(GLO)- Vùng đất Krông Pa có những cánh rừng nguyên sinh bạt ngàn; nhiều con suối, dòng thác, sông ngòi, hồ tự nhiên, hồ nhân tạo đẹp đến mê hồn. Nhưng hiện thời, vẻ đẹp hoang sơ, kỳ vĩ mà thiên nhiên hào phóng ban tặng vẫn như “nàng tiên ngủ trong rừng”.
Tôi vừa tham gia chuyến đi thực tế sáng tác kéo dài 4 ngày do Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh tổ chức tại huyện Krông Pa. Tất cả 16 người trong đoàn gồm các chuyên ngành Văn học, Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Văn hóa dân gian đều háo hức được dừng chân trước những cánh rừng già, con suối, dòng thác, lòng hồ nào đấy để thưởng ngoạn, gợi cảm xúc, tìm ý tưởng, cho ra đời những tác phẩm nghệ thuật, đáp ứng yêu cầu đặt ra của chuyến đi.
Suối Ia Yip (xã Chư Drăng). Ảnh: Đ.P |
Đoàn chúng tôi làm một chuyến tham quan hồ thủy lợi Ia Mlah. Xuất phát từ trung tâm huyện, ô tô bon bon lăn bánh trên cung đường trải nhựa phẳng phiu đến tận bờ hồ. Buôn làng nhà sàn truyền thống, nhà mới xây đan xen dọc hai bên đường loang loáng lướt qua ô cửa kính. Đã vào mùa khô mà mực nước lòng hồ hãy còn cao lắm. Chớm trưa ngày lặng gió, đi dọc bờ đập, phóng xa tầm mắt mặt hồ xanh trải mênh mông lăn tăn sóng gợn. Không xa, cồn đất rộng rợp tán cây rừng có mấy chiếc thuyền câu neo đậu. Chúng tôi thầm ước, giá như được ngồi trên chiếc du thuyền dạo quanh hồ tận hưởng hơi gió mát lành, thu vào tầm mắt núi xa núi gần, hòn cao hòn thấp. Ghé chân bãi vắng hoang sơ lấy phiến đá làm giường, tán cây rừng làm mái ngả lưng đón giấc trưa nồng. Quây quần bên nhau nơi cồn đất rộng nướng con cá hồ ăn ghém lá rừng, chấm muối kiến vàng, muối lá é. Rồi lại hình dung, được nghỉ qua đêm ở gian nhà sàn nằm dọc mương thủy lợi dưới chân bờ tràn, lấy chiếu cói lót lưng, mùng thưa tránh muỗi, gió trời quạt mát, côn trùng ru giấc, tiếng nước chảy làm đàn, lơ mơ ngủ cùng chim trời gọi đàn về tổ. Khi tỉnh giấc lại cùng tiếng chim hoan ca đón ánh mặt trời… Nơi ấy trút phiền, tìm vui!
Tiếp đó, chúng tôi chọn suối Ia Yip (xã Chư Drăng) làm điểm đến. Chiếc ô tô đặc dụng của Trung tâm Văn hóa-Thông tin và Thể thao chia sớt bớt người, cùng chúng tôi về buôn Ia Yip. Mất gần 1 giờ trải nghiệm trên con đường đất hẹp gập ghềnh, chao xóc, bụi mù cuốn theo chân, đoàn đến được trụ sở Ban Quản lý Rừng phòng hộ Nam Sông Ba. Nhóm thanh niên 6 người làm việc ở đây lại đèo giúp chúng tôi trên 6 chiếc xe máy để tiếp tục đoạn đường hẹp hơn, gập ghềnh hơn nữa, có chỗ tưởng chừng không thể đi được. Khi gặp một con suối cắt ngang, mọi người xuống đi bộ qua những cung đường chỉ vừa 1 người đi, lởm chởm đá dăm, cua gấp ngoặt, xuống dốc rồi lại ngược chẳng khác phim hành động. Sau 15 phút, chúng tôi đến được nơi cần đến.
Suối Ia Yip dài hơn 3 km, bắt nguồn từ dãy Chư But. Lòng suối khá rộng, lọt thỏm giữa hai bên là rừng. Nước suối còn nhiều cuộn chảy thành dòng lớn lách mình qua những phiến đá to đá nhỏ xếp nối, dựng lô nhô. Gặp quãng rộng, nước lặng như hồ, rồi đổ xuôi thành dòng thác nhỏ. Men theo cánh rừng ngược, suối hẹp dần, chảy xiết, đá dựng cao hơn, trập trùng chênh vênh. Nếu đi một mình, yếu bóng vía, bạn có cảm giác liêu trai hơn là tiên cảnh! Chúng tôi bày bữa trưa trên phiến đá rộng, rợp bóng cây, bên hồ nước lặng. Muối kiến vàng được chế biến tại chỗ, trở thành thức chấm được mọi người “chấm” hơn cả. Thấm mệt. Quá trưa dạ cồn. Bữa trưa vui, ngon và thú vị!
Được biết, thác Ia Yip chưa phải là “đệ nhất danh thắng” thuộc quần thể du lịch sinh thái của huyện Krông Pa. Đây cũng là điểm đến ít cách trở hơn so với thác nước Ea Tral, thác nước Ia Drip... Nhưng giao thông còn khó khăn, cách trở là lý do khiến những thắng cảnh này được ví như “nàng tiên ngủ trong rừng”. Bà Trịnh Thị Thu-Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa-Thông tin và Thể thao huyện Krông Pa-cho hay: “Lãnh đạo huyện đã có chủ trương kêu gọi đầu tư phát triển du lịch sinh thái ở những danh thắng tự nhiên và cả danh thắng được bàn tay con người tôn tạo, như hồ Ia Mlah chẳng hạn. Hy vọng, trong tương lai không xa sẽ có doanh nghiệp đến đầu tư, khai thác tiềm năng này, góp phần xây dựng huyện nhà ngày càng phát triển”.
ĐÌNH PHÊ