"Không tăng giá dịch vụ y tế cho người không có bảo hiểm y tế"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Chiều 19-10, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá đã chủ trì cuộc họp của Ban Chỉ đạo, đánh giá kết quả kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô nói chung và điều hành giá một số mặt hàng cụ thể trong 9 tháng năm 2016 và định hướng điều hành giá các tháng cuối năm.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá phát biểu tại cuộc họp.


Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, chỉ số CPI bình quân 9 tháng qua tăng 2,07% so với cùng kỳ năm trước, tăng 3,14% so với tháng 12-2015, bình quân mỗi tháng CPI tăng 0,34%.

Nguyên nhân CPI 9 tháng tăng được nhìn nhận chủ yếu do tác động từ việc điều hành giá theo lộ trình thị trường đối với dịch vụ y tế và giáo dục. Trong đó, việc thực hiện lộ trình tăng học phí các cấp học năm 2016-2017 tại 53 tỉnh, thành phố trong tháng Chín vừa qua (theo Nghị định số 86/2015/NĐ-CP) đã làm cho chỉ số giá nhóm giáo dục bình quân 9 tháng tăng 4,83% so với cùng kỳ năm trước, đóng góp 0,28% vào mức tăng chung của CPI 9 tháng qua so với cùng kỳ năm trước.

Bên cạnh đó, việc thực hiện mức giá dịch vụ khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế bước 2 (bao gồm các chi phí trực tiếp, phụ cấp đặc thù và chi phí tiền lương) từ ngày 12-8 vừa qua, tại 16 địa phương có tỷ lệ bảo hiểm y tế bao phủ trên 85% (đợt 1), đã làm chỉ số giá nhóm dịch vụ y tế tháng Tám vừa qua tăng 8,12%, góp phần làm cho CPI tháng này tăng khoảng 0,28%. Đợt điều chỉnh thứ hai được thực hiện từ ngày 12-10 vừa qua áp dụng cho 16 địa phương bao gồm Hà Nội dự kiến sẽ tác động vào CPI tháng 10 này khoảng 0,51%.

Nhu cầu một số mặt hàng tiêu dùng thiết yếu tăng cao tại một số thời điểm, ảnh hưởng từ biến động giá trên thị trường thế giới, yếu tố thời tiết bất lợi, mức lương tối thiểu vùng áp dụng cho người lao động ở các doanh nghiệp tăng từ 1-1 và lương cơ sở tăng từ 1-5 gây áp lực lên giá các mặt hàng thiết yếu… cũng là những yếu tố tác động đến mức tăng chỉ số CPI 9 tháng.

Đại diện Bộ Y tế cho biết các địa phương còn lại chưa điều chỉnh giá dịch vụ khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế bước 2 sẽ được Bộ chủ trì, xem xét, quyết định thực hiện vào các thời điểm thích hợp, đảm bảo mục tiêu kiểm soát lạm phát năm 2016 dưới 5%.

Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 59/NQ-CP, thống nhất việc thí điểm giao Bảo hiểm xã hội Việt Nam tổ chức thực hiện đấu thầu tập trung quốc gia đối với thuốc dùng trong lĩnh vực bảo hiểm y tế (không thuộc danh mục 5 hoạt chất đấu thầu tập trung quốc gia do Bộ Y tế tổ chức đấu thầu). Bộ Y tế hiện đang kiện toàn nhân sự Ban mua sắm thuốc tập trung để triển khai đàm phán giá và đấu thầu tập trung cấp quốc gia trong thời gian tới.

Nhìn lại diễn biến mặt bằng giá 9 tháng qua, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng ngoài lạm phát tiền tệ cơ bản 1,81%, tác động vào CPI 9 tháng chủ yếu là thuốc và dịch vụ y tế, giáo dục, lương thực và thực phẩm.

Khẳng định việc điều hành giá từ đầu năm đến nay được thực hiện một cách chủ động, đúng kịch bản, đúng chủ trương và thận trọng, mục tiêu kiểm soát giá vẫn nằm trong mục tiêu của Chính phủ là không quá 5%, Phó Thủ tướng nêu rõ cả chiều giảm giá và chiều tăng giá đều là do chủ động, từ tăng giá dịch vụ y tế, giáo dục cho đến giảm phí BOT.

“Sẽ tiếp tục tiết giảm phí BOT, không chỉ cho ngành Giao thông Vận tải được hưởng lợi mà cũng làm chi phí chung của nền kinh tế tiết kiệm, tác động tốt đến các ngành khác,” Phó Thủ tướng nói; đồng thời yêu cầu Bộ Giao thông vận tải phối hợp với Bộ Tài chính giảm phí 10 trạm BOT trong tháng 10 này, tạo tâm lý tốt hơn cho nền kinh tế.

Phó Thủ tướng cho biết chủ trương nhất quán là các dịch vụ công cơ bản như y tế, giáo dục dần tiến theo giá thị trường, phải kiên trì thực hiện để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh và chất lượng giáo dục, đi kèm với đó phải có chính sách an sinh xã hội, đảm bảo cho người nghèo, người thu nhập thấp và đối tượng chính sách.

Trên cơ sở dự báo của các bộ, ngành trong những tháng cuối năm, Phó Thủ tướng cho rằng dư địa không còn nhiều, chỉ xấp xỉ 1%. Cần quyết tâm phấn đấu kiểm soát được lạm phát ở mức từ 4,5-5%, đúng theo mục tiêu Quốc hội đặt ra. Điều này hoàn toàn có thể chủ động trong lộ trình tính toán giá dịch vụ y tế, do đó, phải tính toán nhất quán lộ trình để kiểm soát được lạm phát.

Nêu rõ nhiệm vụ những tháng cuối năm còn nặng nề, mùa vụ và diễn biến thời tiết có thể làm giá rau quả, lương thực, thực phẩm tăng, Tết làm cho giá tăng, giá xăng dầu có xu hướng nhích trở lại trong khi Quỹ bình ổn giá không còn nhiều, lạm phát cơ bản ổn định nhưng cuối năm đầu tư công sẽ đẩy nhanh hơn, độ trễ của tín dụng có thể tác động đến mặt bằng của lạm phát, Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành không được chủ quan, phải quyết tâm kiểm soát trong mục tiêu Chính phủ đã hứa với Quốc hội là không quá 5% chỉ tiêu giao. Điều đó đòi hỏi phải điều hành phải chặt chẽ.

Phó Thủ tướng chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tiếp tục điều hành giữ ổn định mức lạm phát cơ bản trong khoảng 1,81% đến dưới 2%, bám sát diễn biến của kinh tế vĩ mô, tiền tệ, hoạt động ngân hàng để sử dụng linh hoạt, đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ.

Bằng mọi biện pháp để ổn định và giảm phần nào lãi suất cho vay; cân đối giữa nguồn vốn và sử dụng vốn, ổn định lãi suất huy động, tiếp tục giảm chi phí hoạt động của ngân hàng; điều hành tín dụng nhịp nhàng, cơ cấu dẫn vốn vào những lĩnh vực cần ưu tiên, tăng tính dụng nhưng phải đảm bảo kiểm soát và cơ cấu tín dụng, phối hợp tốt hơn với chính sách tài khóa.

Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Công thương giữ ổn định giá bán lẻ điện trong 3 tháng cuối năm, điều hành tốt giá cả các mặt hàng khác, nhất là giá đường, không để giá tăng.

Đối với mặt hàng xăng dầu, dự báo hai tháng cuối năm giá xăng dầu có khả năng tăng, tạo áp lực lên mặt bằng giá nói chung, Phó Thủ tướng chỉ đao Bộ Công Thương theo dõi sát diễn biến giá xăng dầu thế giới, sử dụng hợp lý Quỹ bình ổn giá sử để chia sẻ cho giá dịch vụ y tế, không để tạo lạm phát kỳ vọng.

Phó Thủ tướng cũng đề nghị các bộ, ngành quản lý lĩnh vực theo dõi sát diễn biến thị trường trong nước, trong đó có các mặt hàng muối, sữa cho trẻ em dưới 6 tháng tuổi.

Các Bộ Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chỉ đạo các cơ quan của bộ và địa phương chuẩn bị tốt để đảm bảo cung ứng đủ nguồn hàng cho thị trường, nhất là vào dịp Tết Dương lịch, Âm lịch, Noel, dự báo những khó khăn do diễn biến của thời tiết để có kịch bản phù hợp.

Bộ Y tế, Tài chính và Bảo hiểm xã hội Việt Nam, trong tháng 10 này tổ chức cuộc họp về vấn đề đấu thầu thuốc, tinh thần là làm sớm nhất có thể, đấu thầu để kéo giá thuốc xuống khi thực hiện điều chỉnh giá dịch vụ y tế.

Riêng về giá dịch vụ y tế, Phó Thủ tướng yêu cầu dứt khoát không tăng giá dịch vụ y tế cho người không có bảo hiểm y tế trong năm 2016. Các bộ, ngành liên quan tính toán kỹ thời điểm, lộ trình tăng trong năm 2017.

Nêu rõ dư địa của cuối năm không còn nhiều, Phó Thủ tướng chỉ đạo từ giờ đến cuối năm, nhiều nhất chỉ có một đợt điều chỉnh giá dịch vụ y tế nhưng phải tính toán kỹ theo mục tiêu tính toán lạm phát, trong trường hợp bất lợi, diễn biến xấu phải giãn bớt sang năm 2017.

Theo TTXVN

Có thể bạn quan tâm