Xã hội

Gia đình

Kpă Quang: Đưa dân làng vượt qua hủ tục

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Ở Plei Amăng (thị trấn Phú Thiện), mọi người vẫn thường nhắc đến ông Kpă Quang-Phó Chủ tịch UBND thị trấn kiêm Bí thư Chi bộ thôn với những câu chuyện về “cuộc chiến” đẩy lùi hủ tục. Là người con của Plei Amăng, ông Quang đã phải đứng giữa pháp luật và luật tục để vận động dân làng xóa bỏ hủ tục, xây dựng nếp sống văn minh.
“Khu nhà mồ của Plei Amăng nằm phía cuối làng. Theo phong tục của người Jrai, mỗi làng có một khu nhà mồ để chôn cất người chết. Bao đời nay, tục lệ đó vẫn luôn được duy trì. Vì thế, năm 2019, khi UBND thị trấn Phú Thiện chọn Plei Amăng triển khai thực hiện việc xóa bỏ khu nhà mồ riêng của làng nằm gần khu dân cư và tổ chức mai táng tại nghĩa trang chung của huyện thì bà con phản đối rất mạnh. Và người đứng ra giải quyết xung đột ấy chính là Kpă Quang”-già làng Plei Amăng Ksor Plơl cho hay.
Ông Kpă Quang sinh ra và lớn lên tại Plei Amăng. Năm 2003, sau khi xuất ngũ trở về địa phương, ông tham gia công tác đoàn thể ở thị trấn. Sau nhiều nỗ lực, năm 2016, ở tuổi 36, ông được bầu làm Phó Chủ tịch UBND thị trấn Phú Thiện kiêm Bí thư Chi bộ thôn Plei Amăng.
Trên cương vị này, khi UBND thị trấn chủ trương xóa bỏ khu nhà mồ riêng của làng, ông Kpă Quang phải đương đầu với một thử thách vô cùng khó khăn khi đứng giữa pháp luật của Nhà nước và luật tục lâu đời của dân tộc Jrai. Ông kể: “Khi nhận nhiệm vụ này, tôi đã rất trăn trở bởi nhận về không ít lời trách móc của dân làng. Những người phản đối đầu tiên là mẹ tôi và người già trong làng. Họ bảo tại sao tôi là người làng mà không bảo vệ luật tục?”.
Ông Kpă Quang (bìa phải) tới từng hộ dân tuyên truyền, vận động đẩy lùi hủ tục. Ảnh: Trần Dung
Chủ tịch UBND thị trấn Phú Thiện Đinh Văn Chinh: “Ông Quang là cán bộ đầy nhiệt huyết và có uy tín trong cộng đồng người Jrai trên địa bàn. Trong công tác dân vận, ông Quang luôn dùng uy tín, kinh nghiệm và tình cảm để thuyết phục, vận động. Bởi vậy, khi được chính quyền địa phương giao trách nhiệm nặng nề về việc thay đổi tập tục lạc hậu của Plei Amăng, ông Quang làm rất tốt. Từ chỗ lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của dân để kịp thời tháo gỡ những bức xúc của họ, ông Quang đã đưa Plei Amăng trở thành điểm sáng trong xây dựng nếp sống văn minh ở địa phương”.

Sau nhiều đêm mất ngủ, ông Quang nhận ra rằng, mình phải thuyết phục chính người thân của mình trước, sau đó mới nói cho dân làng hiểu và nghe theo. Xác định như vậy, một mặt, ông thường xuyên trò chuyện với mẹ, với vợ và những người uy tín trong làng về hậu quả của việc ô nhiễm nguồn nước, ô nhiễm môi trường sống, gây ảnh hưởng cho thế hệ con cháu sau này... Mặt khác, ông cùng chính quyền địa phương tích cực tuyên truyền, vận động người Jrai trên địa bàn không chôn cất người chết tại khu nhà mồ của làng. Cùng với đó, ông còn vận động người dân trồng cây xanh, góp phần xây dựng nếp sống văn minh tại địa phương.

“Bao đời nay, người làng mất thì chôn cất tại làng, không được đưa đi đâu. Khi con trai nói về việc đưa người chết ra khu nghĩa trang của huyện, tôi và mọi người trong làng rất giận. Nhưng sau khi nghe nó lý giải, tôi cũng dần hiểu ra. Sau cuộc họp làng, tôi cùng con trai tới từng nhà để nói cho mọi người hiểu. Đó là một quãng thời gian khó khăn và vất vả đối với Quang”-cụ H’Kách (80 tuổi, mẹ ông Quang) tâm sự.

Plei Amăng là làng Jrai đầu tiên trên địa bàn thị trấn Phú Thiện không còn chôn cất người chết tại khu nhà mồ của làng. Ảnh: Trần Dung
Sau những nỗ lực không mệt mỏi, cuối năm 2019, ông Quang cùng hệ thống chính trị địa phương đã vận động thành công người dân Plei Amăng đồng thuận xóa bỏ khu nhà mồ của làng, tổ chức mai táng tại nghĩa trang chung của huyện để đảm bảo vệ sinh môi trường. Plei Amăng trở thành ngôi làng đầu tiên trên địa bàn thị trấn Phú Thiện thực hiện chủ trương này. 
Già làng Plơl phấn khởi cho biết: “Trước đây, người Plei Amăng vẫn còn nhiều tục lệ như: chia của cho người chết, chôn chung, tổ chức tang ma linh đình, khi ốm đau thì gọi thầy cúng về chữa bệnh chứ không đưa tới các cơ sở y tế... Nhờ ông Quang thường xuyên tuyên truyền nên các hủ tục này đã dần được xóa bỏ”.
Không chỉ vận động dân làng đẩy lùi hủ tục, ông Quang còn dành nhiều thời gian để tuyên truyền, hướng dẫn bà con thay đổi tập quán canh tác, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp. Nhờ vậy, giờ đây, nhiều hộ ở Plei Amăng đã vươn lên thoát nghèo, có điều kiện chăm lo cho con cái học hành.
Ông Quang cho hay: “Plei Amăng có khoảng 120 hộ với gần 900 khẩu, người dân chủ yếu sản xuất nông nghiệp. Với vai trò là Bí thư Chi bộ thôn, tôi phải trực tiếp đến tìm hiểu hoàn cảnh cụ thể của từng gia đình, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng cũng như khó khăn của bà con để có biện pháp giúp đỡ. Việc gì khó, tôi đều đứng ra làm và vận động người nhà làm trước, khi thấy việc làm có hiệu quả bà con sẽ học tập làm theo. Hiện nay, thu nhập bình quân của người dân trong làng đạt 35 triệu đồng/năm. Làng cũng đã có nhiều bạn trẻ tích cực tham gia công tác xã hội ở địa phương. Điều đó khiến tôi rất vui”.
TRẦN DUNG-NGUYỄN TÚ

Có thể bạn quan tâm