Chính trị

Tin tức

Xây dựng Đảng

Kiên quyết loại bỏ những "công bộc" biến chất, nhũng nhiễu

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Những hành vi tiêu cực, vô cảm, nhũng nhiễu, vòi vĩnh của cán bộ, công chức trong thực thi công vụ đã khiến người dân, doanh nghiệp phải có "cơ chế mềm,” phải “bôi trơn”.

Người dân đến giải quyết giấy tờ để đi xin việc làm mới từ sáng sớm ở văn phòng hành chính công tại thị xã Thuận An, Bình Dương. Ảnh minh họa. (Ảnh: Huyền Trang/TTXVN)
Người dân đến giải quyết giấy tờ để đi xin việc làm mới từ sáng sớm ở văn phòng hành chính công tại thị xã Thuận An, Bình Dương. Ảnh minh họa. (Ảnh: Huyền Trang/TTXVN)



Công vụ là hoạt động do cán bộ, công chức nhân danh quyền lực Nhà nước thực hiện. Nói đến công vụ là nói đến trách nhiệm, đạo đức của đội ngũ cán bộ, công chức trong thực hiện quyền, nghĩa vụ nhằm mục tiêu phục vụ lợi ích của nhân dân và xã hội.

Trong công cuộc đổi mới, hội nhập và phát triển đất nước, đội ngũ cán bộ, công chức ngày càng được kiện toàn cả về số lượng và chất lượng, nâng cao năng lực, trình độ, phẩm chất đạo đức. Tuy nhiên, vẫn còn không ít những “con sâu làm rầu nồi canh,”gây phiền hà, nhũng nhiễu cho người dân và doanh nghiệp, làm tổn hại niềm tin và cái nhìn của xã hội đối với người cán bộ, công chức.

Đầu tháng 3/2019, công luận vô cùng bức xúc khi một cán bộ cấp phường tại thành phố Huế đã gây khó dễ, từ chối cấp Giấy chứng tử cho người đã chết, vì tai nạn giao thông.

Chuyện tương tự cũng đã xảy ra tại Ủy ban Nhân dân phường Tân Phước Khánh, thị xã Tân Uyên, tỉnh Bình Dương vào cuối năm 2018 và tại Ủy ban Nhân dân phường Văn Miếu, quận Đống Đa, Hà Nội, vào năm 2017, gây phản ứng mạnh trong dư luận xã hội.

Nhưng sự phiền hà ở cấp phường như các trường hợp đã nói trên chỉ là một trong các “vấn đề” của những “công bộc" của dân.

Những hành vi tiêu cực, vô cảm, nhũng nhiễu, vòi vĩnh của cán bộ, công chức trong thực thi công vụ, khiến người dân, doanh nghiệp phải có "cơ chế mềm,” phải “bôi trơn,” “biết ý” hay “chung chi” cùng những “đầy tớ nhân dân”.

Sự việc được phanh phui khi có người trong cuộc tố cáo, cơ quan chức năng mới tiến hành các bước xử lý. Như vừa qua, các phương tiện thông tin đại chúng phản ánh, cán bộ thanh tra tỉnh Thanh Hóa bị bắt quả tang tống tiền. Không ít trường hợp người dân chưa được cấp "sổ đỏ" do cán bộ hạn chế năng lực hoặc nhũng nhiễu, doanh nghiệp phải chi "phí đen" khi thực hiện thủ tục hải quan...

Mới đây, ngày 18/6, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Vĩnh Phúc đã khởi tố và bắt tạm giam bị can Nguyễn Thị Kim Anh, Phó Trưởng phòng Phòng chống tham nhũng, Trưởng đoàn Thanh tra của Bộ Xây dựng cùng hai thành viên trong đoàn này để điều tra hành vi nhận hối lộ tại Vĩnh Phúc.

Đã làm việc trong bộ máy nhà nước, gánh vác trọng trách trong các cơ quan công quyền, lẽ ra những cán bộ, công chức này phải luôn nhận thức sâu sắc và làm đúng bổn phận, trách nhiệm người công bộc của dân, thấm nhuần lời dạy bảo của Chủ tịch Hồ Chí Minh, phải là “người đày tớ trung thành của nhân dân”.

Được trả lương bằng tiền thuế của dân, lẽ ra họ phải hết lòng hết sức phục vụ nhân dân, tận tâm tận lực vì sự phát triển của đất nước, vì hạnh phúc của nhân dân, bảo đảm tiến bộ và công bằng xã hội, thì ngược lại họ đã nhân danh quyền lực Nhà nước, lợi dụng chức trách nhiệm vụ được giao để phục vụ động cơ, mục đích cá nhân, để vụ lợi cho riêng mình.

Hành vi của họ đã đi ngược lại mục tiêu, lý tưởng của người cán bộ cách mạng, vi phạm pháp luật của Nhà nước, trái với luân thường đạo lý và đạo đức công vụ.

Trước những hành vi tiêu cực, nhũng nhiễu, nhất là sau vụ Đoàn Thanh tra Bộ Xây dựng “vòi tiền” tại tỉnh Vĩnh Phúc, gây bức xúc dư luận xã hội, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng đã có công văn số 219-CV/BCĐTW gửi Ban cán sự đảng, đảng đoàn, đảng ủy trực thuộc Trung ương; các tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc Trung ương, yêu cầu tăng cường chỉ đạo việc rà soát, chấn chỉnh, xử lý nghiêm các hành vi tiêu cực, tham nhũng trong các cơ quan, đơn vị có chức năng phòng, chống tham nhũng.

Ban Chỉ đạo đề nghị rà soát, đánh giá, kịp thời chấn chỉnh, thay thế, loại bỏ những cán bộ không đủ phẩm chất, đạo đức, có nhiều dư luận về tiêu cực, tham nhũng trong các cơ quan, đơn vị có chức năng phòng, chống tham nhũng, đảm bảo những người trực tiếp làm việc trong các cơ quan này phải thực sự liêm chính, trong sạch; đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động của các cơ quan, đơn vị có chức năng phòng, chống tham nhũng, thực hiện nghiêm chỉ đạo của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống tham nhũng là phải “chống tham nhũng chính ngay trong các cơ quan chống tham nhũng”.

Thể hiện quyết tâm loại bỏ những hành vi nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng đã có Công điện yêu cầu các bộ, ngành, địa phương, cơ quan phải thực hiện nghiêm túc các Nghị quyết, Chỉ thị của Đảng về phòng chống tham nhũng, Luật Phòng chống tham nhũng năm 2018, các chỉ đạo của Tổng Bí thư, Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Chỉ thị số 10 về tăng cường xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc.

Thủ tướng yêu cầu người đứng đầu bộ, ngành, địa phương phải gương mẫu, đi đầu trong việc thực hiện các quy định của Đảng, Nhà nước về phòng, chống tham nhũng, nếu để xảy ra tiêu cực, tham nhũng tại đơn vị, cơ quan mình thì phải chịu trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước.

Các bộ, ngành, địa phương cần ban hành quy chế làm việc rõ ràng, minh bạch, có cơ chế kiểm soát hiệu quả đối với cán bộ, công chức khi thực thi nhiệm vụ kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra, thi hành án, hải quan, thuế, quản lý thị trường…, ngăn chặn cho được tình trạng lợi dụng chức vụ, quyền hạn để sách nhiễu, “vòi vĩnh,” “chung chi,” phục vụ động cơ cá nhân trong thực thi công vụ.

Việc ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin để hạn chế tối đa việc tiếp xúc trực tiếp của cán bộ, công chức, viên chức với người dân, doanh nghiệp khi giải quyết công việc, được coi là một biện pháp quan trọng và cần thiết.

Bên cạnh đó, cần triển khai rộng rãi hệ thống ghi âm, ghi hình, camera trực tuyến tại các địa điểm có tiếp xúc trực tiếp với người dân, doanh nghiệp, đồng thời có bộ phận thường trực theo dõi, giám sát thường xuyên; công bố rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng số điện thoại đường dây nóng để tiếp nhận các ý kiến phản ánh của người dân, doanh nghiệp về hành vi vi phạm pháp luật của cán bộ, công chức, viên chức.

Liên quan vụ việc “vòi tiền” của một số cán bộ thanh tra Bộ Xây dựng trong quá trình thanh tra tại huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng đã yêu cầu Đảng ủy Công an Trung ương chỉ đạo khẩn trương xác minh, điều tra làm rõ để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Và bất kỳ cán bộ nào có hành vi nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp, đều phải kiên quyết loại bỏ khỏi bộ máy nhà nước, bảo đảm thực sự trong sạch, liêm chính, để lấy lại và củng cố niềm tin trong nhân dân.

 

Hạnh Quỳnh (TTXVN/Vietnam+)


 

Có thể bạn quan tâm