Văn hóa

Văn học - Nghệ thuật

Khi phụ nữ viết về…phụ nữ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Ngô Thanh Vân (Hội viên Hội Văn học Nghệ thuật Gia Lai, Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam) viết nhiều về phụ nữ và dành sự ưu ái cho giới nữ của mình. Những người phụ nữ trong truyện ngắn của chị luôn đầy những truân chuyên. Họ bị giằng xé bởi nỗi đau từ tâm hồn tới thể xác, cuộc đời họ đóng khung trong “kiếp đàn bà” với những định kiến khắc nghiệt của xã hội. Và “Đất khách” (Nhà Xuất bản Văn học, 2018) là tập hợp của những ký họa chân dung về thân phận người phụ nữ trong cuộc sống hiện đại mà ở đó khổ đau nhiều hơn hạnh phúc, thua thiệt, ngang trái, éo le luôn nhiều hơn nụ cười.
 Bìa tập truyện ngắn “Đất khách” của tác giả Ngô Thanh Vân.
Bìa tập truyện ngắn “Đất khách” của tác giả Ngô Thanh Vân.
Những nhân vật nữ trong sáng tác của Ngô Thanh Vân không có sự thảnh thơi mà luôn bị quăng quật vào giữa dòng đời, mỗi người mỗi số phận khác nhau và không có được hạnh phúc trọn vẹn. Chị đồng cảm với Lệ (trong “Dòng sông trôi qua”)-một người vợ luôn bị chì chiết bởi “cây độc không trái, gái độc không con”. Người đàn bà đau khổ đó luôn dằn vặt chính mình bằng ước mơ giản dị của thiên chức nữ. Mơ ước tưởng chừng rất đời thường ấy lại quá xa vời với Lệ, cô hy vọng để rồi thất vọng, và nỗi đau như nhân đôi khi cô biết được Quân-chồng mình, có người phụ nữ khác… Thế giới vỡ tan. Còn Loan (trong “Những đứa con thủy điện”) cũng bất hạnh khi cô yêu và trao trái tim lầm người nên phải bỏ đi biệt xứ để giữ lại đứa con của mình. Cuộc đời cô thêm ê chề khi một lần nữa bị cưỡng hiếp bởi một người ngang tuổi bố mình. Chưa hết, đứa con gái cô hết mực thương yêu lại giẫm lên vết xe đổ của mẹ.
Những nhân vật nữ trong truyện ngắn của Ngô Thanh Vân hiện hữu không ít trong đời sống thường ngày, đó là những cô gái cô đơn, dở dang và không may mắn. Chị đủ nhạy cảm để nhận ra được những đấu tranh nội tâm của một người phụ nữ bị chồng phụ bạc lãng quên. Trong “Nước lú sông quên”, nàng-nhân vật chính-là người phụ nữ không những phải chịu sự đau đớn bởi những lần xạ trị mà còn phải gánh nỗi đau về tinh thần khi chồng bội bạc. Nàng đau khổ trong kiếp nhân sinh lẫn khi giã từ trần thế để vào cửa Nại Hà, bởi trong nàng vẫn chưa hết những mâu thuẫn, luôn bị ghì níu bởi trách nhiệm, tình thương… Còn Phương trong “Trả nợ”, một cô giáo trẻ giàu ước mơ, hoài bão, thì phải đấu tranh không ngừng với chính mình để ở lại với vùng đất đã cưu mang cô.
Dù vậy, vượt qua mọi khổ đau, những người phụ nữ trong tác phẩm của Ngô Thanh Vân luôn bao dung, nhân ái và đều hướng tới một ngày mai tươi đẹp, đáng sống. Không quá đi sâu miêu tả nội tâm nhân vật, Ngô Thanh Vân chỉ dụng công trong đặc tả những chi tiết đắt, qua đó nhân vật tự mình vận động, tự mình biến chuyển… Những đan xen uyển chuyển giữa độc thoại và đối thoại nhân vật cùng sự tinh tế trong phân tích tâm lý nhân vật đã phần nào gửi gắm những tầng nghĩa khác nhau trong tác phẩm. Bằng trái tim của một người phụ nữ, Ngô Thanh Vân đã đến gần hơn với nhân vật của mình và tạo nên sự đồng cảm đối với người đọc thông qua góc nhìn thấu hiểu, sẻ chia, gần gũi.
Hạ Quyên

Có thể bạn quan tâm