Thời sự - Bình luận

Kiện toàn bộ máy lãnh đạo vì sự phát triển của đất nước

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

(GLO)-Việc Chủ tịch nước Tô Lâm được Hội nghị Trung ương nhất trí 100% bầu giữ chức Tổng Bí thư BCH Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa XIII thể hiện tinh thần đoàn kết, thống nhất về ý chí và hành động trong cơ quan lãnh đạo cao nhất của Đảng, cũng như sự tín nhiệm tuyệt đối với tân Tổng Bí thư.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm phát biểu. Ảnh: Trí Dũng/TTXVN

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm phát biểu. Ảnh: Trí Dũng/TTXVN

Vinh dự càng lớn, trách nhiệm càng cao, người dân đặt niềm tin, kỳ vọng vào sự ổn định, phát triển khi bộ máy lãnh đạo đất nước được kiện toàn.

Niềm tiếc thương về sự ra đi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng-nhà lãnh đạo đặc biệt xuất sắc, người đảng viên cộng sản kiên trung, có uy tín lớn của Đảng, Nhà nước và Nhân dân, hiện thân đầy đủ phẩm chất, tài năng, bản lĩnh, trí tuệ của thế hệ lãnh đạo Việt Nam thời kỳ đổi mới vẫn chưa thể nguôi ngoai.

Tuy nhiên, trước yêu cầu, nhiệm vụ thường xuyên, cấp bách trong việc lãnh đạo xây dựng, phát triển đất nước, chăm lo cuộc sống người dân thì việc kiện toàn các chức danh lãnh đạo Đảng-Nhà nước, mà trước hết là chức danh Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng là một yêu cầu tất yếu.

Đặt trong bối cảnh cần tiếp tục triển khai thực hiện thắng lợi các mục tiêu Đại hội lần thứ XIII của Đảng đề ra; chuẩn bị đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội toàn quốc lần thứ XIV của Đảng; tạo nền tảng vững chắc để đạt các mục tiêu chiến lược nhân kỷ niệm 100 năm Ngày thành lập Đảng, 100 năm Ngày thành lập nước; đồng thời xác định tầm nhìn tương lai, đưa Việt Nam sánh vai với các cường quốc năm châu, đóng góp tích cực và chủ động cho hòa bình và phát triển trên thế giới thì việc này càng có ý nghĩa.

Việc kiện toàn chức danh Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII còn thể hiện tính kế thừa, liên tục trong cơ quan lãnh đạo cao nhất của Đảng. Vì vậy, trong lời phát biểu nhậm chức, Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định: “Đây là vinh dự lớn, đồng thời cũng là trách nhiệm vinh quang trước Đảng, trước Nhân dân, trước lịch sử hào hùng nghìn năm văn hiến của dân tộc và sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa trong thời đại mới”.

Bày tỏ sự tin tưởng, hy vọng, thậm chí là yêu cầu cao đối với một nhà lãnh đạo âu cũng là lẽ thường tình, là một trạng thái tâm lý, tình cảm hết sức tự nhiên và đáng trân trọng của người dân. Cho nên cũng không có gì lạ khi trên báo chí, mạng xã hội mấy ngày qua, nhiều ý kiến của cán bộ, người dân đều bày tỏ sự đồng tình khi bên cạnh việc bầu Tổng Bí thư mới, Trung ương cũng đã chấp thuận cho 4 ủy viên trung ương khác thôi không tham gia Ban Chấp hành, nghỉ công tác.

Người dân quan tâm Tổng Bí thư Tô Lâm có tiếp tục thực hiện tâm huyết của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong việc đẩy mạnh cuộc đấu tranh phòng-chống tham nhũng; có làm cho cái “lò thiêu tham nhũng” tiếp tục rực lửa hay không? Bởi lẽ, ai cũng biết rằng, song song với đấu tranh chống tham nhũng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là người tích cực cổ vũ cho cái mới, cái tiến bộ có cơ hội phát triển; cán bộ có tinh thần đổi mới, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm được làm việc, được cống hiến cho nước, cho dân. Cùng với đó là gợi mở những cơ chế, chính sách phát triển kinh tế-xã hội, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp đổi mới được triển khai, đưa đất nước phát triển ổn định, bền vững.

Trong lời phát biểu nhận chức, Tổng Bí thư-Chủ tịch nước Tô Lâm hứa sẽ kế thừa, phát huy mạnh mẽ những thành quả của các kỳ đại hội, trong đó có Đại hội lần thứ XIII; phát huy cao nhất tinh thần “tự chủ, tự tin, tự lực, tự cường, tự hào dân tộc”; tiếp tục đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng, phòng-chống tham nhũng, tiêu cực; tận tâm, tận lực, tận hiến, phấn đấu hy sinh vì Đảng, vì đất nước Việt Nam giàu mạnh, vì Nhân dân Việt Nam ấm no, hạnh phúc.

Do vậy, bên cạnh phòng-chống tham nhũng, Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhấn mạnh đến việc tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thể chế, mở rộng không gian phát triển, thực hiện thắng lợi các mục tiêu chiến lược mà Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đề ra.

Đấu tranh mạnh mẽ với tệ nạn tham nhũng, tiêu cực để giữ gìn nguồn lực quốc gia; xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh để củng cố lòng tin của cán bộ, đảng viên, người dân vào sự lãnh đạo của Đảng; để lòng yêu nước, lý tưởng cách mạng của đội ngũ cán bộ, đảng viên được nhân lên; để công cuộc đổi mới được tiếp tục giành được những thành quả to lớn hơn; đất nước ta ngày càng cường thịnh, Nhân dân ta ngày càng ấm no, hạnh phúc.

Có thể bạn quan tâm