Chính trị

Tin tức

Xây dựng Đảng

Krông Pa: Hệ thống chính trị cơ sở tinh gọn, hoạt động hiệu quả

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Sau hơn 2 năm triển khai chủ trương sắp xếp và sáp nhập, huyện Krông Pa (tỉnh Gia Lai) giảm được 54 thôn, buôn, tổ dân phố. Theo đó, hệ thống chính trị cơ sở trở nên tinh gọn, hoạt động hiệu quả và tiết kiệm được nguồn ngân sách nhà nước.

 Một góc buôn Ma Rôk (xã Chư Gu, huyện Krông Pa). Ảnh: Lê Nam
Một góc buôn Ma Rôk (xã Chư Gu, huyện Krông Pa). Ảnh: Lê Nam

Thực hiện Nghị quyết số 137/NQ-HĐND ngày 6-12-2018 của HĐND tỉnh và Quyết định số 601/QĐ-UBND ngày 19-12-2018 của UBND tỉnh về việc phê duyệt Đề án sắp xếp, sáp nhập thôn, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2018-2021, UBND huyện Krông Pa chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan và giao UBND các xã, thị trấn phối hợp với Mặt trận, đoàn thể phổ biến chủ trương của tỉnh đến từng thôn, buôn, tổ dân phố. Nhờ đó, việc sáp nhập thôn, buôn, tổ dân phố nhận được sự đồng thuận cao trong Nhân dân. Trước khi sáp nhập, toàn huyện có 131 thôn, buôn, tổ dân phố. Sau khi thực hiện Đề án, huyện đã giảm 54 thôn, buôn, tổ dân phố.

Xã Phú Cần có diện tích tự nhiên 2.560 ha với 1.470 hộ (hơn 60% là đồng bào Jrai) sinh sống tại 8 thôn, buôn. Sau khi thực hiện chủ trương này, toàn xã còn 6 thôn, buôn gồm: buôn Bluk, buôn Thim, buôn Tang, buôn Mlah, thôn Thắng Lợi và thôn Hưng Hà. Cụ thể, buôn Bluk sáp nhập với thôn Bình Minh thành buôn Bluk; một phần thôn Thắng Lợi nhập với buôn Thim thành buôn Thim; phần còn lại của thôn Thắng Lợi nhập với thôn Đông Hưng thành thôn Thắng Lợi; một phần thôn Hưng Hà nhập với buôn Tang thành buôn Tang.

Ông Kpă Cường-Phó Chủ tịch UBND xã Phú Cần-chia sẻ: Người dân ở đây sống chủ yếu bằng nghề nông nên tình hình kinh tế-xã hội luôn ổn định. Sau khi sáp nhập, bộ khung cán bộ mới đều có năng lực và được người dân tín nhiệm cao. Vì vậy, hoạt động của các thôn, buôn sớm đi vào nền nếp. Việc sáp nhập không hề ảnh hưởng đến công tác quản lý, tổ chức hoạt động và triển khai nhiệm vụ của các thôn, buôn này. “Qua sáp nhập, địa phương đã giảm được số đơn vị và đội ngũ cán bộ thôn, buôn; mỗi năm tiết kiệm được khoảng 240 triệu đồng cho ngân sách nhà nước”-ông Cường thông tin thêm.

 

Người dân buôn Mlah (xã Phú Cần) sửa lại nhà văn hóa buôn. Ảnh: Lê Nam
Sữa chữa Nhà văn hóa buôn Mlah (xã Phú Cần). Ảnh: Lê Nam

Tương tự, trước khi sáp nhập, xã Chư Gu có 14 thôn, buôn. Sau khi sáp nhập, xã còn lại 6 buôn gồm: Ma Rôk, Chư Jut, Đông Thuơ, Chư Bang, Tơ Nia, Ka Tô. Cụ thể, buôn Kiến Xương, buôn Đuk, buôn Bát nhập thành buôn Chư Jut; buôn Lao và thôn 3 nhập thành buôn Ka Tô; thôn 1, thôn 2 và buôn Thuơ nhập thành buôn Đông Thuơ; thôn Tập đoàn 6, thôn Tập đoàn 8 và buôn Nung nhập thành buôn Tơ Nia; thôn Tập đoàn 7 và thôn Tập đoàn 3 nhập thành buôn Chư Bang.

Ông Nguyễn Văn Tuyên-Chủ tịch UBND xã Chư Gu-cho hay: “Trước khi sáp nhập, toàn xã có 14 thôn, buôn với tổng số cán bộ là 140 người. Sau khi sáp nhập, số cán bộ thôn, buôn giảm 80 người. Việc giảm các thôn, buôn đồng nghĩa với giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước mỗi năm gần 1 tỷ đồng”.

Trao đổi với P.V, ông Lê Văn Hoàng-Trưởng phòng Nội vụ huyện Krông Pa-cho hay: Được sự quan tâm chỉ đạo quyết liệt của cấp ủy, chính quyền từ huyện đến cơ sở và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị nên việc sáp nhập thôn, buôn, tổ dân phố triển khai hiệu quả, được người dân đồng tình ủng hộ.

“Việc sáp nhập thôn, buôn, tổ dân phố đã tiết kiệm được kinh phí chi cho các chức danh và chi phí cho hoạt động các tổ tự quản mỗi năm hơn 6 tỷ đồng. Bên cạnh đó, việc sáp nhập đã tăng quy mô số hộ, nhân khẩu trên địa bàn đã giúp địa phương dễ lựa chọn nhân sự cho các chức danh, góp phần nâng cao được chất lượng đội ngũ cán bộ của thôn, buôn, tổ dân phố. Đồng thời, số đảng viên trong các chi bộ, hội viên ở các đoàn thể cũng tăng lên nên việc sinh hoạt và các phong trào ở địa phương có hiệu quả hơn”-ông Hoàng thông tin thêm.  

 

 LÊ NAM

Có thể bạn quan tâm