Thời sự - Bình luận

Khơi thông nguồn lực

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Trên thế giới đang có gần 6 triệu người Việt Nam đang sinh sống, học tập, làm việc, đầu tư… tại 130 quốc gia và vùng lãnh thổ

Trong đó, khoảng 10% có trình độ đại học trở lên, tương đương 600.000 người, đang tham gia nghiên cứu và làm việc trong hầu hết ngành mũi nhọn và lĩnh vực khoa học hiện đại.

Để phát huy nguồn lực của người Việt Nam ở nước ngoài phục vụ phát triển đất nước, cần có những chính sách đặc thù để có thể phát huy nguồn lực lớn của kiều bào dựa trên nền tảng "muốn nhận được thì phải cho đi".

Trước tiên, Chính phủ cần tạo ra cơ chế và chính sách hỗ trợ để khuyến khích kiều bào đầu tư và kinh doanh tại Việt Nam. Phải truyền thông những thông tin về đất nước, môi trường làm việc, những chỉ số… một cách minh bạch, rõ ràng để kiều bào tham khảo, đối chứng.

Bên cạnh đó, phát huy mạnh mẽ nội lực, xây dựng nền kinh tế, khoa học - công nghệ của Việt Nam ngày càng năng động, tiệm cận trình độ phát triển của thế giới, từ đó tạo sức hút hấp dẫn các nguồn lực của kiều bào.

Quan trọng không kém là phải có định hướng, đường hướng xây dựng chiến lược quảng bá hình ảnh Việt Nam nói chung và TP HCM nói riêng một cách thống nhất để thu hút cộng đồng kiều bào về trải nghiệm, sau đó họ sẽ đầu tư lâu dài. Đây là cách làm phổ biến của nhiều quốc gia trên thế giới.

Việt Nam cũng đang làm khá tốt việc tạo dựng mạng lưới kết nối kiều bào với các doanh nghiệp, những tổ chức/ cơ quan nhà nước trong nước để chia sẻ thông tin, hợp tác kinh doanh, chia sẻ công nghệ, gia tăng kết nối với kiều bào.

Giải pháp thứ ba là thúc đẩy việc chuyển giao công nghệ từ kiều bào về Việt Nam thông qua các chính sách ưu đãi, đầu tư vào nghiên cứu và phát triển và tạo điều kiện cho hợp tác giữa các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Tăng cường đào tạo và phát triển nhân tài thông qua việc tạo điều kiện cho trí thức kiều bào quay về Việt Nam giảng dạy, nghiên cứu khoa học.

Việt Nam có lực lượng trí thức Việt kiều thành tài, là giáo sư chuyên ngành trong các lĩnh vực công nghệ, y tế, giáo dục… ở các nước, họ cần nhìn thấy những đóng góp của họ cho đất nước được ghi nhận và triển khai. Việc mời họ trở về giảng dạy là cơ hội giúp truyền thông, lan tỏa thông điệp, chính sách của Đảng, Nhà nước Việt Nam trong việc kêu gọi, thu hút kiều bào góp sức cho quê hương.

Ở chiều ngược lại, những chương trình kết nối đưa sinh viên học sinh Việt Nam ra nước ngoài học tập, sinh sống, trải nghiệm thực tế… Khi quay về, những du học sinh này sẽ mang kiến thức mới, kinh nghiệm mới và là cầu nối cho các đơn vị, doanh nghiệp ở nước ngoài tìm hiểu môi trường hợp tác, đầu tư với Việt Nam.

Thế giới đang trong giai đoạn phục hồi hậu COVID-19, Việt Nam có thể tận dụng cơ hội này để gia tăng tổ chức các sự kiện, hội thảo, diễn đàn kết nối kiều bào với cộng đồng trong nước, thúc đẩy các hoạt động chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm và thiết lập những sân chơi chung.

Tất cả những giải pháp trên đều cần phải được triển khai cùng nhau để tạo ra một môi trường thuận lợi và an toàn cho kiều bào đầu tư và đóng góp cho sự phát triển của quê hương.

Có thể bạn quan tâm