Nhiều ngày qua, hàng chục hộ dân tại thôn 3, xã Tân Lập, H.Kon Rẫy (Kon Tum) lâm cảnh đứng ngồi không yên khi hàng trăm héc ta cây trồng đứng trước nguy cơ chết héo. Nguyên nhân theo người dân là do thủy điện chặn dòng.
Lúa của người dân vàng úa, khô héo do không có nước tưới. Ảnh: Đức Nhật |
Nguyên nhân chính được xác định là do sông Đăk Snghé chảy qua thôn 3 bị 2 thủy điện chặn dòng ở đầu nguồn.
Nguy cơ sạt nghiệp
Theo phản ánh của bà Doãn Thị Nhâm (thôn 3, xã Tân Lập), gia đình bà canh tác 1,3 ha lúa. Đã hơn 20 năm nay, tất cả diện tích lúa của gia đình bà đều dựa vào nguồn nước từ sông Đăk Snghé. Thế nhưng hơn 20 ngày qua, dòng nước đổ về kênh dẫn ra ruộng bỗng cạn kiệt. Hơn 1 ha lúa của gia đình bà chết héo, còn lại 3 sào thì đang có dấu hiệu vàng úa. “Theo tìm hiểu của chúng tôi, kể từ khi Nhà máy thủy điện Thượng Kon Tum chặn dòng thì kênh nước dẫn ra đồng cũng bắt đầu cạn nước. Chúng tôi cũng đã ý kiến lên UBND xã, huyện nhưng vẫn chưa được giải quyết, nông dân vẫn không có nước tưới tiêu, ruộng lúa của bà con nguy cơ mất trắng”, bà Nhâm bức xúc.
Không chỉ có diện tích lúa bị ảnh hưởng, hàng trăm héc ta cà phê, hoa màu của người dân thôn 3 cũng đang héo rũ vì thiếu nước tưới. Ông Đặng Văn Thương cho biết gia đình ông có 6 ha cà phê, trong đó 1 ha cà phê mới trồng năm ngoái vừa bén rễ, nhưng do thiếu nước đã chết khô. 5 ha cà phê đang vào độ thu hoạch cũng đang héo rũ. “Gia đình tôi vay hơn 700 triệu đồng để đầu tư vào vườn cà phê này. Với tình cảnh ruộng rẫy chết khô kiểu này, bà con đối mặt nguy cơ sạt nghiệp vì không biết lấy đâu ra tiền trả nợ ngân hàng. Chỉ mong các cấp chính quyền yêu cầu các thủy điện xả nước để cứu người dân”, ông Thương lo lắng.
Ông Nguyễn Văn Nam, trưởng thôn 3, cho biết trên sông Đăk Snghé có 2 nhà máy thủy điện là thủy điện Thượng Kon Tum ở thượng nguồn (xã Đăk Kôi, H.Kon Rẫy) và thủy điện Đăk Ne (xã Tân Lập). Trong đó thủy điện Đăk Ne đã hoàn thành và đi vào hoạt động từ nhiều năm nay nhưng vẫn đảm bảo nước tưới cho người dân. Việc thiếu nước tưới của bà con chỉ bắt đầu khi thủy điện Thượng Kon Tum tích nước. Điều này khiến đập chứa của thủy điện Đăk Ne không đủ nước để xả xuống cho bà con sản xuất.
Cà phê trồng năm thứ 2 của gia đình ông Thương chết khô. Ảnh: Đức Nhật |
Ông Nam cho biết đến thời điểm này cây công nghiệp bị khô héo, chết cháy khoảng 100 ha; cây hoa màu, lúa cũng đang bị thiếu nước nghiêm trọng. Nếu tình trạng này tiếp tục diễn ra thì thiệt hại về kinh tế đối với bà con vô cùng lớn.
Thủy điện đổ lỗi cho nhau
Trao đổi với Thanh Niên, ông Lê Thanh, Phó ban Quản lý dự án Công ty thủy điện Vĩnh Sơn - Sông Hinh (đơn vị chủ quản Nhà máy thủy điện Thượng Kon Tum), cho hay thủy điện Đăk Ne là đơn vị chịu trách nhiệm về việc cây trồng của người dân thiếu nước tưới.
Theo ông Thanh, ngày 26.2 thủy điện Thượng Kon Tum bắt đầu chặn dòng, tích nước. Trong vòng 2 tháng nước mới lên đến mực nước chết, sau đó mới chảy xuống ống xả môi trường và trả ra dòng sông theo quy trình. “Trong thời điểm thủy điện Thượng Kon Tum tích nước, Đăk Ne phải thường xuyên xả 1,29 m3/giây ra môi trường. Tuy nhiên, đơn vị này không thực hiện xả. Lỗi tại Đăk Ne chứ không phải tại thủy điện Thượng Kon Tum”, ông Thanh nói.
Còn ông Hồ Thanh Tiến, Trưởng phòng Kỹ thuật, Công ty CP đầu tư năng lượng Trường Thịnh (đơn vị chủ quản Nhà máy thủy điện Đăk Ne), lại cho rằng cây trồng của người dân không đủ nước tưới là do tác động của thủy điện Thượng Kon Tum. Theo ông Tiến, khi thủy điện Thượng Kon Tum chặn dòng, tích nước thì dòng sông chính hầu như khô hạn. Trước đây lưu lượng nước chảy về thủy điện Đăk Ne từ 10 - 12 m3/giây nhưng hiện lưu lượng nước đổ về chưa tới 1 m3/giây, và nguồn nước này chủ yếu từ các con suối, khe ở trên núi chảy về.
Cơ quan chức năng nói gì ?
Ngày 18.3, ông Nguyễn Việt Cường, Chánh văn phòng UBND H.Kon Rẫy, cho biết huyện mới nhận được báo cáo của xã Tân Lập về việc đủ nước tưới cho bà con.
Trong khi các thủy điện đổ lỗi cho nhau, cây trồng của người dân vẫn đang chết dần vì thiếu nước |
Trước đó, để giải quyết vấn đề nước tưới cho người dân, ngày 12.3 UBND H.Kon Rẫy đã tổ chức cuộc họp với 2 nhà máy thủy điện. Ban đầu đại diện Nhà máy thủy điện Đăk Ne không ký vào biên bản cuộc họp. Tuy nhiên sau đó, UBND huyện tiếp tục làm việc thì thủy điện này đã chấp hành điều tiết nước cho người dân theo lịch 3 lần mỗi ngày.
Ông Cường cho biết UBND huyện đang tiếp tục giám sát việc điều tiết nước của 2 thủy điện này. Nếu lượng nước không đủ phục vụ bà con, UBND huyện sẽ báo cáo UBND tỉnh xử lý.
Ông Lê Như Nhất, Giám đốc Sở Công thương tỉnh Kon Tum, cho biết thêm khi thủy điện Thượng Kon Tum chặn dòng, tích nước đã để lại một nhánh nhỏ chảy về đập thủy điện Đăk Ne. Dòng chảy này có lưu lượng hơn 1 m3/giây, trong khi đó với lưu lượng 0,29 m3/giây là đủ lượng nước tưới cho bà con ở xã Tân Lập. Trong thời gian này, thủy điện Đăk Ne cũng tích nước một vài hôm để phát điện. Thời gian phát không trùng với thời gian lấy nước của người dân nên dẫn đến tình trạng thiếu nước.
Để đảm bảo sản xuất của người dân, Sở Công thương yêu cầu phía thủy điện Đăk Ne tạm dừng việc phát điện, ưu tiên cho mục tiêu xả nước đảm bảo đời sống người dân phía hạ lưu.
“Về nguyên tắc, nếu trong trường hợp không đủ nước phục vụ cho vùng hạ du thì thủy điện Đăk Ne phải tạm dừng. Về vấn đề này là bắt buộc”, ông Nhất nói.
Cũng theo ông Nhất, nếu trong trường hợp thủy điện Đăk Ne đã điều tiết nước, nhưng lượng nước không đủ tưới tiêu cho người dân thì thủy điện Thượng Kon Tum phải có trách nhiệm hỗ trợ, tổ chức chạy máy để đảm bảo đến thời gian xả ra môi trường. Còn nếu thủy điện Đăk Ne cố tình giữ nước để phát điện thì trách nhiệm thuộc về thủy điện Đăk Ne. Lúc này cơ quan chức năng sẽ có hình thức xử lý phù hợp. Trong khi đó, theo phản ánh của nông dân, đến ngày 18.3 tình trạng thiếu nước tưới ruộng rẫy của họ vẫn còn khan hiếm, thiếu hụt.
Theo Đức Nhật (Thanh Niên)