(GLO)- Nhờ làm tốt công tác chỉ đạo, phối hợp triển khai đồng bộ, đến nay, tỉnh Gia Lai đã hoàn thành công tác kiểm kê, lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất năm 2019. Tuy nhiên, kết quả cho thấy hiện trạng sử dụng đất có nhiều biến động.
Hoàn thành kiểm kê đất đai
Ông Nguyễn Tuấn Anh-Phó Chủ tịch UBND xã Ia Mơr (huyện Chư Prông) cho biết: Sau khi tiến hành thực địa để xác định các loại đất và tăng cường áp dụng công nghệ thông tin, diện tích đất tự nhiên của xã 43.559,9 ha, trong đó, đất nông nghiệp 8.078,79 ha (giảm hơn 1.000 ha), đất phi nông nghiệp hơn 4.200 ha (tăng hơn 3.000 ha), đất chưa sử dụng 1.275 ha.
Xã Ia Mơr (huyện Chư Prông) tăng cường trồng rừng để phủ xanh đất trống đồi trọc. Ảnh: Nhật Hào |
Trao đổi với P.V về công tác kiểm kê đất đai trên địa bàn, ông Lê Tấn Hiếu-Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) huyện Chư Prông-cho hay: Để công tác kiểm kê đạt tiến độ và cho sản phẩm chất lượng, huyện đã thành lập Ban chỉ đạo và đề ra các phương án kiểm kê, lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất thực hiện; đồng thời, áp dụng công nghệ thông tin trong công tác kiểm kê để đạt hiệu quả cao. Kết quả, tổng diện tích đất tự nhiên của huyện 169.391,3 ha, trong đó, đất nông nghiệp là 153.913,4 ha, đất chưa sử dụng 2.681,7 ha, đất phi nông nghiệp 12.796,3 ha...
Ông Văn Anh Việt-Phó Trưởng phòng Đăng ký-Thống kê (Sở TN-MT) thông tin: “Công tác kiểm kê đất và lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất được thực hiện tại 3 cấp: xã, huyện, tỉnh; số liệu kiểm kê đất được tổng hợp từ kết quả điều tra, khoanh vẽ, lập bản đồ kiểm kê đất với toàn bộ diện tích trong phạm vi địa giới hành chính cấp xã. Sau khi được kiểm tra, nghiệm thu sản phẩm cấp xã, số liệu được tổng hợp tự động trực tuyến bằng phần mềm TK-Online của Bộ TN-MT nên đã tạo được sự thống nhất sản phẩm giữa các bảng biểu, bản đồ kiểm kê đất, bản đồ hiện trạng sử dụng đất với báo cáo thuyết trình kết quả kiểm kê đất... Theo đó, tổng diện tích tự nhiên của tỉnh là 1.551.013 ha (giảm 85 ha so với kỳ kiểm kê đất đai năm 2014 do xác định lại đường ranh giới hành chính giữa 2 tỉnh Kon Tum và Gia Lai). Trong đó, đất nông nghiệp 1.400.775 ha (chiếm 90,31%), đất phi nông nghiệp 108.528 ha (chiếm 7%), đất chưa sử dụng 41.710 ha (chiếm 2,69%)”.
Hiện trạng sử dụng đất có nhiều biến động
Tại huyện Chư Prông, kết quả kiểm kê cho thấy, diện tích đất nông nghiệp tăng 3.657,3 ha so với năm 2014 (hiện nay 153.913 ha), đất chưa sử dụng giảm 7.902,8 ha (hiện còn 2.861 ha). Điều đáng chú ý là giữa các loại đất chính trong nhóm cũng có sự biến động về diện tích. Đơn cử là diện tích đất rừng tự nhiên và rừng sản xuất giảm còn 38.503,2 ha (giảm 6.437,4 ha); diện tích đất sản xuất nông nghiệp tăng lên 114.939 ha (tăng 9.861,5 ha)...
“Nguyên nhân nhóm đất nông nghiệp tăng một phần do một số diện tích chưa sử dụng là đất đồi núi, khe suối hợp thủy được người dân đưa vào trồng các cây nông nghiệp. Trên cơ sở diện tích các loại đất được kiểm kê, UBND huyện đang triển khai xây dựng kế hoạch sử dụng đất từ năm 2021-2030. Tuy nhiên, để quản lý, sử dụng hiệu quả, UBND các cấp cần thực hiện tốt việc chỉnh lý biến động đất đai, kiện toàn bộ máy của cơ quan chuyên môn đảm bảo đủ năng lực; tăng cường giám sát, kiểm tra để đảm bảo sử dụng đất đúng mục đích, giảm thiểu vi phạm hành chính trong khai thác, quản lý và sử dụng đất đai...”-ông Hiếu kiến nghị.
Dải đất 2 bên đường liên xã-đoạn qua xã Ia Kly (huyện Chư Prông) được chuyển thành đất phi nông nghiệp. Ảnh: Nhật Hào |
|
Trong khi đó, tại huyện Chư Păh cũng có một số biến động giữa các nhóm đất. Ông Nguyễn Văn Hiển-Phó Trưởng phòng TN-MT huyện-cho hay: “Sau khi kiểm kê, diện tích đất tự nhiên của huyện 97.221 ha, giảm 236,3 ha (do Trung ương điều chỉnh ranh giới với tỉnh Kon Tum). Trong đó, nhóm đất nông nghiệp 86.160,4 ha (tăng 1.085,2 ha); đất phi nông nghiệp 5.949 (tăng 104,4 ha); đất chưa sử dụng 5.112 ha (giảm 1.426 ha). Sở dĩ các loại đất nông nghiệp tăng là do người dân khai hoang đối với đất chưa sử dụng để trồng lúa, cây lâu năm ven các vùng đồi núi, khe suối. Đối với đất phi nông nghiệp, chủ yếu tăng đất ở, đất chuyên dùng, đất nghĩa trang và một số đất phi nông nghiệp khác”.
Phó Trưởng phòng Đăng ký-Thống kê cho biết thêm: Nguyên nhân hiện trạng sử dụng giữa các nhóm đất có sự biến động là do biến động trong chuyển đổi mục đích sử dụng giữa các nhóm đất với nhau. Kết quả kiểm kê và lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất, đánh giá thực trạng quản lý, sử dụng đất làm căn cứ để lập, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Qua đó, cung cấp số liệu để xây dựng niên giám thống kê các cấp và phục vụ nhu cầu thông tin đất đai cho các hoạt động kinh tế-xã hội, quốc phòng-an ninh và các nhu cầu khác của Nhà nước và xã hội.
Do vậy, để quản lý và sử dụng hiệu quả đất đai, cần tăng cường thanh tra, kiểm tra kịp thời phát hiện những lỗ hổng trong cơ chế quản lý, chính sách, pháp luật để kiến nghị với cơ quan nhà nước có biện pháp điều chỉnh, khắc phục.
NHẬT HÀO