Kinh tế

Nông nghiệp

Khó khăn trong công tác giảm nghèo trên địa bàn Gia Lai

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Sau 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới (NTM), công tác giảm nghèo trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã có nhiều chuyển biến rõ nét song vẫn còn gặp không ít khó khăn, thách thức.
Những năm qua, công tác giảm nghèo luôn được tỉnh xác định là nhiệm vụ trọng tâm trong xây dựng NTM. Theo đó, từ năm 2010 đến nay, các chính sách hỗ trợ giảm nghèo đã được các cấp, ngành và các địa phương trong tỉnh quan tâm thực hiện. Điển hình như chính sách tín dụng cho hộ nghèo, cận nghèo, gia đình chính sách và học sinh, sinh viên vay vốn đầu tư sản xuất, học tập; chính sách hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo; hỗ trợ thẻ bảo hiểm y tế cho người nghèo, cận nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, người dân sinh sống ở vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn; chính sách đào tạo nghề, giải quyết việc làm… Nhờ đó, sau 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững gắn với xây dựng NTM, công tác giảm nghèo trên địa bàn tỉnh đã có những chuyển biến rõ nét. Năm 2010, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh là 27,56%, đến cuối năm 2015 giảm xuống còn 11,36% (theo chuẩn cũ).
 Gia đình bà Binh (làng Weh, xã Hà Bầu, huyện Đak Đoa) mới thoát nghèo năm 2019. Ảnh: N.D
Gia đình bà Binh (làng Weh, xã Hà Bầu, huyện Đak Đoa) mới thoát nghèo năm 2019. Ảnh: N.D
Nếu năm 2010, toàn tỉnh chỉ có 26 xã đạt tiêu chí về tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn NTM thì đến năm 2015 con số này đã tăng lên 45 xã. Giai đoạn 2016-2018, công tác giảm nghèo của tỉnh cũng đạt những kết quả nhất định. Theo tiêu chí tiếp cận đo lường nghèo đa chiều, đầu năm 2016, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh là 19,71%. Tỷ lệ này giảm nhanh qua từng năm; bình quân mỗi năm giảm trên 3,1%, vượt chỉ tiêu do Chính phủ giao và chỉ tiêu của tỉnh đề ra, trong đó hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số mỗi năm giảm bình quân 6,37%. Dự kiến đến cuối năm 2019, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 7,04%. Đến nay, toàn tỉnh có 71/184 xã đã hoàn thành tiêu chí về tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn NTM. Đây là nỗ lực rất lớn của ngành chuyên môn cũng như các địa phương.         
Ở tuổi gần 70, gia đình vừa thoát nghèo trong năm 2019, bà Binh (làng Weh, xã Hà Bầu, huyện Đak Đoa) cho hay: Nhà neo đơn, chỉ có 2 mẹ con mà bà lại thường xuyên bệnh tật, đất sản xuất không nhiều nên trước kia thu nhập rất bấp bênh. “Được sự quan tâm hỗ trợ của các cấp, các ngành và của tỉnh về xây dựng nhà ở, lại được chính quyền địa phương quan tâm giúp đỡ nhiều mặt, năm nay gia đình tôi mới thoát nghèo. Hiện gia đình đang nỗ lực tiếp tục chăm sóc cây trồng, xây dựng cuộc sống ấm no và sẽ cố gắng không để tái nghèo”-bà Binh nêu quyết tâm.
Ông Y Pren-Chủ tịch UBND xã Hà Bầu (huyện Đak Đoa) cho biết thêm: Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững gắn với xây dựng NTM, đến nay tiêu chí hộ nghèo trên địa bàn xã đã đạt chuẩn theo quy định. Có được kết quả này là nhờ các nguồn lực đầu tư cho hộ nghèo của Nhà nước như chương trình hỗ trợ bò sinh sản, hỗ trợ vay vốn ưu đãi phát triển kinh tế cùng công tác tuyên truyền, vận động người dân tích cực làm ăn… Tuy nhiên, điều ông Y Pren trăn trở là tỷ lệ những người có bằng cấp chuyên môn trong đồng bào các dân tộc thiểu số còn thấp, đất đai phân tán, phương thức áp dụng khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi, trồng trọt chưa đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội, nhiều hộ dân lại có tính trông chờ ỷ lại sự hỗ trợ của Nhà nước… nên khả năng vươn lên thoát nghèo hoặc thoát nghèo bền vững chưa cao. Hơn nữa, trong điều kiện giá cả các mặt hàng nông sản xuống thấp như hiện nay cùng với sự tác động của biến đổi khí hậu, dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi, việc hoàn thành tiêu chí hộ nghèo trong thời gian tới sẽ gặp không ít khó khăn. 
Trao đổi với P.V, ông Trần Văn Văn-Phó Chánh văn phòng Điều phối NTM tỉnh-cho biết: Sau 10 năm triển khai, công tác giảm nghèo trên địa bàn tỉnh đã có những chuyển biến tích cực khi tỷ lệ hộ nghèo giảm dần qua từng năm. Dù vậy, theo ông Văn, quá trình thực hiện giảm nghèo bền vững cũng gặp không ít khó khăn. Vì vậy, trong thời gian tới, các địa phương và ngành chuyên môn cần tập trung tái cơ cấu ngành nông nghiệp; đẩy mạnh phát triển các hợp tác xã, xây dựng mô hình nông hội; kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao; xây dựng nhà máy chế biến, bao tiêu sản phẩm cho người dân.
 NGUYỄN DIỆP
-----------------------------
CHUYÊN ĐỀ CÓ SỰ PHỐI HỢP CỦA VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI NÔNG THÔN MỚI TỈNH

Có thể bạn quan tâm