(GLO)- Ngày 27-3, Kiểm toán Nhà nước khu vực XII đã có Văn bản số 65/KV XII-TH giải thích về khoản chênh lệch giữa giá trúng thầu và giá dự toán tạm tính của Đoàn Kiểm toán Nhà nước. Theo đó, Kiểm toán Nhà nước khu vực XII có ý kiến trả lời liên quan đến nội dung kiểm toán việc chấp hành các quy định về hoạt động mua sắm trang-thiết bị y tế giai đoạn 2013-2015 của Sở Y tế Gia Lai; tại trang 16 của Báo cáo kiểm toán số 11/BC-KV XII, ngày 20-1-2017 đã nêu rõ: Giữa giá trúng thầu và giá dự toán tạm tính của Đoàn Kiểm toán có số tiền chênh lệch gần 37,950 tỷ đồng của Báo cáo kiểm toán có nêu: “Dự toán hợp lý do Đoàn Kiểm toán tạm tính có một số yếu tố chi phí ước tính và trong nhiều trường hợp chưa lượng hóa được các yếu tố thực tiễn như: yếu tố độc quyền nhập khẩu theo chính sách của nhà sản xuất tác động đến giá bán của thiết bị.
Ảnh minh họa |
Các yếu tố tạm tính được Đoàn Kiểm toán xác định như sau: Giá thiết bị đến cảng Việt Nam là giá CIF cộng thuế giá trị gia tăng ở khâu nhập khẩu, thuế nhập khẩu và phí hải quan theo tờ khai nhập khẩu do các đơn vị được kiểm toán cung cấp (có xác nhận của cơ quan Hải quan), do đó, về nguyên tắc là đảm bảo về cơ sở pháp lý về giá thiết bị của doanh nghiệp độc quyền nhập khẩu vào Việt Nam. Tuy nhiên, trên thực tế, giá khai báo hải quan của doanh nghiệp nhập khẩu có thể không đúng với giá nhập khẩu thực của doanh nghiệp. Đồng thời, để có thiết bị bán cho cơ sở y tế thì các doanh nghiệp kinh doanh thiết bị phải mua qua doanh nghiệp độc quyền với giá cao hơn. Trong đó, có các chi phí: vận chuyển, lắp đặt, hiệu chỉnh, đào tạo, hướng dẫn vận hành, chi phí lưu kho, lưu bãi, lưu container, chi phí bảo quản, bảo dưỡng… được Đoàn Kiểm toán ước tính là 10% giá trị thiết bị đến cảng Việt Nam là mức chi phí tạm tính. Các chi phí khác gồm: giá dự toán tạm tính chưa bao gồm các chi phí khác thực tế có thể phát sinh như: yếu tố độc quyền nhập khẩu theo chính sách của nhà sản xuất tác động đến giá bán của thiết bị (trên thực tế có nhiều loại thiết bị y tế, trong phạm vi cả nước chỉ có một hoặc hai doanh nghiệp được nhà sản xuất lựa chọn là có thể nhập khẩu được các thiết bị này, các doanh nghiệp khác có trúng thầu cũng không nhập khẩu trực tiếp được mà phải ký hợp đồng lại với các doanh nghiệp độc quyền nhập khẩu). Trong trường hợp này, yếu tố độc quyền nhập khẩu theo chính sách của nhà sản xuất sẽ có tác động lớn đến giá bán của thiết bị trên thị trường.
Như vậy, giá trị dự toán của Đoàn Kiểm toán Nhà nước nêu trong Báo cáo số 11/BC-KV XII là tạm tính và chưa lượng hóa được các yếu tố thực tiễn khác như: yếu tố độc quyền nhập khẩu theo chính sách của nhà sản xuất tác động đến giá bán của thiết bị… do đó, giá trị dự toán tạm tính này Đoàn Kiểm toán Nhà nước không khẳng định là giá thị trường. Hơn nữa, việc mua bán thiết bị được tiến hành đấu thầu rộng rãi. Vì vậy, trong báo cáo kiểm toán Nhà nước và các kết quả thông báo kết quả kiểm toán, khoản chênh lệch 37,950 tỷ đồng luôn được ghi nhận là chênh lệch giữa giá trúng thầu và giá dự toán tạm tính của Đoàn Kiểm toán Nhà nước. Số liệu này không phải là chênh lệch giữa giá trúng thầu với giá thị trường, do đó Kiểm toán Nhà nước không kiến nghị xử lý tài chính mà kiến nghị UBND tỉnh Gia Lai “chỉ đạo các cơ quan chuyên môn kiểm tra làm rõ, xử lý theo quy định của pháp luật và báo cáo kết quả thực hiện kiến nghị về Kiểm toán Nhà nước”.
Lê Anh