Chính trị

Tin tức

Xây dựng Đảng

Kiểm soát quyền lực, không chỉ riêng Đà Nẵng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Câu chuyện phải rút ra bài học từ việc kiểm soát quyền lực không chỉ có mình Đà Nẵng, mà câu chuyện đó phải của cả hệ thống chính trị.
Tổng kết công tác xây dựng Đảng và thi hành Điều lệ Đảng nhiệm kỳ 2015-2020, Thành ủy Đà Nẵng đã thẳng thắn thừa nhận, cần phải rút ra bài học phải kiểm soát được việc sử dụng quyền lực, không để các nhóm lợi ích chi phối. 
Muốn làm được điều đó, việc đề ra mọi chủ trương, đường lối, chính sách và tổ chức thực hiện đều phải dựa trên nguyên tắc phát triển bền vững, vì lợi ích cộng đồng, chịu sự giám sát cộng đồng.
Hội nghị Tổng kết công tác xây dựng Đảng và thi hành Điều lệ Đảng nhiệm kỳ 2015-2020 của Thành ủy Đà Nẵng (Ảnh: Đình Thiệu)
Hội nghị Tổng kết công tác xây dựng Đảng và thi hành Điều lệ Đảng nhiệm kỳ 2015-2020 của Thành ủy Đà Nẵng (Ảnh: Đình Thiệu)
Trong nửa đầu nhiệm kỳ, thành phố Đà Nẵng đã xảy ra một số vấn đề nổi cộm, phức tạp, gây dư luận không tốt. Tập thể Ban Thường vụ Thành ủy và 2 cán bộ chủ chốt của thành phố đã phải chịu kỷ luật. Cùng với đó, thành phố cũng đã thi hành kỷ luật và đưa ra khỏi Đảng hơn 950 đảng viên vi phạm.
Câu chuyện phải rút ra bài học từ việc kiểm soát quyền lực không phải chỉ có mình Đà Nẵng, mà đó là câu chuyện của cả hệ thống chính trị từ trung ương xuống tới địa phương. Thực tế đã chỉ ra rằng, ở đâu có quyền lực thì ở đó có nguy cơ lạm dụng quyền lực. Quyền lực luôn hàm chứa nguy cơ tha hóa. Quyền lực tuyệt đối dễ dẫn đến tha hóa tuyệt đối nếu không có những giới hạn và kiểm soát các hoạt động thực thi quyền lực của các cơ quan hoặc các cá nhân được trao quyền. 
Nhiệm kỳ 2015-2020, thậm chí cả những nhiệm kỳ trước đó, không riêng gì Đà Nẵng, mà ở nhiều địa phương, cơ quan, ban, ngành, nhiều tập thể, cán bộ, đảng viên đã phải chịu những hình thức kỷ luật nghiêm khắc của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Và điểm tương đồng ở hầu hết các vụ việc là sự vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, thiếu đấu tranh. Khi không có dân chủ, thiếu đấu tranh, lãnh đạo, chỉ đạo thì độc đoán, chuyên quyền, hậu quả sẽ là sai phạm tiếp nối sai phạm.
Đã có thời điểm, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng từng nhấn mạnh, cần có cơ chế kiểm soát quyền lực cho tốt, phải nhốt quyền lực vào trong lồng cơ chế, kiểm tra ngang, kiểm tra dọc, từ trên xuống, từ dưới lên, nhân dân giám sát, từng đoàn thể phải có cơ chế kiểm tra, giám sát để chống lạm quyền. 
Có thể thấy quyết tâm của Đảng, Nhà nước là rất rõ ràng nhưng thực tế cho thấy thực hiện kiểm soát quyền lực là nhiệm vụ không hề dễ dàng nếu không nói là vô cùng khó khăn.
Khó khăn là bởi, nhiều người ngại đụng chạm, ảnh hưởng lợi ích bản thân nên im lặng trước tiêu cực. Khó khăn còn bởi quy định các cơ quan tổ chức, đoàn thể như HĐND, MTTQ, người dân có quyền giám sát, kiểm soát quyền lực của người đứng đầu nhưng lại thiếu cơ chế để giám sát, kiểm soát. Khó khăn còn là do đội ngũ những người làm công tác kiểm tra, thanh tra, bảo vệ và thực thi pháp luật có những người chưa hẳn đã mẫu mực về đạo đức, trung thực, khách quan, có bản lĩnh và trách nhiệm trước Ðảng, trước nhân dân.
Để kiểm soát quyền lực, có quan điểm cho rằng không chỉ trông đợi ở sự gương mẫu trong lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy các cấp, nhận thức thấu đáo cũng như ý thức trách nhiệm của người đứng đầu mà cần có những quy định để kiểm soát chặt chẽ quyền lực bằng pháp luật, chấm dứt tình trạng quyền lực tuyệt đối ngoài pháp luật.
Khi chúng ta có cơ chế, chế tài đủ mạnh, các tổ chức, nhóm người, cá nhân được giao quyền lực sẽ phải thực hiện đúng, đầy đủ, có trách nhiệm chức trách, nhiệm vụ được giao, không dám - không thể - không muốn lạm quyền, lộng quyền, lợi dụng quyền lực vì lợi ích cá nhân.
Hà Thanh/VOV.VN

Có thể bạn quan tâm