Những người châu Âu đến Đại Việt thế kỷ 17 để lại qua sách vở nhiều thông tin về văn hóa, tín ngưỡng, lịch sử... Các vấn đề về Đông y, bốc thuốc gây kinh ngạc đối với họ cũng được ghi chép kỹ lưỡng.
Vua Lê vi hành. ẢNH: THƯ VIỆN HOÀNG GIA LUÂN ĐÔN |
Đọc tài liệu xưa viết về Đại Việt thế kỷ 17 sẽ thấy Cristoforo Borri, Alexandre de Rhodes và Joseph Tissanier dành sự khen ngợi cho Đông y cũng như các bài thuốc gia truyền của người Việt trong các bản tường trình họ để lại.
Trong cuốn Xứ Đàng Trong (Thanh Thư dịch, NXB Hà Nội), Borri nhận định: “[…] bằng kinh nghiệm cho thấy rằng một số bệnh tật mà thầy thuốc Âu châu không tìm ra cách chữa, thì lại khỏi một cách dễ dàng nhờ thầy thuốc bản địa. Đôi khi thầy thuốc của chúng tôi thấy hoang mang với một con bệnh nào đó thì liền gọi thầy thuốc trong vùng tới chữa” (tr. 94).
Chân dung Alexandre de Rhodes. ẢNH: T.L |
Còn De Rhodes,trong cuốn Hành trình và truyền giáo (Nguyễn Khắc Xuyên dịch, NXB Hồng Đức), viết về Đông y ở Đàng Trong: “Trong khắp xứ này, người ta rất nghiêm chỉnh và giữ rất nhiều nghi thức để đậu bằng tiến sĩ, thế mà tôi bỡ ngỡ không thấy họ nói tới tiến sĩ y khoa. […] Thế nhưng tôi đã nằm trong tay họ và mục kích điều họ muốn làm, tôi có thể nói họ chẳng thua các bác sĩ của ta và hơn nữa trong một vài môn, họ giỏi hơn ta nữa. Vẫn biết rằng nơi họ không có trường đại học để học ngành y khoa, nhưng đây là một môn cha truyền con nối. Họ có những sách thuốc riêng, không bao giờ ra khỏi gia đình, trong sách có nhiều bí quyết của kỹ thuật họ không bao giờ truyền cho ai cả” (tr. 192). Trong cuốn du khảo của mình (Paris, 1663), Tissanier bảo rằng các thầy thuốc Đàng Ngoài chữa được các bệnh ban đỏ, động kinh, lao phổi và chứng nghễnh ngãng. Về sách thuốc của thầy thuốc bản xứ, ông chép: “Thật là kỳ lạ khi nhìn vào khoa chữa bệnh của những thầy thuốc xứ Đàng Ngoài. Với khá ít sách vở, nhưng được nghiên cứu kỹ, họ tìm được những thang thuốc chữa khỏi được những chứng bệnh mà ở châu Âu có vẻ đành chịu bó tay” (Việt Nam thế kỷ 17-18-19 qua các nguồn tư liệu phương Tây, Nguyễn Thừa Hỷ tuyển dịch, tr. 57).
Cách bắt mạch, khám bệnh và thói quen chữa bệnh của lương y ở Đại Việt cũng được Borri nhắc đến: “Khi tới gần giường bệnh nhân thì họ nghỉ ngơi một lát để lấy lại bình tĩnh sau khi đi đường. Tiếp theo họ bắt mạch cho người bệnh rất lâu với sự cẩn thận và thấu đáo…” (tr. 95) Nếu bệnh không thể chữa được, lương y bảo: “Tôi không có thuốc cho bệnh này”.
Nếu chữa được, họ sẽ nói: “Tôi có những thứ thuốc có thể cứu được, và trong bao nhiêu ngày đó thì bệnh sẽ khỏi” (tr. 95). De Rhodes thì viết: “Lương y vừa tới thăm bệnh nhân thì liền bắt mạch, và hơn một khắc đồng hồ ông chỉ làm việc này. Rồi bó buộc ông phải nói cho bệnh nhân biết căn bệnh bởi đâu, và hết các chi tiết con bệnh từ lúc nó phát sinh” (tr. 193). Tissanier kể rằng: “Họ [thầy thuốc] chỉ cần chạm tay bắt mạch mà không cần nói gì với người bệnh, và sau khi khám họ nói về bản chất và những tác động của căn bệnh” (tr. 58).
Về việc thuốc uống của một số người dân Đại Việt, Borri tả: “Thuốc họ dùng […] có vị thơm ngon như món canh […]. Người bệnh được cho uống nhiều lần trong ngày […]; và những loại thuốc này không làm rối loạn sức khỏe, trái lại chúng trợ giúp cho các hoạt động tự nhiên bài tiết chất độc ra khỏi cơ thể người bệnh một cách nhẹ nhàng” (tr. 95-96). De Rhodes viết: “Hết các lương y ở xứ này đều bốc thuốc […]. Họ cho đơn rồi dạy cách sắc cho bệnh nhân uống, […] thuốc của họ không khó uống như thuốc của ta…” (tr. 193). Tissanier bảo rằng: “Những thang thuốc được dùng phổ biến chỉ là những rễ hoặc cây cỏ chọn lọc, thường pha thêm một chút gừng để cho người ốm uống” (tr. 58).
Về giá cả và thù lao họ kể lại các chi tiết khá thú vị, Borri bảo rằng: “Họ thương lượng giá cả để hồi phục sức khỏe cho bệnh nhân và thống nhất cái giá cao nhất hoặc thấp nhất tùy theo giao ước hai bên, họ viết hẳn một văn tự công khai giá cả thỏa thuận. […] Nếu bệnh nhân hết bệnh đúng ngày như đã định thì sẽ trả số tiền thỏa thuận; nếu không khỏi thì thầy thuốc mất tiền thù lao và thang thuốc” (tr. 95). De Rhodes cũng đồng tình: “Khi lương y bắt đầu khám bệnh thì bàn ngay đến giá cả trả cho lương y, nhưng chỉ được nhận khi bệnh nhân khỏi; nếu bệnh nhân chết thì khốn cho lương y không được gì” (tr. 194). Không thấy Tissanier đề cập đến chuyện này.
Tissanier còn kể chuyện lương y điều trị hiệu quả bệnh ban đỏ ở Đại Việt - một căn bệnh rất nguy hiểm ở châu Âu lúc bấy giờ, hoặc dùng “đá rắn” hút nọc độc rắn rất hiệu nghiệm; Borri tường thuật với sự khâm phục về chuyện lương y dùng lông ngỗng gắn những mảnh sứ nhọn trích máu… Hoặc còn đó những thiếu sót khi không thấy họ đề cập đến chuyện châm cứu. Mặt khác, một số mô tả của họ thực sự đáng lưu tâm, như việc bảo mật các phương thuốc bí/gia truyền hiệu nghiệm, thực tế này phần nào đó đã ngăn cản đà phát triển của y học nói chung…
Đám tang một người quyền quý Đàng Ngoài. ẢNH: THƯ VIỆN HOÀNG GIA LUÂN ĐÔN |
Ngoài ca tụng, cũng có những nhận định, đánh giá Đông y không cao trong sự so sánh với Tây y, như Samuel Baron và Filippo Marini đã viết trong sách A Description of the Kingdom of Tonqueen (Mô tả vương quốc Đàng Ngoài) và Relation nouvelle et curieuse des Royaumes de Tunquin et de Lao (Mô tả về Đàng Ngoài và Lào). Baron cho rằng, ở Đàng Ngoài mọi cá nhân đều có thể trở thành lương y, họ học nghề thông qua việc "đọc mấy cuốn sách của người Tàu", lương y giỏi cũng có nhưng rất ít còn "lang băm hại người thì chiếm phần nhiều", bệnh hết do người bệnh tự chữa (sợ chết) hơn là do tài chẩn đoán và kê đơn của lương y. Việc trích máu, bắt mạch, giác hơi và một số phương thuốc điều trị dân gian cũng được ông nhắc đến trong sự hiếu kỳ và ngờ vực… Marini thì cho rằng, người Đàng Ngoài đa phần muốn làm lương y hết nhưng chẳng có ai là chuyên nghiệp, cách chữa bệnh và đoán bệnh khá vu vơ và thất thường, các nhà truyền giáo ở xứ này thường đau yếu (do khí hậu) nhưng không ai dám trao mình cho các lương y…
Cũng không quên lưu ý rằng không phải điều gì người nước ngoài quan sát và viết ra cũng đúng và khách quan, nhìn chung từ những tường thuật còn khiếm khuyết của họ chúng ta có được những thông tin quý giá để hiểu hơn về Đại Việt, một giai đoạn lịch sử của Việt Nam trong quá khứ.
Theo Nguyễn Quang Diệu (TNO)