Chính trị

Tin tức

Xây dựng Đảng

Krông Pa: Quan tâm thực hiện chính sách dân tộc

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Những năm qua, huyện Krông Pa, Gia Lai luôn chú trọng thực hiện hiệu quả các chính sách dân tộc. Nhờ đó, đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) trên địa bàn huyện không ngừng được nâng cao.
Những năm qua, huyện Krông Pa luôn chú trọng thực hiện hiệu quả các chính sách dân tộc. Nhờ đó, đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) trên địa bàn huyện không ngừng được nâng cao.
Huyện Krông Pa có 13 xã và 1 thị trấn (10 xã và 66 thôn, buôn thuộc diện đặc biệt khó khăn). Dân số toàn huyện là hơn 85 ngàn người thuộc 15 dân tộc, trong đó, đồng bào DTTS chiếm trên 69,29% (chủ yếu là dân tộc Jrai). Những năm qua, việc thực hiện chính sách dân tộc luôn được các cấp ủy, chính quyền địa phương xác định là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm.
 Đào tạo nghề may cho lao động nông thôn. Ảnh: L.N
Đào tạo nghề may cho lao động nông thôn. Ảnh: L.N
Theo ông Nay Trinh-Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng Dân tộc huyện: Từ năm 2014 đến 2018, huyện đã kết hợp nhiều nguồn lực để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu, hỗ trợ phát triển sản xuất và an sinh xã hội cho vùng đồng bào DTTS. Tất cả các chính sách được huyện triển khai kịp thời, có hiệu quả, qua đó đã tạo điều kiện cho đồng bào DTTS phát huy nội lực, phát triển kinh tế gia đình, xóa đói giảm nghèo. Đến nay, 100% số xã của huyện đã có trạm y tế đáp ứng cơ bản công tác khám-chữa bệnh cho người dân; 100% xã có đường bê tông đến trung tâm và đến các thôn, buôn, đảm bảo đi lại thuận tiện quanh năm; 100% xã có điện lưới quốc gia, 99,5% số hộ dân được sử dụng điện; 100% xã có trường học kiên cố, có 1 trường dân tộc nội trú huyện với cơ sở vật chất được quan tâm đầu tư, bảo đảm đáp ứng tốt cho việc dạy và học. Giá trị văn hóa của các dân tộc được quan tâm bảo tồn và phát huy. Tỷ lệ giảm nghèo của huyện bình quân là 6,7%/năm, riêng trong đồng bào DTTS giảm 8,5%/năm.
Bên cạnh đó, huyện đã triển khai thực hiện hiệu quả nhiều chương trình, chính sách, dự án hỗ trợ trực tiếp đối với vùng DTTS, vùng đặc biệt khó khăn như: Chương trình 135, 168, chính sách cấp không thu tiền các mặt hàng phân bón, muối Iốt, giống cây trồng, vật nuôi… Cụ thể, từ năm 2014 đến nay, huyện đã cấp 1.532,7 tấn muối Iốt, 1.745,8 tấn phân bón, hơn 4 tấn giống bắp, 4,5 tấn lúa giống nguyên chủng, 1.329 con bò cái sinh sản cho người dân vùng DTTS. Huyện cũng đã cấp phát hàng triệu quyển báo, tạp chí, chuyên đề các loại nhằm góp phần tuyên truyền, phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước tới người dân.
Ông Kpă Ný (buôn Ma Nhe B, xã Đất Bằng) cho biết: “Vợ chồng tôi thuộc đối tượng bệnh binh, hàng tháng được hưởng trợ cấp mỗi người hơn 3 triệu đồng. Trước đây, cuộc sống của gia đình cũng rất khó khăn do không có đất sản xuất, con cái đông. Nhờ sự quan tâm của Nhà nước, sự hỗ trợ của chính quyền địa phương và nỗ lực của gia đình nên cuộc sống đã dần ổn định. Trong các ngày lễ, Tết, chính quyền địa phương thường xuyên thăm hỏi, động viên vợ chồng tôi”.
Công tác định canh định cư cũng luôn được chính quyền huyện quan tâm. Từ năm 2014 đến nay, huyện đã hỗ trợ định canh định cư cho 1.420 hộ với tổng kinh phí hơn 9,9 tỷ đồng. Tuy nhiên, tình hình dân di cư tự do trên địa bàn vẫn còn diễn ra phức tạp. Huyện đã nhiều lần thành lập đoàn kiểm tra liên ngành để tiến hành kiểm tra tình hình di dân tự do, phát rừng làm rẫy và phối hợp với các huyện của tỉnh Đak Lak, Phú Yên thực hiện công tác tuyên truyền, vận động, giải tỏa 87 hộ/160 khẩu di cư tự do đến địa bàn huyện trở về nơi ở cũ làm ăn, ổn định cuộc sống lâu dài.
Lực lượng cán bộ, công chức xã Phú Cần giúp người dân di dời chuồng gia súc. Ảnh: Lê Nam
Lực lượng cán bộ, công chức xã Phú Cần giúp người dân di dời chuồng gia súc. Ảnh: Lê Nam
Ông Kpă Ngun-Phó Chủ tịch UBND huyện Krông Pa-cho biết: Mặc dù gặp nhiều khó khăn song với sự đoàn kết, nỗ lực của các cấp, các ngành và tinh thần tự lực tự cường của đồng bào các dân tộc, huyện Krông Pa đã hoàn thành các chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội. Huyện đã triển khai thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ đồng bào DTTS và vùng DTTS. Công tác giáo dục-đào tạo tiếp tục phát triển cả về chất và lượng; công tác y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân, văn hóa-thông tin, thể dục-thể thao được chú trọng. Công tác đào tạo và sử dụng cán bộ người DTTS cũng được quan tâm thực hiện. Đi đôi với kết quả việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, hỗ trợ phát triển sản xuất, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trong vùng đồng bào DTTS đã được duy trì ổn định; hệ thống chính trị ở cơ sở từng bước được củng cố, kiện toàn…
“Tuy nhiên, đời sống của đồng bào DTTS trên địa bàn huyện vẫn còn khó khăn do nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước còn hạn chế. Thời tiết diễn biến phức tạp, giá cả các mặt hàng nông sản bấp bênh cũng đã ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất và đời sống của người dân. Công tác khuyến nông, khuyến lâm, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào trồng trọt và chăn nuôi còn chậm. Vẫn còn một bộ phận không nhỏ đồng bào DTTS có tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự đầu tư hỗ trợ của Nhà nước, thiếu ý chí phấn đấu vượt khó vươn lên, chưa chủ động tổ chức sản xuất, kinh doanh để tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống. Một số tập tục lạc hậu tại địa bàn chưa được xóa bỏ như tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Tình trạng cho vay tiền, hàng hóa lãi suất cao vẫn còn phổ biến và diễn biến phức tạp trong vùng đồng bào DTTS. Do đó, huyện sẽ tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả các chính sách dân tộc trong thời gian tới để nâng cao hơn nữa đời sống của đồng bào DTTS trên địa bàn”-ông Kpă Ngun chia sẻ.
LÊ NAM

Có thể bạn quan tâm