Có thầy mo sau khi cúng bái xong không đòi hỏi chuyện tiền nong mà gia chủ cho bao nhiêu thì nhận bấy nhiêu nhưng cũng có người ra giá vài triệu đồng mới chịu nhận đuổi "ma rừng"
Câu chuyện về những người dân ở thung lũng Ba Lin, xã A Vao, huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị vì mời thầy mo, sắm lễ vật đuổi "ma rừng" đến kiệt quệ, nợ nần chồng chất đã thôi thúc tôi lên đường tìm hiểu, mong được gặp những thầy mo đang hành nghề trên dãy Trường Sơn.
"Ma" gì cũng đuổi được
Ngồi trước mặt tôi là thầy mo kiêm thầy bói H.V.C (82 tuổi, dân tộc Vân Kiều) trú tại xã Thanh, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị. Nơi ông C. ở cách biệt với bản làng, giáp tuyến biên giới Việt - Lào. Thầy mo C. tự xưng mình nói chuyện được với Giàng (trời) và bệnh gì ông cũng chữa khỏi.
Thầy mo C. cho biết ông tự học và đã hành nghề cúng đuổi "ma rừng", xem bói hàng chục năm nay. Ông từng ra Quảng Bình và vào đến tận Đà Nẵng, Quảng Nam để cúng đuổi "ma rừng" cho người dân. Mỗi chuyến đi như thế, ngoài tiền xăng xe, ăn ở, gia chủ trả cho ông vài triệu đồng.
"Tôi chỉ cần nhìn người là biết bị ma trời, ma đất hay ma rừng ám. Nếu bị ma ám nặng, trói tay chân rồi thì tiền công tôi cúng 3 triệu đồng; nếu nhẹ thì 1,5 triệu đồng; còn các lễ vật khi cúng thì gia chủ tự mua. Nói chung, ma gì ám tôi cũng đuổi ra được khỏi người" - thầy mo C. hào hứng giới thiệu về khả năng của mình.
Thầy mo H.V.C ghi tên người, địa chỉ và số tiền xem bói vào cuốn sổ của mình. Ảnh: Hải Phong |
Ngoài việc đuổi được các loài "ma" ám người, thầy mo C. còn khoe mình có khả năng xem bói và hỏi tôi muốn xem thử hay không. Để làm chứng cho lời mình, thầy mo C. mở tủ lấy ra một cuốn sổ ghi chép chi li từ họ tên, địa chỉ đến số tiền của hàng trăm người đã được ông gieo quẻ. Trong cuốn sổ này, số tiền mỗi người đặt lễ xem bói ít nhất là 50.000 đồng, cao nhất là 200.000 đồng.
"Thầy xem bói cho con 50.000 đồng" - tôi rụt rè đề nghị. "50.000 đồng thì ít, không xem được" - thầy bói "kiêm" thầy mo C. bĩu môi. "Vậy 100.000 đồng?". "100.000 đồng cũng được nhưng muốn xem hết thì phải 200.000 đồng" - ông uể oải nhận lời. Sau khi đồng ý với giá tiền trên, thầy mo C. đi vào góc nhà sàn lấy ra một chiếc đĩa, 2 cái bát, một ly rượu nhỏ và chai rượu nếp trắng.
Tiếp đó, ông uyển chuyển rót rượu vào chiếc ly, giắt tờ tiền vào giữa bát đĩa. Sau phút trầm ngâm, ông nhìn chằm chằm vào bộ đồ nghề xem bói và lâm râm khấn bằng thổ ngữ. Chừng 2 phút, bỗng ông ngắt quãng bài khấn, nhìn người đối diện phân trần: "Giàng hỏi lễ đặt 200.000 đồng hay 100.000 đồng?" rồi tự phân bua với "cõi trên".
Sau khi nói chuyện với Giàng, thầy mo C. kéo tôi ra sát cửa sổ để nắng soi rõ nét chỉ tay. Ông vừa phán vừa hỏi "đúng không?" rồi đắc ý: "Giàng nói không sai đâu". Khoảng 5 phút vừa nhìn tay vừa phán, thầy mo C. bảo tôi về ngồi chỗ cũ. "100.000 đồng chỉ xem chừng đó thôi. Đặt lễ 200.000 đồng mới xem lâu, xem hết về vợ con, nhà cửa, tương lai, sự nghiệp" - thầy mo C. gợi ý và khẳng định những lời vừa nói là của Giàng chứ không phải của mình.
Làm thầy mo phải có tâm!
Ông H.V.T (72 tuổi) trú xã Hướng Hiệp, huyện Đakrông hành nghề thầy mo gần 20 năm nay nên nhiều người biết tiếng. Ông cho hay bản thân có thể gọi hồn bị "thất lạc" cho người sống và cúng đuổi "ma rừng" khi ai đó bị vướng phải. Từ năm 2017 đến nay, ông T. nói đã cúng cho hàng trăm người dân trên địa bàn huyện Đakrông và các huyện, tỉnh lân cận.
Khác với thầy mo C., mỗi lần đi cúng cho người dân, ông T. không yêu cầu gia chủ trả tiền mà họ cho bao nhiêu thì nhận bấy nhiêu. "Cúng gọi hồn hay đuổi "ma rừng" là phong tục hồi xưa để lại. Ngày trước, ông bà truyền lại nghề cho tôi nhưng không dạy phải lấy tiền của người dân nên mình không được đòi hỏi. Cúng xong, họ cho mấy thì nhận mấy, làm nghề này ai mà đòi hỏi chuyện tiền nong là có tội với Giàng" - ông T. bộc bạch.
Ông H.V.T bên các dụng cụ thường mang đi cúng bái. Ảnh: Hải Phong |
Vợ chồng ông T. đã thôi không làm nương rẫy mấy năm nay, cuộc sống nhờ vào việc đi cúng bái và chữa gãy tay, gãy chân cho người dân. Hầu như tháng nào ông T. cũng đều đặn đi cúng giải xui, gọi hồn, đuổi "ma rừng" nên rất ít khi có mặt ở nhà. Mỗi lần đi cúng, ông T. thường dẫn theo 2 "học trò" cùng sống trên địa bàn. Dụng cụ ông mang theo khi thực hiện nghi lễ là một thanh kiếm buộc chặt với ống sáo cỡ đại, 2 chiếc bát, chai rượu và một nắm gạo trắng.
Theo ông T., lễ cúng đuổi "ma rừng" chỉ diễn ra trong 1 ngày còn lễ gọi hồn tiến hành trong nhiều ngày hơn. Vật tế dâng lên Giàng ngày nay đã tiết kiệm hơn vài năm về trước. "Khoảng chục năm trước, theo phong tục, lễ cúng phải mổ trâu, mổ bò để dâng lên Giàng nhưng nay không làm như thế nữa. Lễ cúng bây giờ chỉ cần làm một con gà, lợn hoặc dê thôi" - ông T. nói.
Ông T. bật mí rằng các thầy mo rất hiếm khi ngồi nói chuyện, uống rượu với nhau. "Riêng tôi, các thầy mo khác không dám ngồi chung mâm vì sợ tôi dạy đời, bởi họ làm nghề không có đức. Thêm nữa, các thầy mo thường nghi kỵ người làm cùng mình sẽ bị ám hại nên không ngồi cùng nhau. Nghề này, ai có đạo đức người dân mới tin, mới tìm đến mời cúng bái" - ông T. trần tình.
Chưa thể xóa ngay hủ tục
Ông Hồ Xuân Phương, Phó Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Đakrông, cho biết do địa bàn cách trở, người dân tiếp cận thông tin hạn chế nên một số nơi trên địa bàn vẫn tồn tại các phong tục lạc hậu. Những phong tục này kiềm chế sự phát triển kinh tế của người dân, địa phương. Tuy nhiên, việc xóa bỏ các tục lệ lạc hậu cần có thời gian chứ không thể làm trong ngày một ngày hai bởi đã ăn sâu vào tiềm thức con người.
"Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục vận động, tuyên truyền người dân đẩy lùi những phong tục lạc hậu bằng nhiều kênh khác nhau. Ví dụ như đưa vào hương ước, quy ước của cộng đồng làng xã. Bên cạnh đó, lồng ghép, tuyên truyền để người dân thay đổi nhận thức trong các buổi họp thôn hay trong các hoạt động đoàn thể" - ông Phương chia sẻ |
Hải Phong (NLĐO)