Văn hóa

Cổ học tinh hoa

Kông Lơng Khơng: Rộn ràng ngày hội văn hóa các dân tộc

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Ngày 1-2, UBND xã Kông Lơng Khơng (huyện Kbang, Gia Lai) tổ chức ngày hội văn hóa các dân tộc. Đây là dịp để 8 dân tộc anh em đang sinh sống trên địa bàn xã giao lưu, giới thiệu bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc mình.
Tưng bừng ngày hội đầu năm
Ngay từ sáng sớm, đông đảo nhân dân ở 9 thôn, làng trên địa bàn xã Kông Lơng Khơng đã tập trung về sân vận động của xã để chung vui ngày hội văn hóa. Dắt theo cháu đi xem hội, bà Triệu Thị Bay (62 tuổi, làng Kdâu) cho hay: “Tôi là người dân tộc Nùng, vào Kbang sinh sống được 12 năm. Hòa chung không khí ngày hội, tôi đưa cháu đến đây vui chơi và xem biểu diễn cồng chiêng”.
Phần sôi nổi nhất của ngày hội là chương trình liên hoan cồng chiêng của 10 đội chiêng đến từ các thôn, làng: Mơ Tôn, Kgiang, Mơ Hven-Ôr, Mơ Hra, Pờ Ngăl, Đáp, Kdâu, Bờ-Chư Pâu và thôn Hbang với những bài chiêng mừng xuân, mừng lúa mới... Nghệ nhân Đinh Văn Pur-Đội trưởng đội cồng chiêng làng Bờ-Chư Pâu phấn khởi nói: “Trong không khí mừng Đảng quang vinh, mừng Xuân Canh Tý, đội chiêng của làng mình biểu diễn bài chiêng “Năm giải phóng”. Bài chiêng này ra đời năm 1975, có tiết tấu rộn rã chào mừng ngày đất nước hoàn toàn giải phóng, Bắc-Nam sum họp một nhà”.
 Một tiết mục biểu diễn cồng chiêng tại ngày hội. Ảnh: N.M
Một tiết mục biểu diễn cồng chiêng tại ngày hội. Ảnh: N.M
Đến với ngày hội, người dân và du khách không chỉ mãn nhãn với những điệu xoang uyển chuyển, tiếng cồng chiêng giục giã mà còn được hòa mình vào không khí sôi động của các trò chơi dân gian như: nhảy bao bố, bịt mắt bắt vịt, đi cà kheo, kéo co, đẩy gậy… Tại ngày hội còn có các gian hàng trưng bày, giới thiệu những sản phẩm nông nghiệp của chính người dân nơi đây sản xuất cùng các món ăn truyền thống gồm: cơm lam, gà nướng, bánh tẻ, bánh tro… Chị Hoàng Thị Lan (thôn Hbang) hồi hởi: “Ngày hội được tổ chức quy mô và hoành tráng với nhiều hoạt động văn hóa phong phú, tạo không khí hứng khởi cho người dân trong những ngày đầu năm mới”.
Được tổ chức vào chiều muộn, chương trình giao lưu văn nghệ với chủ đề “90 năm Ngày thành lập Đảng” cùng các tiết mục ca múa nhạc ngợi ca tình yêu quê hương đất nước, mừng Đảng quang vinh, mừng quê hương đổi mới một lần nữa đã giúp các dân tộc anh em trên địa bàn xích lại gần nhau, tình cảm cộng đồng thêm gắn kết.
Đoàn kết xây dựng quê hương đẹp giàu
Ông Nguyễn Văn Bắc-Chủ tịch UBND xã Kông Lơng Khơng-cho biết: Trên địa bàn xã, dân tộc Bahnar chiếm đa số, còn lại là các dân tộc Kinh, Tày, Nùng, Thổ, Thái, Hrê và Mường. Thời gian qua, bên cạnh gìn giữ, bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống đặc trưng của dân tộc mình, đồng bào các dân tộc luôn nêu cao tinh thần đoàn kết, ra sức chung tay xây dựng Kông Lơng Khơng nói riêng và Kbang nói chung ngày càng giàu đẹp.
Song hành cùng các hoạt động văn hóa, các gian hàng trưng bày, giới thiệu các mặt hàng nông sản, bánh trái góp phầm làm đa dạng, phong phú, đủ đầy các sắc màu văn hóa. Ảnh: Ngọc Minh
Song hành cùng các hoạt động văn hóa, các gian hàng trưng bày, giới thiệu các mặt hàng nông sản, bánh trái góp phầm làm đa dạng, phong phú, đủ đầy các sắc màu văn hóa. Ảnh: Ngọc Minh
Tại làng Kdâu hiện có 4 dân tộc Tày, Nùng, Bahnar và Kinh sinh sống hòa thuận. Bà Cam Thị Ngọc-Trưởng thôn Kdâu-chia sẻ: Kdâu hiện có 61 hộ, 256 nhân khẩu, chiếm đa số là dân tộc Nùng, Tày. Năm 2018, Kdâu được xã Kông Lơng Khơng chọn làm điểm xây dựng làng nông thôn mới. Được sự quan tâm đầu tư của các cấp ủy, chính quyền địa phương và nhờ sự đoàn kết chung tay của người dân, đến nay Kdâu đã hoàn thành 19/19 tiêu chí, đang chờ công nhận làng nông thôn mới. Nói thêm về ngày hội văn hóa các dân tộc trên địa bàn, bà Ngọc cho hay: “Những năm qua, khi làng, xã tổ chức bất cứ hoạt động lễ hội nào thì người dân trong làng đều hăng hái tham gia, góp vui bằng các tiết mục ca hát, các trò chơi dân gian đặc trưng như múa sạp, đi cà kheo, kéo co…, góp phần làm đa dạng các hoạt động văn hóa, thể dục-thể thao của địa phương”.
Còn ông Đinh Mai Lê-Trưởng làng Mơ Hven-Ôr bộc bạch: Sau khi sáp nhập, làng Mơ Hven-Ôr có 3 dân tộc anh em cùng sinh sống là Bahnar, Kinh và Tày. Nêu cao tinh thần đoàn kết, người dân trong làng luôn bảo ban, giúp đỡ nhau trong việc gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc và phát triển kinh tế, từng bước xây dựng thôn làng ngày càng khang trang; tích cực tham gia các hoạt động giao lưu văn hóa-văn nghệ do xã, huyện tổ chức.
Chủ tịch UBND xã Kông Lơng Khơng thông tin thêm: “Hàng năm, xã tổ chức ngày hội văn hóa các dân tộc nhằm gìn giữ và bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống; tạo sân chơi lành mạnh, thể hiện tinh thần đoàn kết dân tộc, động viên các tầng lớp nhân dân ra sức thi đua lao động, sản xuất. Đồng thời, đây cũng là dịp quảng bá, giới thiệu những nét văn hóa truyền thống và phong tục tập quán của đồng bào địa phương đến du khách, qua đó cụ thể hóa việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống gắn với phát triển du lịch”. 
 NGỌC MINH

Có thể bạn quan tâm