Thời sự - Bình luận

Kích cầu tư duy

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Hôm nay (8.11), Kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XV tiếp tục làm việc. Các đại biểu Quốc hội sẽ tập trung tại hội trường để thảo luận tình hình kinh tế - xã hội đất nước và chất vấn tư lệnh các bộ, ngành.

Hai năm trải qua liên tiếp 4 đợt dịch Covid-19, chúng ta đã thiệt hại quá nặng nề về người và tài sản. Mở rồi đóng, phục hồi rồi lại suy giảm. Từ vị trí ngôi sao tăng trưởng của thế giới, chúng ta tăng trưởng âm, tụt hậu.

Hai năm, rất nhiều gói kích cầu, an sinh xã hội được đưa ra. Đảng và Nhà nước chủ trương bằng mọi giải pháp quyết “không bỏ lại ai ở phía sau, đặt sức khỏe và tính mạng của người dân lên hàng đầu”. Hiện nay, khi dịch đã dần được kiểm soát, chúng ta đổi chiến lược từ “zero Covid” sang thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả với dịch bệnh để thực hiện mục tiêu kép. Song nếu nhìn ra thế giới, có vẻ chúng ta vẫn còn thiếu đi một giải pháp nào đó đột phá, lột xác, tương xứng với mức độ khủng hoảng nặng nề do đại dịch gây ra.

Giảm thuế, giãn thuế đã có nhưng không đủ, vì doanh nghiệp lỗ lấy gì để nộp, để miễn? Về lãi suất, mặc dù ngân hàng tuyên bố giảm để chia sẻ, nhưng chẳng kỳ vọng gì nhiều vì ngân hàng cũng là doanh nghiệp, cũng vì lợi nhuận cả; các gói cho vay trả lương lao động ít người tiếp cận được… Thực tế đó cho thấy chúng ta đang bốc thuốc đại trà và chưa đủ liều lượng.

Những ngày gần đây, dư luận bàn tán xôn xao gói kích cầu hàng trăm nghìn tỉ đồng đang được thảo luận. Nhiều ý kiến mới nghe thoáng qua đã chỉ trích là viển vông, bất khả thi, đó là suy nghĩ thiển cận. Để phục hồi sau dịch, nhiều quốc gia trên thế giới đã tung ra hàng loạt gói kích cầu quy mô rất lớn như: Mỹ (27,9% GDP), Nhật Bản (44,8% GDP), Thái Lan (15,6% GDP)... Với VN, mặc dù Chính phủ đã rất cố gắng nhưng quy mô các chính sách hỗ trợ còn tương đối thấp (năm 2021 ước khoảng 10,5 tỉ USD, tương đương 2,85% GDP).

Việc đề xuất một gói kích cầu quy mô lớn nhưng vẫn nằm trong giới hạn an toàn nợ công, giữ được ổn định vĩ mô sẽ thể hiện được tư duy, tầm nhìn khác biệt, đột phá. Để thực hiện gói kích cầu, chúng ta có thể chấp nhận nâng trần nợ công thêm vài phần trăm (vẫn trong ngưỡng an toàn), huy động công trái bằng ngoại tệ từ người dân, vay thêm Ngân hàng Thế giới…

Lịch sử chúng ta đã có bài học qua việc Thủ tướng Võ Văn Kiệt quyết tâm phải làm cho được đường dây 500 KV; Thủ tướng Phan Văn Khải tạo đột phá với luật Doanh nghiệp để cải cách… Đất nước khi đó còn nghèo, còn khó nhưng với ý chí kiên cường của người đứng đầu, sự đoàn kết trên dưới một lòng, chúng ta đã thành công. Nếu lãnh đạo cứ vo tròn, tư duy nhiệm kỳ, mới thấy số ca F0 tăng trở lại đã siết chặt, ngăn sông cấm chợ để an toàn với cái ghế của mình, thì mọi giải pháp có hay, có tốt đến mấy cũng thành vô tác dụng.

Người dân đang rất mong chờ Chính phủ và Quốc hội đưa ra được quyết sách lớn mang tầm vóc lịch sử về gói kích cầu, chương trình phục hồi và phát triển kinh tế sau dịch. Họ cũng kỳ vọng vào tiếng nói xuất phát từ trái tim và trách nhiệm của các đại biểu Quốc hội; hy vọng vào sự tài giỏi, khéo léo, dám làm, dám chịu trách nhiệm của người đứng đầu. Bởi xét cho cùng, chỉ có đột phá từ nhận thức, tư duy và tinh thần trách nhiệm mới tạo ra được sự khác biệt.

Theo ANH VŨ (TNO)

Có thể bạn quan tâm