Hơn một năm sau những ngày giông bão Formosa, bà con ngư dân dọc miền chân sóng 16 xã, thị trấn ở 4 huyện Vĩnh Linh, Gio Linh, Triệu Phong, Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị vẫn đang đối diện với không ít khó khăn. Song bằng những hỗ trợ to lớn của Chính phủ, các cấp chính quyền, cùng sự chịu thương chịu khó gồng mình bắt nhịp với sinh kế mới của người dân nên đời sống vùng biển bãi ngang đang được cải thiện với những tín hiệu vui.
Chúng tôi về biển bãi ngang Vĩnh Thái (huyện Vĩnh Linh) một ngày cuối năm Đinh Dậu. Vào thôn Mạch Nước, ngồi ở sân nhà, đang vá lại vàng lưới rê sau một chuyến ra khơi, ông Trần Văn Đồng, 62 tuổi, bảo chuyến ra khơi vừa rồi ông và 3 bạn thuyền kiếm được mỗi người hơn 5 triệu đồng, sau 1 ngày đêm đánh bắt cá tôm trên vùng biển đảo Cồn Cỏ...
Một góc làng biển Cửa Tùng. |
Khó ló khôn
Chúng tôi hỏi ông Đồng, biển dạo này thế nào ạ? Ông cười rạng rỡ, khá hơn nhiều rồi! Các loài cá, ốc, ghẹ sống ở tầng đáy đã xuất hiện nhiều trở lại. Ở tầng nước nổi, xa bờ từ 20 hải lý trở ra, cá tôm đã phong phú trở lại. Theo ông Đồng, hiện tại khó khăn vẫn còn nhiều, do xuất phát điểm của bà con ngư dân Vĩnh Thái thấp, cộng với biển bãi ngang tàu thuyền lớn không thể vào bờ. Song “trong cái khó… ló cái khôn”, bà con ở đây chuyển từ đánh bắt tầng đáy sang tầng nước nổi. Để làm được điều đó, bà con mua sắm mới ngư lưới cụ phù hợp với điều kiện đánh bắt mới, và đầu tư nâng cấp tàu thuyền với công suất lớn hơn trước vài mã lực để có thể vươn khơi xa hơn đảm bảo được việc đánh bắt của mình, nhưng đồng thời cập bờ một cách an toàn thuận lợi.
Ở trụ sở UBND xã Vĩnh Thái, Phó Chủ tịch Nguyễn Quang Thọ cho biết thêm “bí quyết” khắc phục khó khăn do sự cố môi trường biển ở địa phương. Ông nói, sau khi biển bị ô nhiễm, cá tôm chết nổi trắng mặt nước, bà con rơi vào tình trạng khó khăn, gần như bế tắc. Được sự chỉ đạo kịp thời của Chính phủ, Đảng bộ, chính quyền địa phương cùng với sự đoàn kết, chịu thương chịu khó, cố gắng khắc phục khó khăn của bà con nhân dân, người dân xã Vĩnh Thái đã nhanh chóng tìm được hướng đi mới, thích hợp cho mình. Trong đó, đáng chú ý là việc cải hoán, đóng mới tàu thuyền có công suất lớn hơn trước, đủ sức vươn khơi tầm 20 hải lý trở ra đến 50 hải lý để đánh bắt thủy hải sản ở tầng nước nổi. Hợp đồng với các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, trồng cây dược liệu trên cát như cây sả và cây dứa nguyên liệu. Đầu tư, xây dựng và phát triển các mô hình trang trại tổng hợp, như chăn nuôi vịt biển, gà và lợn, bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế khá cao.
Những au mực tươi lấp lánh ánh biển khơi. |
Quảng Trị có 16 xã, thị trấn vùng ven biển với hơn 8.000 hộ/44.045 nhân khẩu/2.829 tàu thuyền bị ảnh hưởng nặng nề do sự cố môi trường biển. Ông Hà Sĩ Đồng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị phấn khởi rằng, việc chi trả tiền bồi thường biển cho bà con ngư dân vùng bị ảnh hưởng ở địa phương diễn ra nghiêm túc, đúng với thực tế và đối tượng được đền bù, nên bà con được tiếp sức kịp thời. Ngư dân có điều kiện cải hoán, đóng mới tàu thuyền để tiếp tục vươn khơi, bám biển, chú trọng việc đánh bắt thủy sản ở tầng nước nổi, mang lại kết quả rất khả quan. Cùng với đó người dân đầu tư, xây dựng và phát triển các mô hình trang trại nuôi trồng tổng hợp trên cát, như mô hình nuôi cá nước ngọt; chăn nuôi gia súc, gia cầm và trồng cây sả dược liệu ở các xã vùng biển huyện Hải Lăng và Vĩnh Linh. “Hỗ trợ 16 xã, thị trấn vùng biển bị ảnh hưởng sự cố môi trường biển với mỗi xã, thị trấn 300 triệu đồng để xây dựng mô hình chuyển đổi sinh kế cho người dân…”, ông Đồng nói.
Để mục sở thị kết quả đạt được của những mô hình phát triển cây trồng, vật nuôi như trồng đậu xanh, ném, cỏ nuôi bò, cây sả dược liệu, dứa nguyên liệu, nuôi gà, vịt biển, cá nước ngọt, dê, lợn rừng… như lời Phó Chủ tịch Đồng, chúng tôi theo chân Trưởng phòng NN-PTNT huyện Vĩnh Linh Lê Tiến Dũng tham quan, tìm hiểu ở các xã biển bãi ngang Vĩnh Thái, Vĩnh Thạch, Vĩnh Giang. Các trang trại này nhìn chung đều phát triển rất tốt, đặc biệt ở Vĩnh Thái, nổi lên có trang trại của gia đình anh Nguyễn Hữu Giáp ở thôn Thái Lai, xã Vĩnh Thái. Trang trại với hàng trăm con dê, lợn rừng và vịt biển. Anh Giáp bảo, sau sự cố môi trường biển, anh được chính quyền, ngành chức năng địa phương tạo điều kiện tiếp cận, vay nguồn vốn với mức lãi suất ưu đãi, qua đó đã đầu tư xây dựng và phát triển trang trại kể trên. Sau khi chăn nuôi 6 tháng, anh đã xuất bán 1 đợt dê, 1 đợt lợn rừng và 2 đợt vịt biển, thu lãi ròng trên 120 triệu đồng.
"Lộc biển" về từ khơi xa
Chúng tôi đến cảng cá Cửa Tùng ở thị trấn Cửa Tùng, huyện Vĩnh Linh. Nơi đây tấp nập thuyền cá trở về sau một ngày đêm đánh bắt thủy sản trên vùng biển quê hương. Ông Ngô Văn Hải, ở khu phố An Hòa 2, thị trấn Cửa Tùng bảo, khoảng 2 tháng lại đây, buổi sáng và buổi chiều hàng ngày có khoảng 30 thuyền cá gần bờ trở về cập bến. Thủy sản đánh bắt được chủ yếu cá hố, cá nục và mực các loại. Sau khi trừ mọi chi phí, mỗi thuyền cá với 5 lao động lãi ròng từ 12 đến 15 triệu đồng. Còn tàu cá công suất lớn, đánh bắt xa bờ, bà con đi chừng 1 đến 2 tháng mới trở về, lượng thủy sản đánh bắt được hàng tấn mỗi tàu, thu lãi ròng 200-300 triệu đồng/tàu...
Cải hoán, đóng mới tàu thuyền ở biển Cửa Việt. |
Tầm 3 giờ chiều, chợ cá Cửa Tùng bắt đầu hoạt động. Chị Nguyễn Thị Hồng Nhạn, ở khu phố An Hòa 1, thị trấn Cửa Tùng, chủ hàng cá ở đầu chợ nở nụ cười tươi: “Cá chồng tui và các bạn thuyền mới cập bờ, mang lên đây, tươi và ngon lắm! Anh không mua ngay lúc sau sẽ hết đó”. Hỏi việc đánh bắt thế nào? Chị Nhạn lại cười: “Thuyền lớn 900 mã lực, đi gần 2 tháng nay với hơn 30 bạn thuyền. Tui bán chừng ni, chỉ là 1/10 số lượng cá ngừ và cá thu đánh bắt được, số còn lại bán sỉ cho các thương lái thu mua tại tàu”.
Tại cảng cá Cửa Việt ở thị trấn Cửa Việt, huyện Gio Linh những ngày này còn tấp nập tàu thuyền, người mua kẻ bán thủy sản hơn cả cảng cá Cửa Tùng. Ngư dân Hoàng Sĩ Tiến, ở khu phố 5, thị trấn Cửa Việt, khi được hỏi chuyện ra khơi sau sự cố môi trường biển, cười sang sảng trong gió chiều và sóng biển cuốn tung bọt trắng xóa: “Cá tôm vẫn đầy ắp biển cả, chỉ chịu khó vươn khơi tới những ngư trường xa, chỗ nào cũng có, tha hồ đánh bắt!”. Rồi ông khoe: “Sau lần tàu ông Lê Văn Tuấn, ở thôn Xuân Lộc, xã Gio Việt (Gio Linh) đánh bắt được hơn 100 tấn cá bè quỵt, bán được hơn 5 tỷ đồng, tàu của tui 1 tuần sau đó cũng đánh bắt được hơn 20 tấn thủy sản các loại, bán được gần tỷ đồng”.
Phó Chủ tịch tỉnh Hà Sĩ Đồng nói, năm 2017 và sang năm 2018 này Quảng Trị tiếp tục đẩy mạnh đào tạo chuyển đổi nghề cho ngư dân kết hợp với ổn định và phát triển nuôi trồng, khai thác thủy sản và dịch vụ hậu cần nghề cá, động viên ngư dân tiếp tục vươn khơi bám biển phục vụ sản xuất và bảo vệ chủ quyền biển đảo quê hương. Mục tiêu, đến năm 2020 sẽ chuyển đổi được 50% tàu thuyền khai thác công suất từ dưới 20CV lên công suất trên 90CV và đóng mới 100 tàu cá có công suất 90CV trở lên được đảm bảo khai thác trung và xa bờ. Tiếp tục tạo điều kiện cho bà con ngư dân được tiếp cận, vay vốn có mức lãi suất thấp để đóng mới tàu thuyền, đặc biệt là tàu trên dưới 1.000CV, để đẩy mạnh phát triển kinh tế biển.
Hữu Thành - Sĩ Việt/tienphong