát được giọng nữ vì mê tiếng hát của những danh ca này. Anh bắt chước và tự nhiên hình thành thói quen giả giọng nữ. Thường thì anh chỉ hát ở đám tiệc cùng bạn bè cho vui nhưng từ khi tham gia chương trình "Người bí ẩn", sự cổ vũ nhiệt tình của khán giả đã cho anh một cơ hội "đi hát". "Cuộc sống của tôi đã bước sang trang mới từ khi đi hát và điều đặc biệt là được sống với đam mê của mình" - anh bày tỏ.

Tính đến nay, "anh bán phở" Khánh Bình đã theo đuổi nghề ca hát được 5 năm. Anh cũng có người hâm mộ và lượng khán giả riêng ổn định. Điều đó giúp anh có một cuộc sống thoải mái hơn trước rất nhiều, không còn thức khuya dậy sớm để bán phở.

Giọng tiểu thư đanh đá, tiểu thư đoan chính, bà lão, bà già bị móm, trẻ em, luật sư, nhân viên văn phòng…, tất cả đều được mỗi người lồng tiếng Bích Ngọc thực hiện. Đó là lý do bà được gọi là "phù thủy" lồng tiếng.

 
"Phù thủy" lồng tiếng Bích Ngọc. (Ảnh do nhân vật cung cấp)
"Phù thủy" lồng tiếng Bích Ngọc. (Ảnh do nhân vật cung cấp)



Bích Ngọc chính là người lồng tiếng cho các vai diễn của Tuyên Huyên, Trần Tú Văn, Ôn Bích Hà... Nhưng có lẽ không phải ai cũng biết, vai Võ Tắc Thiên của Phạm Băng Băng từ trẻ tới già đều do một mình bà lồng tiếng. Hiện nay, mặc dù phim bộ của TVB đã qua thời kỳ hoàng kim nhưng giọng đọc của Bích Ngọc vẫn "phủ sóng toàn quốc", bên cạnh những cái tên như Huy Hồ, Thế Thanh, Nguyễn Vinh, Thế Phương, Bá Nghị... Đặc biệt, nếu chỉ nghe giọng, chắc chắn không ai có thể tin "phù thủy" lồng tiếng đã ngoài 50 tuổi. Bà có khả năng nói được nhiều giọng từ trẻ con đến người già và rất giỏi khi chuyển giọng đối thoại giữa các nhân vật.

Bà thổ lộ từng có ý định thi vào trường âm nhạc nhưng rồi lại chọn diễn viên kịch. Sau một thời gian, bà lại rời xa ánh đèn sân khấu để lo cho mái ấm gia đình. Chồng bà là diễn viên điện ảnh Công Hậu, đi đóng phim quanh năm suốt tháng nên con cái cần người mẹ chăm sóc. Bà chọn công việc lồng tiếng vì nó phù hợp nhất với một bà nội trợ. Và có lẽ ông trời cũng rất công bằng khi bù lại cho bà một chất giọng đặc biệt cùng với thành công hiếm có trong nghề lồng tiếng.

Vượt lên số phận

Nhìn dáng hình sải dài cánh tay của vận động viên bơi lội Nguyễn Thành Trung trong những giờ tập luyện ở Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia TP HCM, không ai nghĩ đây là vận động chỉ có đôi chân teo tóp. Cũng ít ai ngờ anh nhảy hip hop rất điệu nghệ với đôi chân không một chút sức lực ấy.

"Tại sao người khác đạp xe, chơi thể thao, chạy nhảy đuổi rượt nhau thỏa thích, còn mình thì cứ luôn phải ngồi một chỗ? Cực hình nhất là giờ ra chơi, các bạn ùa ra hết, chỉ còn lại mình tôi trong lớp. Những lúc ấy, tôi thấy tủi thân lắm, nghĩ sau này không biết sẽ làm gì để nuôi thân. Nhiều lần, tôi muốn chết đi cho rồi!" - anh Nguyễn Thành Trung tâm sự về quãng đời niên thiếu của mình.

Thành Trung bị khuyết tật chân do cơn sốt bại liệt năm lên 3 tuổi. Tuổi thơ bất hạnh, cơ cực đã biến Trung từ một cậu bé yếu đuối thành người có nghị lực phi thường, ý chí vươn lên mạnh mẽ. Vì hoàn cảnh nghèo, anh phải làm nghề đóng đáy, giăng lưới ống đón luồng tôm, cá trên những khúc sông chảy xiết. Người lành lặn làm nghề này đã khó, huống chi anh gần như thiếu hẳn đôi chân. Đôi tay rắn chắc đã phải gánh thay cho đôi chân mềm yếu trong cuộc sống mưu sinh của anh. "Tôi bị té sông, chìm ghe hoài. Rồi những lúc dây nhợ, rác rến vướng víu, mình phải lặn xuống gỡ. Áp lực nước có khi làm lỗ tai mình ra máu" - anh nhớ lại.

 

 Vũ công hip hop tật nguyền Thành Trung. (Ảnh do nhân vật cung cấp)
Vũ công hip hop tật nguyền Thành Trung. (Ảnh do nhân vật cung cấp)



Giống như bao thanh niên khác, anh tìm đến hip hop như đam mê năng động của tuổi trẻ. Sau nhiều lần biểu diễn tự phát và đối kháng với các nhóm khác, đến năm 2008, CLB hip hop AAT (Anh Anh và Tui) do Nguyễn Thành Trung làm chủ nhiệm đã ra đời, dưới sự đỡ đầu của Trung tâm Văn hóa - Thể thao TP Cần Thơ. Hip hop cũng là cơ duyên đưa anh đến với bơi lội. Từ bơi thử cho vui, anh trở thành vận động viên đội tuyển bơi lội người khuyết tật quốc gia, đoạt nhiều huy chương trong nước và quốc tế.

Có lẽ với những người khuyết tật tài năng hiếm có như Thành Trung, cuộc đời là những trang giấy luôn được viết mãi. Nếu họ buông xuôi, không bền bỉ, kiên trì thì họ không có được thành công như ngày hôm nay.


Cánh cửa khác sẽ mở ra

Là người tham gia các chương trình "Người bí ẩn" trong vai trò "đội nhà", nghệ sĩ hài Việt Hương đã bị những tài năng khuyết tật như vũ công hip hop Thành Trung lấy đi nhiều nước mắt vì nỗ lực của họ. "Người ta đóng cánh cửa này thì sẽ mở ra một cánh cửa khác. Và tôi nghĩ bạn khuyết cái gì, ông trời sẽ sắp xếp, đền bù cho bạn bằng cách khác" - nghệ sĩ Việt Hương chia sẻ.

Thùy Trang (NLĐO)

Có thể bạn quan tâm