Thời sự - Bình luận

Khoán tăng trưởng và đầu tư công

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Chính phủ đã đề ra kế hoạch vốn đầu tư công năm 2025 là 790.727 tỷ đồng, tăng hơn 120.000 tỷ đồng so với kế hoạch 670.000 tỷ đồng của năm 2024. Đây là một nhiệm vụ rất thách thức.

Tại cuộc họp thường kỳ Chính phủ tháng 6-2024, Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Trần Quốc Phương cho hay, với tiến độ giải ngân rất tốt của những tháng đầu năm, năm 2024 thậm chí còn có thể… thiếu tới hơn 100.000 tỷ đồng so với hạn mức trong kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025.

Tuy nhiên, thực tế là, ước đến ngày 31-1-2025, giải ngân vốn đầu tư công năm 2024 đạt 84,47% kế hoạch, bằng 93,06% so với mức Thủ tướng Chính phủ giao. Nghĩa là chưa đạt được chỉ tiêu (95% trở lên). Có 16 bộ, cơ quan Trung ương và 37 địa phương có tỷ lệ ước giải ngân so với tổng kế hoạch đạt trên mức bình quân chung của cả nước (84,47%). Tuy nhiên, vẫn còn tới 30 bộ, cơ quan Trung ương và 26 địa phương có tỷ lệ ước giải ngân thấp hơn bình quân chung. Vẫn có cơ quan Trung ương giải ngân bằng 0% hoặc giải ngân rất thấp; không ít địa phương có tỷ lệ giải ngân dưới 65%.

Cũng rất đáng lưu ý là 9 dự án quan trọng quốc gia giải ngân thấp hơn bình quân cả nước (bằng 72,9% kế hoạch được giao của năm 2024) và tỷ lệ giải ngân tiếp tục… chậm lại trong những tháng cuối năm, trái với thông lệ! Lý do chính, theo Bộ GTVT, là công tác giải phóng mặt bằng tại nhiều địa phương đã có chuyển biến tích cực nhưng vẫn chưa đáp ứng yêu cầu về tiến độ. Nguồn nguyên vật liệu san lấp vẫn gặp khó khăn và thủ tục điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu bị chậm vì tỉnh Đồng Nai chậm phê duyệt đơn giá giải phóng mặt bằng…

Trở lại với năm 2025. Mặc dù đã có nhiều bài học kinh nghiệm, nhưng để đạt được mục tiêu giải ngân hết được vốn đầu tư công thì các chủ đầu tư cần linh hoạt và quyết đoán hơn trong xử lý các tình huống phát sinh, đặc biệt là đối với các dự án lớn. Tất cả các tình huống phát sinh từ giải phóng mặt bằng, đền bù cho người dân, yếu tố mới trong khảo sát thăm dò, thiết kế dự án… nếu không được dự phòng và chuẩn bị giải pháp ứng phó đều có thể dẫn đến việc dự án sẽ bị đình trệ, ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân.

Khâu rà soát, điều chỉnh vốn giữa các bộ ngành, địa phương, dự án cũng cần phải được thực hiện thường xuyên, kiên quyết, tránh tình trạng có nơi bị thiếu, có nơi lại thừa; đến cuối kỳ mới vội vã xin… trả vốn. Kiến nghị rất đáng lưu ý khác là ưu tiên xử lý để giải phóng các nguồn lực đang bị “đóng băng”, như quy hoạch treo, dự án vướng thủ tục, đất công không sử dụng, tài sản tranh chấp và các vụ án kéo dài.

Đặc biệt, như chính Tổng Bí thư Tô Lâm đã gợi mở tại hội nghị tổng kết công tác năm 2024, triển khai công tác năm 2025 của Chính phủ và chính quyền địa phương, Chính phủ hoàn toàn có thể thực hiện chính sách “khoán tăng trưởng” cả về số lượng và chất lượng cho các địa phương đi kèm với đẩy mạnh phân cấp, phân quyền nhằm tạo sự năng động, sáng tạo để các địa phương tự tìm cơ chế, chính sách và giải pháp nhằm đạt mức tăng trưởng hai con số, đóng góp cho tăng trưởng kinh tế cả nước. Đầu tư công, theo đó, chắc chắn sẽ được thúc đẩy mạnh mẽ.

Cần nói thêm rằng, muốn đạt được mức tăng trưởng thực chất và bền vững thì không chỉ cần tăng tốc giải ngân mà còn phải tăng được hiệu quả đầu tư, nói cách khác là giảm hệ số đầu tư (ICOR) xuống mức 3-4 (để GDP tăng 1 đồng thì phải đầu tư 3-4 đồng vốn). Chỉ số này lâu nay vẫn trồi sụt, với năm 2024 vào khoảng 5,5 - vẫn còn cao, dù có tiến bộ đáng kể so với mức 7,89 của năm 2023.

Theo ANH THƯ (SGGPO)

Có thể bạn quan tâm