Chính trị

Tin tức

Xây dựng Đảng

Khó chặn được "tham nhũng vặt" khi lương cán bộ không đủ sống?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Ông Lê Thanh Vân cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, khó có thể chặn đứng được tham nhũng vặt khi mức lương của nhiều cán bộ đang không đủ sống.

“Lót tay”, chung chi hay “bôi trơn” là những cụm từ quá quen thuộc như một phần tất yếu trong cuộc sống hiện nay. Đáng buồn hơn, vấn nạn tham nhũng vặt đang ngày càng tràn lan và tinh vi hơn, làm tha hóa, biến chất nhiều cán bộ, công chức, xói mòn lòng tin của nhân dân đối với bộ máy công quyền. Phóng viên VOV phỏng vấn ông Lê Thanh Vân - Ủy viên Ủy ban Tài chính của Quốc hội về vấn đề này.

 
Ông Lê Thanh Vân.
Ông Lê Thanh Vân.




PV: Ông nhìn nhận thế nào về nạn tham nhũng vặt ở nước ta hiện nay?

Ông Lê Thanh Vân: Nạn tham nhũng vặt hiện nay diễn ra khá phổ biến, ở nhiều tầng nấc, nhiều cấp, ngành và nhiều địa phương khiến nhân dân bức xúc. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã từng nói: Nạn tham nhũng vặt rất khó chịu như gãi ghẻ. Người xưa ví dụ hình ảnh này như câu chuyện ổ mối làm vỡ đê. Hình ảnh này nói lên hệ thống phòng thủ về pháp luật có thể bị vỡ nếu nạn tham nhũng vặt tiếp tục phá hủy.

PV: Dẫn đến nạn tham nhũng vặt có nhiều nguyên nhân. Tuy nhiên, theo nhận định của nhiều chuyên gia, ngay cả trong cuộc tiếp xúc cử tri, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã nhận định, yếu tố tiền lương cũng ảnh hưởng rất lớn và cũng là tiền đề cho nạn tham nhũng vặt. Ý kiến của ông như thế nào?

Ông Lê Thanh Vân: Tham nhũng vặt bắt nguồn từ mối quan tâm về lợi ích kinh tế của cá nhân, trước hết họ nhìn nhận thu nhập đó chính là tiền lương. Ngoài vấn đề đó còn có nhiều nguyên nhân khác như phẩm hạnh, đạo đức, tính gương mẫu của cán bộ, đảng viên trong hệ thống, cả những điều kiện kinh tế, so sánh mức thu nhập... Nói như vậy để thấy tiền lương chỉ là một trong những tình trạng dẫn đến tham nhũng vặt.

PV: Nếu nhìn từ yếu tố tiền lương hiện nay, theo ông thấy mức thu nhập từ tiền lương của đội ngũ cán bộ, công chức trong khối Nhà nước như thế nào?

Ông Lê Thanh Vân: So sánh trong khu vực Nhà nước, mức tối thiểu của tiền lương hiện nay là 1.390.000 đồng là quá thấp so với mức sống hiện nay của cán bộ công chức. Nhưng nhìn nhận nó ở lớp người khác trong xã hội thì mức tiền lương này không phải là thấp nhất. Nếu so sánh với những người bần cùng trong xã hội, thu nhập của cán bộ công chức không phải là ở dưới đáy. Nhưng làm công chức, ngoài chi phí cho cuộc sống, họ cần phải có quần áo, phương tiện thì mức thu nhập này là quá thấp so với mức sống của họ.

PV: Với mức tiền lương vậy, đặt ra băn khoăn liệu công chức có sống trong sạch được hay không với mức tiền lương như vậy, thưa ông?

Ông Lê Thanh Vân: Với mức tiền lương quy định như hiện nay thì hầu hết cán bộ công chức không thể sống nổi, họ có nhiều cách thức để kiếm tiền. Có người kiếm tiền bằng cách làm thêm, tăng gia sản xuất, bán hàng online; có người lại “đục khoét” ngân sách, hay còn gọi là tham nhũng vặt, nhũng nhiễu nhân dân khi làm các thủ tục hành chính.... Đây là những cách thức tìm kiếm thu nhập thêm, thỏa mãn không chỉ nhu cầu chi tiêu mà cả lòng tham vô đáy khi mức sống, nhu cầu của họ càng cao trong xã hội.

PV: Nếu nhìn ở khối dân lập thì không có hiện tượng như vậy, thưa ông?

Ông Lê Thanh Vân: Trong khối tư nhân, tính chất kiểm soát của họ chặt chẽ hơn vì họ gắn bó với lợi ích trực tiếp của họ. Trong khi đó, ở khối công quyền, tình trạng “cha chung không ai khóc” chính là mảnh đất tươi tốt cho tham nhũng vặt phát triển. Và cũng do quản lý tốt và năng suất lao động cao nên thu nhập ở các doanh nghiệp, cơ sở kinh tế khối tư dân bao giờ cũng cao hơn, nên việc chi trả tiền lương cho cán bộ nhân viên cao hơn khu vực Nhà nước.

PV: Có ý kiến cho rằng cần có cơ chế làm sao để không muốn tham nhũng, không dám tham nhũng. Ông nghĩ sao về đề xuất này?

Ông Lê Thanh Vân: Có một thực tế là tiền lương thấp nhưng rất nhiều người lại muốn vào bộ máy công quyền. Ở đây có 2 lý do cơ bản, một là cho dù lương thấp hay không thì cuộc sống của họ vẫn bảo đảm suốt đời, đó là quan niệm sai lầm; thứ hai là chính kẽ hở trong quản lý về tài chính, kiểm soát quyền lực dẫn đến việc họ lợi dụng để tham nhũng vặt, để có một cuộc sống khá giả hơn người khác. Vì vậy họ đưa vào bộ máy bằng nhiều cách như con ông cháu cha, dùng hình thức tiêu cực, gian lận để vào bằng được bộ máy công quyền.

PV: Trong bối cảnh hiện nay, liệu chúng ta có thể chặn đứng được vấn nạn tham nhũng vặt không khi mức lương của nhiều cán bộ đang không đủ sống như hiện nay, thưa ông?

Ông Lê Thanh Vân: Dùng hình ảnh chặn đứng là phải có một hàng rào đầy đủ công cụ, sức mạnh để ngăn chặn, trong bối cảnh hiện nay là rất khó. Vì tình trạng tham nhũng vặt khá phổ biến, cho nên cần nhận diện nguyên nhân nào là căn cốt để đẩy lùi từng bước, cho đến lúc đủ điều kiện để ngăn chặn nó.

Trước hết, cần nhìn nhận nguyên nhân của tham nhũng vặt, đó chính là do cơ chế chính sách, từ khâu tuyển chọn, bổ nhiệm, sử dụng cán bộ đã bỏ lọt những khâu quan trọng đó là kiểm tra, giám sát tính tuân thủ pháp luật, kiểm tra, đánh giá phẩm chất, đạo đức cán bộ. Trong quá trình thực thi công vụ, chưa kịp thời rào lấp những kẽ hở những quy định, để ngăn chặn kịp thời các kẽ hở của pháp luật khiến tham nhũng vặt có cơ hội phát triển.

Ngoài ra, chúng ta cũng chưa kịp thời cải cách tiền lương, tinh giản bộ máy biên chế để nâng cao năng suất lao động. Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị nhiều năm nay, ở các cấp thực hiện chưa nghiêm túc, chưa hiệu quả khiến bộ máy càng ngày càng cồng kềnh, chất lượng nhân sự không cao, chi cho bộ máy ngày càng lớn.

PV: Theo ông, đề án cải cách chính sách tiền lương cho đội ngũ cán bộ công chức đã được đưa ra bàn thảo và thông qua tại Hội nghị Trung ương 7, ông có tin chúng ta sẽ giải quyết vấn đề này hay không?

Ông Lê Thanh Vân: Hội nghị Trung ương 7 đã đưa ra chiến lược khá bài bản để từng bước cải cách chính sách tiền lương nhưng điều kiện tiên quyết vẫn là tinh gọn bộ máy, nâng cao chất lượng cán bộ, quan trọng là năng suất chất lượng hiệu quả công việc của bộ máy và cá nhân cán bộ công chức. Để làm được điều đó cần cuộc cách mạng trong việc chỉnh đốn lại chất lượng nhân sự, từ đó tinh giản bộ máy thì ngân sách mới đáp ứng được tiền lương chi trả cho cán bộ công chức.

Khi tiền lương trở thành thu nhập chính của người lao động thì nó sẽ ngăn chặn hoặc hạn chế bớt tình trạng tham nhũng vặt. Còn lại, phẩm chất của cán bộ công chứ mới là yếu tố quyết địn. Trong cách mạng có nhiều người đứng trước lợi ích vật chất nhưng họ đã không bị đốn ngã chính là vì phẩm hạnh của họ. Ngày nay, việc rèn luyện đạo đức, phẩm chất của cán bộ được coi trọng thì vẫn có những tấm gương để nhân rộng lên, kiểm soát lòng tham. Còn tiền lương nếu không gắn liền với năng suất chất lượng thì sẽ không có ngân sách nào chi trả cho bộ máy chây ì, không tạo ra giá trị gia tăng được.

Ở các nước phát triển, ở khu vực nhà nước không phải là nơi có thu nhập cao nhất, điển hình như Singapore. Nhiều nơi lĩnh vực công không phải là nơi có thu nhập cao nhất, mà đó là nơi tu dưỡng, rèn luyện, cống hiến cho những ai phục vụ lợi ích chung.

Còn ở khu vực công cần cố gắng làm sao đảm bảo được nhu cầu thiết yếu nhất ở mức trung bình để cho họ đủ sống, yên tâm cống hiến. Cạnh tranh là điều quan trọng để tạo ra giá trị vượt trội giữa cán bộ công chức với nhau, từ đó sàng lọc đội ngũ cán bộ, có thể tạo cho họ cơ hội phấn đấu cao hơn.

PV: Xin cảm ơn ông.

 

 Thanh Hương/VOV2
 

Có thể bạn quan tâm