(GLO)- Tiếp tục chương trình giám sát Kế hoạch thực hiện “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững trong điều kiện biến đổi khí hậu, giai đoạn 2016-2020”, đoàn giám sát do bà Ayun H’Bút-Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Gia Lai làm trưởng đoàn vừa có buổi giám sát tại huyện Kông Chro.
Quang cảnh buổi giám sát tại UBND huyện Kông Chro. Ảnh: Nguyễn Diệp |
Trên cơ sở các chỉ tiêu, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội theo định hướng của tỉnh, hàng năm, UBND huyện Kông Chro ban hành quyết định, chương trình, kế hoạch chỉ đạo ngành nông nghiệp huyện phối hợp cùng các phòng, ban và các xã, thị trấn thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững trong điều kiện biến đổi khí hậu.
Theo đó, trong 5 năm (2016-2020), ngành nông nghiệp huyện Kông Chro phát triển toàn diện theo hướng nâng cao chất lượng và giá trị gia tăng khả năng cạnh tranh thích ứng với biến đổi khí hậu. Đến năm 2020, giá trị sản xuất nông nghiệp toàn huyện đạt 1.892 tỷ đồng (giá so sánh 2010) gấp 1,54 lần so với năm 2015, tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm đạt 9,1%. Tỷ trọng ngành nông nghiệp chiếm 42,5% trong cơ cấu kinh tế của huyện. Đặc biệt, phương thức sản xuất có sự chuyển biến tích cực từ khâu giống, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, từng bước sản xuất theo hướng VietGAP các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao, hình thành vùng sản xuất tập trung góp phần chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp, hình thành các chuỗi liên kết sản xuất gắn tiêu thụ nông sản nâng cao thu nhập cho người dân.
Bên cạnh những kết quả đạt được, chương trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp của huyện Kông Chro còn những hạn chế như: chưa thu hút nhiều doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp; sản xuất nông-lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao còn hạn chế, hạ tầng nông thôn chưa đồng bộ; việc chuyển dịch cơ cấu giữa các lĩnh vực chưa rõ nét, giá trị trồng trọt chiếm tỷ lệ cao so với các ngành khác. Cùng với đó, ứng dụng cơ giới hóa vào sản xuất chưa mạnh. Đặc biệt, giá các mặt hàng nông sản bấp bênh thiếu ổn định, trong khi giá vật tư nông nghiệp tăng cao đã ảnh hưởng đến thu nhập của người dân.
Nông dân xã Yang Trung thu hoạch nhãn. Ảnh: Nguyễn Diệp |
Để thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp hiệu quả, UBND huyện Kông Chro đề xuất, kiến nghị một số vấn đề như: tiếp tục có cơ chế, chính sách đầu tư vào nông nghiệp; tăng nguồn kinh phí hỗ trợ thực hiện chuyển đổi một số cây trồng kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả, dược liệu, rau hoa; đầu tư xây dựng một số công trình thủy lợi cho người dân sản xuất…
Kết luận tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Ayun H’Bút đánh giá cao những nỗ lực của huyện Kông Chro trong thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp 5 năm qua. Đồng thời, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh đề nghị, thời gian tới, huyện cần tiếp tục phát huy những lợi thế, khắc phục khó khăn để phát triển ngành nông nghiệp theo hướng bền vững.
NGUYỄN DIỆP