Khát vọng vùng cao Y Tý

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Đến nay, xã vùng cao Y Tý dường như không còn xa xôi, heo hút như trước bởi trong những năm gần đây, điểm đến này đã trở nên quen thuộc hơn với khách du lịch và được lựa chọn trong nhiều tuyến du lịch đến Bát Xát, Lào Cai. Có tiềm năng tự nhiên và nhân văn hấp dẫn, độc đáo được ví như một “mỏ vàng” để Y Tý phát triển các loại hình du lịch văn hóa, sinh thái, thể thao mạo hiểm và có thể trở thành một khu đô thị du lịch vùng cao biên giới trong tương lai.
Săn mây tại Y Tý được nhiều khách du lịch yêu thích.
Săn mây tại Y Tý được nhiều khách du lịch yêu thích.
Từ thành phố Lào Cai lên Y Tý của huyện Bát Xát có bốn cung đường mà mỗi cung đường đều mang một vẻ đẹp huyền ảo và hùng vĩ của vùng cao Tây Bắc. Đầu mùa hè mà sáng sớm vẫn có sương mù bao phủ dày đặc. Chúng tôi men theo sông Hồng đến Trịnh Tường rồi rẽ trái lên Y Tý.
 
Con đường nhỏ lại có dốc khá cao, cho nên nhiều đoạn xe phải đi chậm. Cùng chung đường với chúng tôi là từng tốp “phượt thủ” nối đuôi nhau trên những xe máy và ô-tô nhằm hướng trung tâm xã. Nhiều đồi chuối hai bên đường đến mùa thu hoạch với rất đông người dân và thương lái đang chất chuối lên các xe tải. Thỉnh thoảng bắt gặp nhiều nhóm phượt và du khách dừng xe, tụ lại bên đường để chiêm ngưỡng, chụp ảnh và hòa vào không khí lao động sôi nổi trên các đồi cây. 
Dẫn chúng tôi đi thăm các thôn trong Y Tý, Bí thư Đảng ủy xã Y Tý, Ngô Quốc Cường hào hứng giới thiệu về những tiềm năng của vùng đất nơi đây. Là một xã vùng cao biên giới cách trung tâm huyện Bát Xát khoảng 80km, Y Tý thuộc diện xã đặc biệt khó khăn với gần 800 hộ gia đình các dân tộc H’Mông, Hà Nhì, Dao, Giáy sinh sống tại 16 thôn, bản, trong đó, đông nhất là cộng đồng người Hà Nhì, chiếm tới 70% dân số toàn xã.
Nằm ở độ cao lớn (2.000m so với mực nước biển), Y Tý có khí hậu tiểu vùng ôn đới lục địa đặc thù, phù hợp với các loại cây dược liệu và cây ăn quả ôn đới. Những năm qua, ngoài lúa, ngô, khoai, sắn, chính quyền và người dân xã Y Tý mở rộng diện tích sản xuất cây dược liệu, trồng rau, nhằm phát huy thế mạnh địa phương, áp dụng các mô hình trồng trọt có kỹ thuật tiên tiến để tránh tác động đến môi trường.
Chính quyền xã thường xuyên kết hợp với các doanh nghiệp nông nghiệp mời chuyên gia về hướng dẫn, đào tạo bà con cách trồng rau an toàn với một số mô hình thành công xuất khẩu rau sang thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản. Tuy nhiên, đây chỉ là những bước tạo dựng ban đầu bởi cho đến thời điểm hiện tại, số hộ nghèo ở Y Tý so với nhiều nơi khác vẫn khá cao, chiếm tỷ lệ tới 77,5% tổng số hộ gia đình trong xã. 
Theo lãnh đạo huyện Bát Xát và Đảng bộ, chính quyền xã Y Tý, nếu chỉ trông chờ vào canh tác thuần nông thì rất khó để đưa xã thoát nghèo mà cần phải có hướng chuyển dịch sang lĩnh vực du lịch, dịch vụ dựa trên tài nguyên tự nhiên và nhân văn của vùng đất này. Có địa hình núi cao, cảnh quan tuyệt đẹp và khí hậu mát mẻ, với nhiều khách du lịch, Y Tý được ví như một Sa Pa thứ hai của Lào Cai.
Mỗi mùa nơi đây đều mang một vẻ đẹp riêng độc đáo, du khách không chỉ được “săn tuyết” mùa đông, “săn mây” mùa hạ mà còn được chiêm ngưỡng những đồng lúa bậc thang chín vàng, óng ả từ trên cao hòa vào mầu xanh của núi rừng, vườn cây như một bức tranh thổ cẩm đa sắc mầu. Đặc biệt, đồng bào các dân tộc nơi đây còn gìn giữ được bản sắc văn hóa truyền thống khá độc đáo, nhất là hệ thống nhà trình tường bằng đất, mái lợp cỏ gianh, cao bốn, năm mét ở các bản, làng người Hà Nhì, thu hút khách du lịch từ các nơi tìm về trải nghiệm.
 
Thực hiện nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Lào Cai khóa 2020- 2025, từ thế mạnh tiềm năng nêu trên, huyện Bát Xát đã chọn phát triển du lịch là một trong ba lĩnh vực đột phá, trong đó tập trung phát triển, xây dựng Y Tý trở thành khu đô thị du lịch, giúp thị xã vùng biên giới có cơ hội bứt phá và vươn xa hơn trong tương lai.
Trong những năm gần đây, huyện đã xây dựng và triển khai nhiều chính sách nhằm từng bước quảng bá và đưa Y Tý trở thành một điểm đến có thể kết hợp phát triển du lịch cộng đồng với việc bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc.
Bên cạnh đó, hệ thống kết cấu hạ tầng cũng từng bước được cải tạo, nâng cấp và xây mới, trong đó có các dự án đường từ tuyến Bản Vược-Bản Xèo-Mường Hum-Dền Sáng-Y Tý-A Lù-A Mú Sung dự kiến hoàn thành vào năm 2023; tuyến đường từ Trịnh Tường-Y Tý cũng được dự kiến khởi công năm 2022 và hoàn thành trong năm 2024.
Một khi hoàn thành, việc đi lại từ trung tâm thành phố Lào Cai đến xã Y Tý sẽ trở nên thuận lợi hơn, giúp chuyển đổi mạnh mẽ kinh tế theo hướng phát triển dịch vụ, du lịch. Tháng 7 năm 2020, xã Y Tý đã nhận được công bố quy hoạch từ UBND tỉnh Lào Cai định hướng đến năm 2040 trở thành khu đô thị du lịch vùng cao biên giới thuộc chương trình nâng cấp đô thị theo đề án Phát triển mạng lưới đô thị tỉnh Lào Cai.
Với việc được quy hoạch làm khu đô thị du lịch, Y Tý đã và đang được nhiều người biết đến hơn. Giao thông đi lại được đầu tư, du lịch, dịch vụ phát triển kéo theo các lĩnh vực khác như nông nghiệp, giúp người dân địa phương có thêm nhiều cơ hội việc làm, gia tăng thu nhập cá nhân, thúc đẩy hoạt động văn hóa, giáo dục, xóa bỏ các tập tục lạc hậu, góp phần vào công cuộc ổn định và giữ gìn an sinh xã hội.
Ông chủ trẻ của cơ sở Homestay Y Ty Cloud là Lý Xá Xuy, người dân tộc Hà Nhì đã chia sẻ những suy nghĩ của mình như vậy với chúng tôi. Tốt nghiệp Trường đại học Xây dựng Hà Nội, Lý Xá Xuy đã chọn con đường về bản lập nghiệp với mô hình du lịch cộng đồng. Anh cho biết, khách lên đây chủ yếu là săn mây, đông nhất vào mùa lúa chín và thăm các bản của người Hà Nhì và người H’Mông cùng rừng nguyên sinh Dền Sáng, khu làng cổ Choẻn Thoẻn hoặc tham gia các tua du lịch lên đỉnh Nachava...
Mấy năm trước đường khó đi, vào mùa này xe thường bị sa lầy do mưa và bùn đất. Nay đường đã được trải nhựa, đổ bê-tông dễ đi hơn rất nhiều. Dịch vụ ăn nghỉ kiểu mô hình homestay ở khu vực cũng được xây dựng khá nhiều, thu hút đông khách. Lý Xá Xuy cho biết, vào dịp cuối tuần, các cơ sở đều kín phòng, nếu không đặt trước thì khách không thể có được phòng nghỉ ở Y Tý.
Theo Phòng Văn hóa-Thông tin huyện Bát Xát, trong dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5 vừa qua, Y Tý đón hơn 3.500 khách du lịch, giúp công suất các phòng nghỉ ở trung tâm huyện tăng đột biến so với năm trước. Sau hai năm ảnh hưởng dịch Covid-19, lượng khách trở lại Bát Xát và Y Tý đã dần đông trở lại, cho thấy đây là điểm đến an toàn, thân thiện và hấp dẫn với du khách.
 
Theo Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Bát Xát, Nguyễn Quang Bình, tổng kết  giai đoạn từ năm 2016 đến hết năm 2021, huyện Bát Xát đã thu hút được nhiều doanh nghiệp đến nghiên cứu đầu tư phát triển du lịch và họ rất quan tâm đến Y Tý.
Tuy nhiên, nhìn một cách tổng thể và đánh giá thực trạng hiện tại thì sự phát triển của du lịch Bát Xát nói chung và Y Tý nói riêng còn nhiều yếu kém, chưa tương xứng với tiềm năng. Số ngày lưu trú của khách du lịch còn thấp, mức chi tiêu chưa cao. Các sản phẩm du lịch còn ít về số lượng, chưa thật sự phát triển như mong muốn, thiếu sự đồng bộ và liên kết cần thiết, trong khi công tác xúc tiến quảng bá chưa hiệu quả...
Trên địa bàn còn thiếu nhiều cơ sở lưu trú, nhà hàng phục vụ du khách và đặc biệt chưa có cơ sở lưu trú, nhà hàng có chất lượng, hoặc các khu nghỉ dưỡng, sinh thái chất lượng cao. Lực lượng lao động cho lĩnh vực du lịch còn thiếu số lượng và hạn chế về kỹ năng nghiệp vụ. 
Trước mắt, theo chỉ đạo của lãnh đạo huyện Bát Xát, chính quyền xã Y Tý đã xác định du lịch là một trong ba bước đột phá để phát triển kinh tế thời gian tới đang triển khai vận động nhân dân tham gia phát triển du lịch khi cùng chung tay bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa, gìn giữ cảnh quan làng, bản, vệ sinh môi trường, thực hiện cắm các biển chỉ dẫn giao thông đi lại và có thái độ thân thiện với du khách nhằm nâng cao hình ảnh điểm đến.
Bên cạnh đó, huyện chỉ đạo và giao cho các phòng chức năng tham mưu và giúp đỡ địa phương thiết kế quy hoạch bãi đỗ xe, nhà vệ sinh, xây dựng hệ thống biển chỉ dẫn, cảnh báo, bản đồ du lịch tại các điểm đến, đồng thời tập huấn nâng cao cho lực lượng lao động du lịch ở địa phương.
Rời Y Tý trong buổi chiều mù sương, tôi vẫn nhớ mãi hình ảnh anh thanh niên Giàng A Cấu ngồi tỉ mẩn lau tấm yên và tắm táp cho những chú ngựa mới mua về từ Bắc Hà để chở đồ phục vụ du khách sáng hôm sau trong tua du lịch chinh phục ngọn Lảo Thẩn để săn mây. Bắt chặt tay anh và ông chủ trẻ Lý Xá Xuy, nhìn vào mắt họ, tôi không chỉ cảm nhận trong đó sự mộc mạc, chân tình mà cả khát vọng vươn lên của những con người nơi vùng cao biên giới.
 
Toàn cảnh Y Tý nhìn từ trên cao.
Toàn cảnh Y Tý nhìn từ trên cao.
 
 
Theo Bài và ảnh: NINH CƠ (NDĐT)
 

Có thể bạn quan tâm