Phóng sự - Ký sự

Kinh doanh mùa vắng khách - Bài 1: Buổi chợ... cầm canh

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

LTS: Từ đầu năm 2020, khi dịch Covid-19 bắt đầu ảnh hưởng trực tiếp đến Việt Nam, là bắt đầu chuỗi ngày khó với giới kinh doanh - dịch vụ tại TPHCM. Chợ truyền thống, đặc biệt là những chợ chuyên dành cho khách du lịch vắng teo, phố đi bộ lèo tèo, hộ kinh doanh gặp khó… Đó là hình ảnh mà chúng tôi ghi nhận được sau một năm sống chung với Covid-19.

“Gửi xe qua chợ hả?”, chú giữ xe hỏi, tôi chưa kịp trả lời, chợt một tiếng phụ nữ thở dài: “Bữa nay, mới thấy mở thêm mấy sạp, chứ tuần trước ngó phát rầu”. Dứt lời, người phụ nữ ngoài 50 tuổi nói tiếp với tôi: “Tui mua mối sạp khô mà, gọi điện thoại là người ta giao tới tận nhà, nhưng vẫn khoái ra đây, đi chợ quen rồi, lâu không đi lại thấy nhớ”. 
 

Tiểu thương tụ tập nói chuyện, trong khi nhiều sạp trả mặt bằng hoặc sang nhượng (Ảnh chụp tại chợ Bến Thành ngày 8-3)
Tiểu thương tụ tập nói chuyện, trong khi nhiều sạp trả mặt bằng hoặc sang nhượng (Ảnh chụp tại chợ Bến Thành ngày 8-3)


Đìu hiu khách nội địa

Chợ Bến Thành, ngôi chợ có kiến trúc lâu đời và hoạt động buôn bán sầm uất thuộc hàng nhất nhì Nam bộ, từ lâu đã nằm trong lịch trình tham quan của du khách khi đến với TPHCM. Vì vậy mà chuyện “chen chân” ở 4 cửa chính hay các cửa phụ ở đây vào những mùa cao điểm mua sắm cũng là chuyện thường. Nhưng do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, đứng từ cửa Tây, giờ đây tôi có thể phóng tầm mắt nhìn thẳng sang cửa Đông vì hàng loạt quầy sạp đóng cửa im ỉm, chẳng mấy người đi chợ, tiểu thương buôn bán cũng chỉ cầm chừng.

Ngay 4 cửa chính vào chợ, biển thông báo nhắc nhở khách, tiểu thương buôn bán đeo khẩu trang, sát khuẩn đầy đủ. Khách ra vào không mấy tấp nập, lượng mua sắm giảm đáng kể, nhiều tiểu thương đành tám chuyện với nhau hoặc lướt điện thoại… Những ngày đầu tháng 3, lượng sạp ở chợ Bến Thành mở cửa hoạt động đã khá hơn so với tháng 2 vừa qua, chủ yếu là các mặt hàng thực phẩm, quần áo, trang sức, quà lưu niệm. Khu vực ăn uống, lượng khách ra vào tại các quầy xôm tụ hơn một chút so với các sạp khác. “Bữa nay, nghe tin tức nói có vaccine Covid-19, nên nhiều chủ sạp mới bán lại, chứ mấy bữa trước vắng hoe”, cô Thanh (53 tuổi, tiểu thương một sạp thực phẩm khô ở chợ Bến Thành) cho biết.

Tại khu vực ăn uống, vừa làm xong 3 ly chè cho khách, cô Xuân (50 tuổi, ngụ quận 4, tiểu thương quầy ăn uống) kể: “Gia đình tôi có 6 quầy bán đồ ăn liền kề, cả 20 đứa con cháu trong nhà phụ bán mà có khi còn không xuể. Bây giờ, đóng cửa hết 4 quầy, chỉ còn 1 quầy bún phở, 1 quầy chè và giải khát”. Theo quan sát, cứ một quầy sạp mở cửa thì kế bên lại có vài quầy, thậm chí cả một dãy đóng cửa. Chỉ tay sang một sạp trà bánh, cô Xuân thở dài: “Sợ riết rồi hết sợ luôn, cũng phải buôn bán để giữ khách, cầm canh được là hay rồi. Bên kia trà bánh ế thấy thương lắm, như mọi năm dịp này bả bán ngon lành, năm nay tiểu thương nào còn trụ được thì cũng ngồi nhìn nhau, chứ có khách khứa gì đi chợ đâu”.
Hiện tại, lượng khách vào chợ Bến Thành chủ yếu là khách du lịch nội địa từ Hà Nội và Đà Nẵng. Nhóm 3 khách vừa tính tiền 2 vòng đeo tay và rời đi, chị Hoàng Thương (42 tuổi, tiểu thương sạp quà lưu niệm) cho biết: “Mấy bữa này cũng chỉ trông chờ lác đác khách du lịch nội địa thôi, chứ ế lắm, có khi cả ngày không bán được một cái kẹp tóc nhỏ”.

Quen mặt với các sạp thực phẩm khô, bà Ngọc Hà (68 tuổi, ngụ quận 3) kể: “Tôi đi chợ này phải hơn 30 năm nay rồi, nên nó thành thói quen, khoái đi chợ hơn siêu thị. Khách vô đây chủ yếu là khách du lịch chứ dân thành phố mình ít lắm, nhưng mua quen rồi thành khách mối thì người ta buôn bán cũng dễ chịu. Bữa nay, tôi ghé mua mớ đồ, sẵn hỏi thăm chút chuyện với bả (một chủ sạp - PV). Ai cũng than hết, ngồi cả ngày đến hết giờ chứ không thấy khách”.

Không thể trông đợi khách du lịch

Màn hình điện thoại thông báo có đơn đặt hàng, chị vợ lẹ tay làm đơn chè cho khách, còn anh Toàn (tiểu thương một quầy chè, giải khát) thở dài: “Cầu trời cho dịch qua nhanh, buôn bán lại bình thường tôi cũng dẹp luôn không liên kết với mấy trang đặt đồ ăn trực tuyến nữa, nó ăn hoa hồng tới 25%. Như đơn này là bán 6 ly chè nhưng tiền lời chỉ còn 4 ly, cũng phải ráng chịu thôi vì dịch phải liên kết thêm với nó, được đồng nào hay đồng nấy”.

Để cầm cự qua dịch, nhiều tiểu thương chợ Bến Thành liên kết với trang đặt đồ ăn trực tuyến. Một số sạp thực phẩm có khách mối cũng nhận đơn trực truyến và giao hàng tại nhà cho khách. Ảnh hưởng bởi dịch là điều thấy rõ, nhưng từ lâu không mấy khách trong thành phố mặn mà với chuyện đi chợ Bến Thành. Ở thời điểm “ăn nên làm ra”, nhiều tiểu thương cũng hời hợt với khách ta hơn là khách Tây. “Bữa nay mới thấy mời nhiệt tình, chứ như mấy năm trước tôi đi cả mấy vòng, không thấy ai mời gì, nhưng khách Tây thì họ đon đả lắm. Mấy cô bán hàng nói tiếng Anh với khách ngon lành, còn khách Việt mình thì ít mua nên thành ra có vô chợ họ cũng chỉ chào mời có lệ thôi, nhiều chỗ không thấy ai mời tiếng nào”, anh Văn Quân (32 tuổi, ngụ quận 3) kể.

Trong câu chuyện với dân nội trợ, “khách ta” ngại chợ Bến Thành cũng bởi nhiều mặt hàng giá cả trên trời so với nhiều nơi khác. “Có lần tôi ra chợ dạo một vòng, người bán giới thiệu kẹo sâm gì đó tốt cho sức khỏe có giá 60.000 đồng/vỉ 6 viên. Tôi mua 2 vỉ, khoảng tuần sau tôi ghé chợ gần nhà cũng vỉ kẹo y như vậy nhưng giá chưa đầy 10.000 đồng. Từ đó về sau, tôi gần như không ghé chợ Bến Thành nữa”, chị Thành Quyên (ngụ quận 3) kể.

Thẳng thắn thừa nhận hàng hóa chợ Bến Thành cao giá, anh Quốc (tiểu thương quầy chè, giải khát) chia sẻ: “Khách đi chợ Bến Thành là khách Tây, khách ta thì phải là dân có tiền vì ở đây món gì cũng cao giá. Nhưng thật ra không cao cũng không được, trong các chợ truyền thống ở thành phố thì giá thuê và chi phí ở chợ Bến Thành cao nhất. Một sạp cũng phải từ 20-40 triệu đồng/tháng, chưa kể thuế… Ảnh hưởng dịch này, nhiều nơi có điều chỉnh giá cho phù hợp với khách nội địa nhưng cũng không nhiều vì một sạp trụ được mỗi tháng gánh nhiều chi phí lắm”.

Chỉ tay về quầy ăn uống đóng cửa cạnh quầy chè của mình, anh Quốc nói tiếp: “Như 3 quầy này, hồi trước bán không xuể luôn. Bây giờ, chủ thuê cho bán không, không lấy tiền thuê mà họ cũng trả sạp chứ không bán nổi. Vì không mất tiền thuê thì còn đủ thứ chi phí khác nữa, bữa nào không lỗ vốn là may chứ làm gì có lời mà gồng gánh nổi, nên thôi người ta trả sạp luôn”. Anh Quốc thở dài, rồi lại tiếp tục mời từng người khách một, bán được ly chè nào thì hay ly chè nấy.

Hiện tại, những sạp trong chợ cầm cự được vài tháng cũng đành trả sạp. Vì có những ngày ngồi từ sáng tới chiều, rồi tiểu thương ăn tô bún, ly chè ủng hộ nhau chứ không có khách. Theo thống kê từ Ban quản lý chợ Bến Thành, đến ngày 5-3, có 570 hộ đang kinh doanh, trong khi vào thời điểm chợ Bến Thành thịnh nhất có đến gần 1.500 hộ kinh doanh. “Các sạp mở cửa lại một phần là có khách mối tới mua hoặc đặt online. Chợ vẫn mở cửa bình thường, nhưng tiểu thương nhắm chừng không kham nổi thì họ nộp đơn xin tạm ngưng kinh doanh để đỡ đóng thuế, cũng có sạp trả hẳn”, một thành viên ban quản lý chia sẻ.

Dịch bệnh sẽ qua đi, nhưng cũng cần phải có thời gian để mọi thứ trở lại bình thường và hơn hết để có thể trụ vững, tiểu thương không chỉ trông chờ vào khách quốc tế mà phải tìm cách chinh phục được khách nội địa, đó mới là lượng khách đều và ổn định. Lời của chị Thảo (một tiểu thương bán quần áo) chia sẻ cũng có lý: “Tính ra chợ nhỏ ở phường, quận mà bán được hơn ở đây. Vì chợ này ai cũng biết chủ yếu là khách nước ngoài, mà dịch bệnh nhiều người càng thêm ngại nơi có khách nước ngoài, nên chợ càng ế. Về lâu dài, chúng tôi cũng phải tính đường chuyển đổi, chứ vầy hoài, chắc trả sạp về chợ nhỏ buôn bán quá”.

 


Trong tương lai, khi nhà ga metro Bến Thành hoàn thiện và đi vào hoạt động, một lo lắng được đặt ra chính là nét văn hóa truyền thống của chợ Bến Thành có thể bị ảnh hưởng. TS Nguyễn Thị Hậu, Tổng Thư ký Hội Khoa học Lịch sử TPHCM, cho rằng: “Khu vực trung tâm thành phố tập trung nhiều mô hình và cảnh quan được xây dựng từ khi đô thị Sài Gòn hình thành. Đó là những công trình đẹp đẽ và ẩn chứa biết bao câu chuyện về lịch sử và con người thành phố. Sự biến đổi kiến trúc và cảnh quan tại khu vực trung tâm TPHCM làm thay đổi các mối quan hệ giữa các nhóm xã hội, chính nhờ các mối quan hệ này mà trước đây khu vực này có những không gian giao tiếp độc đáo và đặc trưng của đô thị ở TPHCM. Trước mắt có thể nhận thấy, khu vực nhà ga Bến Thành - ga metro trung tâm - sẽ trở thành khu vực thương mại hiện đại ngầm rất lớn. Điều này sẽ ảnh hưởng trực tiếp và rất lớn đến không gian công cộng - văn hóa - kinh tế truyền thống là chợ Bến Thành… Không gian công cộng không chỉ dành cho du lịch, mua sắm mà còn là không gian của kinh tế - văn hóa đặc trưng của đô thị, nên cần được chia sẻ về “lợi ích”, từ đó, những đóng góp chung của cộng đồng làm giàu có hơn “vốn xã hội” của không gian công cộng…”.



Theo KIM LOAN (SGGPO)

Có thể bạn quan tâm