Phóng sự - Ký sự

Chống “diễn biến hòa bình” trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Kỳ 1: Phân bố lại dân cư, lao động để phát triển kinh tế-xã hội

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Ngay từ khi mới ra đời và trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta luôn xác định vấn đề dân tộc, công tác dân tộc và đoàn kết các dân tộc có vị trí chiến lược quan trọng trong cách mạng nước ta và đã đề ra đường lối, chủ trương, chính sách dân tộc với nguyên tắc nhất quán: Các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tương trợ nhau cùng phát triển. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, các dân tộc ở Việt Nam được làm chủ vận mệnh của mình trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Ở Gia Lai, cấp ủy và chính quyền trong suốt quá trình lãnh đạo, chỉ đạo trong công cuộc đấu tranh chống giặc ngoại xâm và xây dựng, bảo vệ quê hương, đất nước luôn quán triệt và tổ chức thực hiện nghiêm túc đường lối, chính sách đó.

Gia Lai có diện tích tự nhiên trên 15.510 km2, đứng thứ 2 cả nước, sau Nghệ An; biên giới giáp với tỉnh Ratanakiri (Vương quốc Campuchia) dài 80,485 km; dân số gần 1,6 triệu người, trong đó, các dân tộc thiểu số (DTTS) chiếm 44%, còn lại là người Kinh. Điều kiện về tự nhiên, kinh tế-xã hội, quốc phòng-an ninh có những đặc điểm khác biệt so với những địa phương khác, nhất là vấn đề dân tộc. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 36 dân tộc anh em chung sống, trong đó có 2 dân tộc thiểu số định cư từ rất lâu đời là người Jrai và Bahnar.

2 dân tộc Jrai và Bahnar vốn từ xa xưa có tập quán sống theo từng nhóm, làng, buôn, về sau hình thành những “liên minh” làng, những “liên minh” này là những tổ chức xã hội sơ khai, là cơ sở ban đầu hình thành các tầng lớp trong xã hội cổ truyền của người Jrai và Bahnar, các “liên minh” còn là một cách tập hợp sức mạnh để phòng-chống thú dữ, chống cướp bóc, bảo vệ buôn làng và đủ sức để khai phá, mở rộng “lãnh thổ” cư trú và sản xuất, tăng gia... Trong thời kỳ thực dân Pháp đô hộ, đời sống sản xuất của người dân chỉ dựa vào thiên nhiên, phát-đốt-chọc-trỉa, du canh du cư, tự sản tự tiêu; vì vậy thường xuyên bị đói, lạt, bệnh tật hoành hành.

Trải qua các cuộc kháng chiến chống xâm lược, đồng bào dân tộc Jrai, Bahnar được sự giác ngộ của cách mạng, đã kề vai sát cánh cùng các dân tộc anh em chống kẻ thù chung. Nói lên đặc điểm này để chúng ta có sự nhìn nhận khách quan về vấn đề dân tộc trong việc xây dựng và bảo vệ quê hương, đất nước, chống âm mưu “diễn biến hòa bình” bằng thủ đoạn kích động biểu tình, bạo loạn lật đổ của các thế lực thù địch trong vùng đồng bào DTTS.

Dự án bố trí ổn định dân cư vùng thiên tai tại làng Kon Bông (xã Đak Rong, huyện Kbang) đã hỗ trợ đất ở, giúp hàng chục hộ dân thoát cảnh sống trong lụt lội. Ảnh: Minh Triều

Dự án bố trí ổn định dân cư vùng thiên tai tại làng Kon Bông (xã Đak Rong, huyện Kbang) đã hỗ trợ đất ở, giúp hàng chục hộ dân thoát cảnh sống trong lụt lội. Ảnh: Minh Triều

Sau ngày thống nhất đất nước (30-4-1975), cùng với việc lãnh đạo, chỉ đạo phát triển kinh tế, ổn định đời sống vật chất và tinh thần cho người dân, bảo đảm an ninh trật tự và an toàn xã hội, truy quét bọn phản động lẩn trốn cải tạo, tập hợp chống phá chính quyền cách mạng... Đảng và Nhà nước đã đề ra nhiều chủ trương, chính sách đối với vùng đồng bào DTTS và miền núi, đặc biệt là đối với vùng Tây Nguyên. Tuy nhiên, do hậu quả chiến tranh để lại, kinh tế-xã hội toàn vùng vẫn còn gặp nhiều khó khăn, trong đó có Gia Lai.

Để nhanh chóng phân bố lại lao động, dân cư, khai thác tiềm năng về mọi mặt, nhất là đất đai, rừng và nước... việc quy hoạch chung và quy hoạch ngành là cần thiết. Từ đấy, một bộ phận dân cư, lao động từ các tỉnh duyên hải miền Trung và miền Bắc được đưa lên Tây Nguyên; riêng Gia Lai, một trong các tỉnh đón nhận được một lực lượng dân cư và lao động khá sớm và khá lớn từ các nơi đến, mật độ dân số tăng lên và làm thay đổi cơ cấu dân cư trên địa bàn. Ngay những năm đầu sau ngày giải phóng, Tỉnh ủy Gia Lai chủ trương dãn dân từ các đô thị ra vùng ven và nông thôn khai phá đất đai, phục hóa ruộng đồng, tăng diện tích sản xuất nông nghiệp, nhất là gieo trồng các loại cây ngắn ngày để bổ sung lượng lương thực thiếu hụt.

Tại thời điểm đầu năm 1977, Gia Lai đã tiếp nhận 33.747 khẩu là đồng bào Kinh từ các tỉnh: Nghĩa Bình, Quảng Nam-Đà Nẵng, Hà Nam Ninh (tên các tỉnh sau khi sáp nhập), cùng với bà con tại chỗ tham gia phong trào thi đua khai hoang, phục hóa, xây dựng đồng ruộng, sản xuất lương thực thực phẩm, với 117 công trường khai hoang hình thành; trong năm 1977 đã khai hoang, phục hóa được 23.000 ha ruộng đất. Cho tới những năm sau này, chủ trương phân bố lại dân cư trên vùng Tây Nguyên nói chung và Gia Lai nói riêng tiếp tục được thực hiện. Đó là chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước, của Tỉnh ủy và chính quyền tỉnh Gia Lai.

Việc quy hoạch, phân bố lại dân cư, lao động... đã tạo ra hàng trăm cơ sở sản xuất kinh doanh mới, khai thác nhiều tiềm năng đất đai, rừng núi, sông suối... phục vụ cho sản xuất nông-lâm-công nghiệp và dịch vụ. Hàng chục nông trường, xí nghiệp hình thành cùng với hàng trăm ngàn héc ta cà phê, cao su, các loại cây nguyên liệu cho ngành công nghiệp ngắn và dài ngày xuất hiện trên vùng đất mà trước đó là vùng “đất chết” theo đúng nghĩa đen, do bom mìn của kẻ xâm lược để lại sau chiến bại phải tháo chạy; và nhiều nơi là những đồi hoang, cỏ dại, nắng bụi, mưa lầy, đầy ruồi vàng, bọ chó.

Những vùng đất ấy, nếu ngày nay có dịp chúng ta trở lại như: Chư Sê, Chư Prông, Ia Grai, Phú Thiện... sẽ tận mắt thấy sự đổi thay đến kỳ diệu. Cùng với sự phát triển kinh tế, đời sống của đại bộ phận bà con đồng bào DTTS ở những nơi này cũng ngày càng ổn định, nhiều hộ gia đình đã biết cách làm ăn “theo cách của người Kinh” mà giàu lên; tỷ lệ hộ nghèo từ gần 90% (năm 1975) còn 4,5% tính đến cuối năm 2020, riêng trong đồng bào DTTS còn 6,25% (theo Văn kiện Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Gia Lai lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2020-2025). Tình đoàn kết giữa các dân tộc anh em ngày thêm được củng cố.

Dù thất bại trong cuộc chiến xâm lược nước ta, nhưng khi “ra đi”, đế quốc Mỹ vẫn chưa chịu từ bỏ dã tâm đen tối của họ với đất nước ta. Điều đó không còn “ở trong bí mật” nữa, mà họ đã công khai trên truyền thông đại chúng, trong các tuyên bố trước cộng đồng quốc tế. Dù chúng ta đã trải qua chặng đường khó khăn và không ngắn, kiên trì, bền bỉ đấu tranh ngoại giao để đi đến bình thường hóa quan hệ giữa 2 nước Việt-Mỹ cũng đến lúc đem lại kết quả. Ngày 11-7-1995, sau 20 năm cấm vận Việt Nam, Tổng thống Mỹ Bill Clinton tuyên bố bình thường hóa quan hệ ngoại giao với Việt Nam. Cùng ngày (sáng 12-7-1995 theo giờ Việt Nam), Thủ tướng Việt Nam Võ Văn Kiệt thông báo với quốc dân, đồng bào ta về quyết định bình thường hóa quan hệ ngoại giao giữa 2 nước. Tuy nhiên, cũng trong dịp này, Tổng thống Mỹ Bill Clinton đã từng nói: “Mỹ quan hệ với Việt Nam là vì quyền lợi của Mỹ và để chuyển hóa chế độ chính trị ở Việt Nam theo kiểu Đông Âu và Liên Xô cũ” (theo Báo chí với công tác tuyên truyền, đấu tranh chống các luận điệu sai trái, Nhà xuất bản Thông tin và Truyền thông, 2010-Phùng Khắc Đăng, trang 36).

Với ý đồ thâm độc đó, các thế lực thù địch đã và đang thực hiện hàng loạt các bước đi như: ngoại giao thân thiện, chi phối đầu tư, khoét sâu mâu thuẫn nội bộ; viện trợ kinh tế cùng với những chính sách về văn hóa, xã hội, giáo dục... nhằm tiếp cận nội bộ ta, thực hiện âm mưu chiến lược “diễn biến hòa bình” trên nhiều lĩnh vực, từ chính trị, kinh tế, tư tưởng-văn hóa, xã hội, đối ngoại, quốc phòng-an ninh... đặc biệt là lĩnh vực xã hội, mà vấn đề dân tộc, tôn giáo là một trong những nội dung trọng điểm trong chiến lược chống phá cách mạng nước ta nói chung, ở Tây Nguyên, Gia Lai nói riêng.

Như trên đã nêu, sau ngày thống nhất nước nhà, Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều chính sách, chế độ ưu tiên, đãi ngộ, hỗ trợ đồng bào các DTTS vươn lên trong cuộc sống, từng bước thực hiện lời dạy của Bác Hồ lúc sinh thời là: “Đưa miền núi tiến kịp miền xuôi”-một trong những kho tàng tư tưởng của Bác, làm kim chỉ nam cho hành động trong việc đề ra chủ trương, chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước ta; nhưng trong quá trình thực hiện chủ trương đó, còn có không ít khuyết điểm, tồn tại ở một số địa phương. Kẻ thù ra sức lợi dụng những tồn tại khuyết điểm ấy, luôn tuyên truyền xuyên tạc, bóp méo sự thật, phủ nhận những thành tựu phát triển kinh tế-xã hội mà Đảng và Nhà nước ta đem lại cho đồng bào DTTS. Chúng tôi sẽ làm rõ nội dung này ở bài viết sau.

Có thể bạn quan tâm