Khi niềm tin của sản phụ đặt đúng chỗ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Chị Vũ Thị Hoa sinh năm 1983, ở khu phố 2, thị trấn Chư Sê (huyện Chư Sê) vì là sinh lần đầu, thể trạng sức khỏe lại kém nên chị và gia đình rất băn khoăn, lo ngại. Sau nhiều lần bàn bạc, gia đình chị quyết định chọn Khoa Sản-Bệnh viện Đa khoa TP. Pleiku (Gia Lai) là nơi cất tiếng khóc chào đời cho đứa con đầu lòng của mình.
Gặp tôi khi vừa qua cơn vượt cạn 1 ngày, chị cười rất tươi: “Dù sức khỏe yếu nhưng được sự động viên, giúp đỡ tận tình của các y bác sĩ trong khoa, tôi đã sinh thường, mẹ và con đều khỏe mạnh. Thật không có niềm vui nào bằng. Vài năm nữa, sinh cháu thứ 2, tôi lại tìm đến nơi này”.
Ảnh: Thái Bình
Niềm vui, sự tin tưởng của chị Hoa cũng chính là niềm tin của các chị em phụ nữ nói riêng, gia đình sản phụ nói chung khi đến với Khoa Sản. Không chỉ là người trong thành phố, lượng bệnh nhân đến từ các huyện: Chư Sê, Chư Pưh, Mang Yang, Chư Pah… ngày một nhiều.
Trao đổi với chúng tôi, bác sĩ Huỳnh Thị Ái Hiếu-Phó Trưởng khoa Sản, Bệnh viện Đa khoa thành phố cho biết: “Trước đến nay, chúng tôi thuộc Khoa Ngoại sản, từ tháng 9-2010 thì chia tách khoa, hiện đang còn gặp nhiều khó khăn nhưng đội ngũ y-bác sĩ trong khoa luôn hết lòng vì công việc. Hiện tại khoa có 17 nhân viên (gồm 15 biên chế và 2 hợp đồng), trong đó 3 bác sĩ, 2 hộ lý, còn lại là nữ hộ sinh. Với số giường định biên là 15, thực kê 17, Khoa Sản luôn trong tình trạng quá tải khi hàng ngày phải đón nhận từ 20 đến 25 bệnh nhân điều trị nội trú, phần lớn là bệnh nhân ở xa. Riêng năm 2010, tổng số bệnh nhân điều trị nội trú là 1.965 lượt người, chiếm 172% công suất giường bệnh. Tổng số ca sinh là 1.276 ca, tỷ lệ mổ đẻ khoảng 14%, thấp hơn so với các bệnh viện khác trong khu vực”.
Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết: Hiện Khoa Sản, Bệnh viện Đa khoa thành phố đang có một đội ngũ y-bác sĩ có trình độ chuyên môn vững vàng, đủ khả năng tiến hành những ca mổ khó, phức tạp. Từ năm 2010 trở về trước, những ca khó như mổ thai ngoài tử cung, cắt tử cung toàn phần, u nang buồng trứng đều tiến hành mổ hở thì bắt đầu từ năm 2011 này, nếu có bệnh nhân sẽ tiến hành mổ nội soi.
“Mổ nội soi vừa giảm được kinh phí vừa đảm bảo sức khỏe cho người bệnh-bác sĩ Hiếu nhấn mạnh. Làm được điều này, bệnh nhân sẽ ngày một tin tưởng và đến với chúng tôi nhiều hơn. Vẫn biết như thế sẽ thêm phần vất vả nhưng chúng tôi đều rất vui, dù cho hiện nay khoa vẫn còn thiếu nhân lực, bác sĩ luôn phải trực tua đôi, nữ hộ sinh thì làm việc không tính thời gian. Từ đầu năm, khoa được bệnh viện bổ sung thêm 2 nữ hộ sinh diện hợp đồng, nhưng nếu sau 6 tháng, bệnh viện không có được thêm chỉ tiêu biên chế thì số hợp đồng này sẽ bị cắt. Trên thực tế, để giảm cường độ làm việc cho y-bác sĩ trong khoa, nhất là nữ hộ sinh, chúng tôi đành phải sử dụng đội ngũ những nữ hộ sinh tình nguyện làm việc mà không hưởng lương, hiện khoa có 7 nữ hộ sinh như vậy. Họ làm việc rất nhiệt tình, chăm chỉ, không đòi hỏi một chế độ nào nhưng đây cũng chỉ là giải pháp tình thế. Về lâu dài, chúng tôi mong muốn được tỉnh quan tâm, tăng thêm chỉ tiêu biên chế cho bệnh viện nói chung, Khoa Sản nói riêng…”.
Đồng quan điểm này, chị Cao Thị Hồ Na-một trong 7 nữ hộ sinh tình nguyện làm việc tại Khoa Sản gần một năm qua, bày tỏ: “Bản thân tôi luôn mong muốn được làm việc lâu dài tại khoa, cho nên hiện nay, dù không được hưởng lương hay bất cứ một chế độ nào khác, tôi vẫn tình nguyện làm. Tuy nhiên việc này cũng không thể kéo dài mãi được. Bởi vậy, nếu được bệnh viện cũng như tỉnh quan tâm, tạo điều kiện để những người như chúng tôi được làm đúng nghề, đúng việc thì tốt biết mấy…”.
Thái Bình

Có thể bạn quan tâm