Đến giờ đẹp, chủ nhà M. thắp hương trên ban thờ, khấn vái xong, thì nhóm thợ nhấc con hổ lòi xương ra khỏi cái tủ cấp đông loại lớn. T “Lào” bảo rằng, dù gì, hổ cũng là chúa sơn lâm, là vật thiêng của núi rừng, nên hành lễ khói hương cũng là việc nên làm.
Cả nhóm người đặt chung con hổ tập trung lại xem, ngó nghiêng bình phẩm khoe sự hiểu biết. Những người này đều có đặc điểm chung, đó là lắm tiền, háo dục và tôn sùng cao hổ như vị thuốc chúa tể của giường chiếu.
Đám thợ nấu cao gồm 4 người, đều là dân chuyên nghiệp, cùng ông chủ M lang bạt khắp nước nhiều năm qua để nấu hổ thuê. Những ngón nghề nấu cao động vật họ học được từ kinh nghiệm gia truyền nhiều đời.
Những tính năng huyền diệu của những miếng cao hổ chẳng rõ ra sao, hầu như chỉ thấy đồn đại trong dân gian, nhưng cũng tạo nên cơn sốt ngầm.
Con cọp trơ xương trong tủ đá.
Nhóm thợ nấu cao khiêng con cọp từ trong tủ đá ra sân. Những dụng cụ cần thiết cho cuộc xả thịt chúa sơn lâm đã được bày sẵn, gồm hai chiếc nồi quân dụng, mấy chiếc chậu cỡ lớn chứa đầy nước, bàn chải sắt, nạo sắt, dao kéo…
Một thợ cầm chiếc dao rựa bản to, dày cộp nặng đến vài kg sắt chặt phầm phập đến chục nhát, đầu chúa sơn lâm mới chịu rời khỏi bộ xương trơ. Chỉ nhoáng một cái, đống xương đã đâu ra đấy, mỗi người một việc, mỗi người một khúc xương cọ rửa. Mùi gây hôi rất đặc trưng của hổ tạo cảm giác ghê ghê, rờn rợn.
Theo lời anh M, xưa kia, nhóm anh làm thịt hổ sống, thì thường có màn ăn nhậu thịt hổ. Thịt hổ không ngon, nhưng biết chế biến cũng ăn tạm. Giờ toàn hổ chết, đông đá lâu ngày, có khi mang vác thời gian lâu thối rồi, nên lọc bỏ đi, không ăn nữa. Cuộc sống giờ cũng đầy đủ, nên chẳng ai thèm ăn thịt hổ.
Ông chủ M lớn giọng sai một thợ già da dẻ bóng nhẫy gân guốc lên trên nhà sàn vác một bao tải xuống. Rạch toang miệng bao, thì lộ ra cả đống xương. Nhóm này giải thích đó là xương sơn dương, xương ống khỉ, xương rùa, vài cái nhung hươu. Những thứ xương này sẽ nấu cùng cốt hổ.
Kỳ công nhất chính là công đoạn rửa xương hổ. Những người thợ miệt mài kỳ cọ từng mẩu xương. Xương ống, xương to, rỗng, họ bổ dọc, xịt nước áp lực mạnh đánh bay tủy. Khúc xương trở nên trắng tinh, không còn dính thịt dù bằng hạt cát, thì mới đạt tiêu chuẩn.
Trong lúc chờ rửa xương, ông chủ M. và nhóm “đụng hổ” ngồi uống trà, phân công nhiệm vụ canh chừng nồi cao hổ. T “Lào” ở mãi Hà Nội, nên được phân công nhiệm vụ trông nồi cao đêm đầu tiên. Và chính trong đêm đầu tiên ngồi bên nồi cao đỏ lửa, tôi đã thu thập được những kỹ nghệ nấu cao hổ và những trò lừa khó tin trong giới nấu cao.
Bộ xương hổ.
Bí mật của những bộ xương
Ở đất tây bắc này, tiếng tăm của anh M lừng lẫy trong nghề nấu cao. Tài thẩm định xương hổ thì là bậc thầy. Chỉ một cái liếc mắt, anh có thể xác định xương hổ thật hay giả, xương của hổ nuôi trong chuồng hay hổ hoang dã. Thậm chí, có thể biết được hổ Đông Dương hay hổ Siberi của Nga.
“Làm thế nào để phân biệt được xương hổ thật và giả?” – tôi hỏi. Theo anh ta, xương hổ đanh như gỗ lim, dằn xuống đất nghe tiếng “bịch”. Tất nhiên, phải là người tinh tường về nghề mới nghe được cái tiếng "bịch" đó.
Việc đầu tiên trong quá trình thẩm định xương hổ là phải xem thông cân và xương bả. Thông cân là cái lỗ nhỏ ở chân trước, chỉ có gấu, hổ và báo mới có. Song thông cân của gấu thì tròn, còn của hổ thì cong cong như mắt phượng nên gọi là phượng nhãn. Xương bả cọp có hình cánh buồm, xương bả các loài khác có hình vuông. Hổ chết trong rừng lâu ngày xương trắng bợt, ngâm nước một lát thì bị ải. Hổ săn bắn thì xương dính liền nhau, có màu trắng ngà.
Sọ hổ có trọng lượng bằng 1/7 bộ xương.
Muốn thẩm định chính xác nhất đâu là xương hổ thật, đâu là xương hổ giả, phải kiểm tra trọng lượng của xương sọ. Toàn bộ xương cốt cọp nặng bảy phần thì xương đầu chiếm đúng một phần, không xê xích lạng nào… Nếu đạt được tất cả những tiêu chuẩn trên, thì có thể đó là một bộ xương hổ xịn.
Tuy nhiên, những tiêu chuẩn đem ra chỉ để bịp người thiếu hiểu biết. Với đám lừa đảo, thì chúng dễ dàng biết cách biến những bộ xương khác thành xương hổ với những tiêu chuẩn như trên.
Ông chủ nhà M. nhấp chén trà, chậm rãi phân tích: “Nhiều tay nấu cao lõi đời rồi, nhưng lơ là một tý vẫn mua phải xương đểu như chơi. Xương hổ đắt như vàng nên chúng nó làm giả nhiều lắm. Mà công nghệ chế tác xương hổ giả thì ngày càng tinh vi. Những khúc xương trâu, xương chó béc giê loại già… qua hàng loạt thao tác tinh xảo, tỉ mẩn: đục, mài, cạo, giũa…, bọn lái xương sẽ phục dựng nguyên hình một bộ xương hổ với đầy đủ nhãn phượng, xương bả hình cánh buồm, răng không thiếu một chiếc cho khách chấm”.
Xương hổ làm sạch.
Đưa hổ về Việt Nam
T “Lào” tuy buôn nhiều loại động vật từ Lào về Hà Nội, nhưng về hổ thì vẫn không qua được anh M, do đó để có được cao dùng và phục vụ thịt trường, T “Lào” vẫn phải dựa vào M.
Bên Lào, chính quyền quản lý không cực chặt, nên buôn bán khá thoải mái. Chỉ cần bỏ ra số tiền độ 10-15 ngàn đô, đã có thể mua được một bộ cốt hổ xịn nặng từ 10 - 15kg và xách về Việt Nam không khó khăn gì. Nhưng, bộ xương đó có phải hổ xịn hay không, nhất định vẫn phải nhờ đến anh M.
Dù rừng Lào đã hết hổ, nhưng Lào vẫn là trạm trung chuyển quan trọng để đường dây tuồn hổ từ Miến Điện, Thái Lan, Srilanka… vào Việt Nam.
Xương hổ.
Hành trình đưa hổ vượt qua nhiều biên giới quốc gia chỉ gặp trở ngại với các cửa khẩu. Song, với hàng ngàn mưu mô chước quỷ, đám lái hổ vẫn đưa hổ lọt qua các cửa khẩu ngon lành.
“Với hổ nguyên con, dân buôn mổ bụng vứt bỏ hết ruột gan để tránh xác hổ mau thối rữa và bốc mùi khi vận chuyển. Sau đó, một là thuê người dân tộc khiêng vượt suối, băng rừng. Hai là chở bằng xe đông lạnh. Cách vận chuyển thứ hai khó khăn hơn, song “nếu có bảo kê thì chẳng thấy gì trở ngại cả” – anh M cho biết.
Đem được hổ nguyên con về Việt Nam là có giá nhất vì chiếm được sự tin tưởng tuyệt đối từ khách. Hổ to quá, khó vác thì chặt làm nhiều phần gồm đầu và tứ chi để vận chuyển cho dễ. Khi các bộ phận được đưa đến nơi tập kết thì ráp lại. Hoặc xẻ thịt róc xương, để lại cái đầu. Đây là cách mà nhóm này đã vận chuyển hổ nhiều năm.
Luộc xương cho sạch thịt trước khi nấu cao.
Nồi cao hổ.
Theo như lời của ông chủ M, khách hàng cần mua bao nhiêu hổ cũng có. Tất nhiên là hổ nuôi, chứ hổ hoang dã thì nhóm này chịu. Cứ đặt tiền, cho địa chỉ, nhóm của M sẽ đánh ô tô chở hổ đến tận nhà và nổi lửa nấu cao dưới sự giám sát của gia chủ.
Cuối cùng, ngày chia cao cũng đến. Nhóm chung cao lại có mặt đầy đủ và mặt mày ai cũng hớn hở sau bảy ngày bảy đêm đỏ mắt ngóng chờ. Nhìn lớp cao nâu vàng cánh gián, mắt ai cũng rực lên.
Cao nấu xong.
Chia cao hổ.
Anh M tay phải cầm dao, tay trái cầm thước, mắt nheo nheo ngắm nghía rồi khẽ khàng rạch một đường dao. Lớp cao hổ tách thành những miếng cao đều chằn chặn nhỏ hơn bao thuốc lá. Số tiền góp ứng với lượng cao được nhận. Tính toán ra, một lạng cao nấu từ con hổ hoang dã có giá gốc tới 30 triệu đồng, nghĩa là, phải bỏ ra 300 triệu mới được 1kg cao.
Miếng cao cuối cùng được trao tay cũng là lúc bữa tiệc tráng chảo bắt đầu. Thứ rượu tráng chảo trắng đục, uống gây gây. Ấy thế nhưng, đám người mê thứ hổ cốt này cứ gật gù, xuýt xoa rồi tự khoe máu đã chảy trong người rần rật.
Lương y Hoàng Tuyết Minh (Nhà thuốc gia truyền Minh Châu): “Xưa kia, đời ông nội, rồi đến bố tôi cũng nấu nhiều hổ lấy cao trị bệnh, nhưng theo lời đánh giá của bố tôi, rồi đến tôi, thì cao hổ có lẽ chỉ là thực phẩm thông thường, chẳng có tác dụng gì khủng khiếp như đồn thổi. Cao hổ cốt chẳng qua cũng chỉ là keo xương, và các chất từ xương một loài động vật mà thôi. Nhà tôi có nghề gia truyền trị các bệnh về xương khớp, đặc biệt là thoái hóa xương khớp. Bản thân tôi đã kiểm nghiệm lâu dài tác dụng của cao hổ cốt, song thực sự tôi thấy hiệu quả là không có gì. Trong khi đó, những bài thuốc từ cây cỏ rẻ tiền trong rừng, lại có tác dụng chữa bệnh xương khớp rõ rệt. Thủ thuật của những người nấu cao hổ, là thường cho một lượng nhất định thuốc phiện vào trong cao hổ. Thuốc phiện có tác dụng giảm đau và hưng phấn thần kinh, nên khi dùng cao hổ có trộn thuốc phiện, người dùng có cảm giác hiệu quả, chứ thực ra, chẳng phải do tác dụng của cao hổ. Hổ là động vật quý hiếm, cao xương hổ thực sự chẳng có tác dụng gì rõ rệt, lại rất đắt đỏ, do đó, là người hiểu biết, không nên sử dụng cao hổ. Ngoài ra, hổ bây giờ thường được mang từ nước ngoài về, họ tẩm hóa chất bảo quản, hóa chất ngấm vào xương, nên rất độc hại cho sức khỏe người dùng”. |
Phạm Dương Ngọc (VTC News)