Thời sự - Bình luận

Kiểm soát quyền lực từ gốc đến ngọn

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đang diễn ra tại Hà Nội, thu hút sự quan tâm của đông đảo người dân, trong đó có nội dung đồng thuận thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Rõ ràng, những biểu hiện, dấu hiệu của tình trạng tham nhũng, tiêu cực dù đã được chỉ ra, cảnh báo từ 7 năm trước - trong Chỉ thị 50 của Bộ Chính trị khóa XI về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát hiện, xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng; 6 năm trước - trong Kết luận số 10 của Bộ Chính trị khóa XII về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 khóa X về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí… và ở nhiều văn bản, hội nghị khác, cho đến nay, vấn nạn này vẫn tồn tại, thậm chí có lĩnh vực, địa phương còn “đột biến” tăng.

Tham nhũng, tiêu cực, lãng phí không chỉ còn xảy ra ở một, một vài người hay nhóm nhỏ, trong nội bộ một đơn vị, cơ quan nhà nước mà nó đã phát sinh, lây lan trong “cấu kết tham nhũng” - chữ dùng của GS Bùi Mẫn Hân, tác giả cuốn Tư bản thân hữu Trung Quốc - giữa cán bộ quan chức trung ương với địa phương, địa phương với địa phương; giữa các quan chức của các bộ, ngành, lĩnh vực; giữa cán bộ quan chức với lãnh đạo các tập đoàn, công ty trong “quan hệ” đa chiều, lũng đoạn đa tầng.

Đây chính là nguyên nhân cốt lõi trong các nguyên nhân làm suy yếu sức mạnh của tổ chức Đảng, hệ thống cầm quyền; suy giảm niềm tin của nhân dân; là cảnh báo cho những phân hóa, bất ổn xã hội mà Đảng và Nhà nước cần đặc biệt có giải pháp chấn chỉnh, củng cố một cách thực chất, tiến hành bằng thực lực, đạt hiệu quả thực tế.

Tham nhũng chỉ có thể nảy nòi, lây lan khi con người có quyền lực bị tha hóa và sự kiểm soát quyền lực bị vô hiệu. Vì vậy sự ra đời của Ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở cấp tỉnh/thành là nhằm gia tăng sức mạnh con người để vận dụng và sử dụng bộ công cụ kiểm soát quyền lực một cách đồng bộ, quyết liệt và hiệu quả hơn. Thử hình dung bộ máy của một ban đặc trách với các thành viên là người đứng đầu của Ban Nội chính, Ban Tổ chức, Ủy ban Kiểm tra, giám đốc công an tỉnh/thành dưới sự chỉ đạo của Trưởng ban là Bí thư tỉnh/thành ủy, Phó ban thường trực là Trưởng ban Nội chính thì từ các nguồn phản ánh, tiếp nhận đến chủ động kiểm tra, phát hiện, nhận diện các dấu hiệu sẽ nhanh chóng có sự chỉ đạo, phối hợp, đôn đốc, kiểm tra, giám sát chặt chẽ, mạnh mẽ. Bản thân những người đứng đầu của các cơ quan cũng áp dụng tiêu chí để phòng chống tham nhũng, tiêu cực ngay trong chính đơn vị mình phụ trách, lãnh đạo.

Lời nhắc nhở mang tính cảnh báo của người đứng đầu Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng quả thực rất chí lý: “Tay đã nhúng chàm rồi thì không thể đấu tranh phòng, chống tham nhũng được ai hết”. Trong phạm vi của mình, TPHCM sẽ phải có sự chuẩn bị đầy đủ, chặt chẽ, khoa học từ phương thức hoạt động, tổ chức bộ máy, tài chính và lựa chọn nhân sự một cách tối ưu nhất cho Ban chỉ đạo về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp thành phố; cũng như bộ phận thường trực và cơ quan thường trực của ban chỉ đạo. Để trước mắt, tiến hành các đầu việc mà Ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trung ương đã chỉ đạo thúc đẩy tiến độ đối với các vụ án trọng điểm. Cùng với đó là kế hoạch trọng tâm năm 2022 đã được lãnh đạo thành phố chỉ đạo, chuẩn bị hồ sơ.

Vấn đề quan trọng không kém là, việc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hệ thống công quyền cần được gắn liền với việc thúc đẩy xây dựng chính sách, thiết chế luật pháp nhằm tăng tính kiểm soát chặt chẽ, khoa học, sát với thực tiễn. Trong đó chú trọng đến phát huy vai trò độc lập, chủ động của bộ máy ủy ban kiểm tra, sự luân phiên để kiểm tra chéo lẫn nhau giữa các đoàn thành viên, kể cả sử dụng hình thức biệt phái kiểm tra đột xuất.

Gắn kết quả phòng, chống tham nhũng, tiêu cực với công tác cán bộ (tuyển dụng, bổ nhiệm, đánh giá, giám sát và kỷ luật), đặc biệt là cấp cán bộ cấp chiến lược. Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực vừa là thước đo cho việc kiểm soát quyền lực, vừa là phương thức để xây dựng đội ngũ lãnh đạo, cán bộ có đạo đức, năng lực, trách nhiệm, liêm chính.

Đây cũng là một trong nhiều biện pháp hữu hiệu để tạo dựng môi trường trong sạch, văn minh để người tài, giỏi, có đức cống hiến và là cách bảo vệ những cán bộ dám nghĩ dám làm, dám chịu trách nhiệm.

Chỉ khi có đủ công cụ kiểm soát quyền lực, giao quyền và trách nhiệm cho những con người thực thi chính sách kiểm soát ấy liêm chính, chí công vô tư thì quốc nạn tham nhũng, tiêu cực mới được đẩy lùi, quét sạch; trả lại môi trường hoạt động minh bạch, công bằng, tiến bộ thì tổ chức Đảng, bộ máy nhà nước sẽ mạnh lên và mạnh hơn bao giờ hết khi niềm tin nhân dân hội tụ.

Theo TS TRƯƠNG MINH HUY VŨ (SGGPO)
 

Có thể bạn quan tâm