Trong Di chúc Chủ tịch Hồ Chí Minh, đoàn kết là tư tưởng ở tầm chiến lược và luôn nhất quán từ đầu đến cuối. Hiện nay, khi Đảng ta đang đẩy mạnh chống suy thoái, củng cố lực lượng và lấy lại niềm tin của nhân dân thì không gì tốt hơn là bằng sức mạnh đoàn kết.
GS.TS. Hoàng Chí Bảo.
Đoàn kết gắn liền dân chủ
Theo GS. TS. Hoàng Chí Bảo (chuyên gia cao cấp, nguyên ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương), mọi nhân tố làm nên thắng lợi của cuộc cách mạng đều bắt nguồn từ đoàn kết: Đoàn kết trong dân, trong Đảng, đoàn kết quốc tế và điều này được thể hiện rất cảm động trong Di chúc của Người. “Để sẵn mấy lời” cho đồng bào, đồng chí và bầu bạn khắp nơi, Chủ tịch Hồ Chí Minh khi nói về Đảng thì Người nhấn mạnh “trước hết là đoàn kết”.
Đoàn kết là truyền thống cực kỳ quý báu của dân tộc mà Đảng ta phải gìn giữ và phát huy, bởi vậy Bác căn dặn: Các đồng chí từ Trung ương tới chi bộ phải giữ gìn đoàn kết, nhất trí trong Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình.
“Nếu nói về tư tưởng đại đoàn kết của Hồ Chí Minh, trước hết phải nhấn mạnh đến đoàn kết trong Đảng. Đặc biệt, đoàn kết là quy luật của sự phát triển, mọi sức mạnh đều tạo ra từ đoàn kết; đoàn kết thì thắng, chia rẽ thì yếu. Khi Đảng đã cầm quyền thì đoàn kết càng hệ trọng, càng cần thiết”- GS.TS Hoàng Chí Bảo khẳng định.
Tuy nhiên, Bác căn dặn đoàn kết phải thấu lý đạt tình, phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau. “Đó là câu Bác bổ sung vào bản Di chúc năm 1966. Bác nói phải dựa trên nền tảng của chủ nghĩa Mác - Lênin, chủ nghĩa quốc tế chân chính làm cơ sở cho việc đoàn kết.”- GS.Hoàng Chí Bảo chia sẻ - “Ngoài ra, khi nói về đoàn kết, bao giờ Người cũng gắn liền với dân chủ - đấy là nội dung cực kỳ sâu sắc. Bởi muốn đoàn kết phải có dân chủ. Bác căn dặn Đảng phải thực hành dân chủ rộng rãi, chống dân chủ hình thức”.
Theo GS.TS Hoàng Chí Bảo, từ tư tưởng đoàn kết của Bác trong Di chúc, chúng ta rút ra 3 giá trị: khoa học, đạo đức và văn hóa. Đấy chính là giá trị trường tồn và mang tầm thời đại của Di chúc. Hiện nay, Đảng ta đang tổng kết 50 năm thực hiện Di chúc của Bác, căn cứ vào những lời thề, cái gì làm tốt thì phải phát huy, cái chưa tốt thì khắc phục bằng được.
Đặc biệt, vấn đề xây dựng, chỉnh đốn Đảng là then chốt, quyết định việc thành hay bại của cách mạng, nhất là công tác sắp xếp cán bộ lãnh đạo khi Đại hội Đảng đến gần. Cần chọn những người thực đức, thực tài, có uy tín với dân, xứng đáng là tinh hoa của Đảng của dân tộc... thì dân sẽ tin. Do vậy, phải lấy sự hài lòng của dân là thước đo về chất lượng cán bộ, thước đo về hiệu quả lãnh đạo.
Phải kết hợp chặt chẽ giữa đạo đức và pháp luật
Trong phần cuối của bản Di chúc, Bác viết: “Điều mong muốn cuối cùng của tôi là toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh...”. Theo PGS.TS vì sao Bác lại nhấn mạnh điều này?
- Là người có tầm nhìn chiến lược nên Bác đã đưa ra nhiều dự báo, đồng thời lo lắng nhiều điều. Ở cương vị đứng đầu Đảng và Nhà nước, nỗi lo lắng, dằn vặt lớn nhất của Bác là sợ xảy ra tình trạng mất đoàn kết trong Đảng. Bởi thế Bác đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên phải lấy đức làm gốc thì mới có thể có động cơ sống đúng đắn vì dân, vì nước, không rơi vào chủ nghĩa cá nhân, xa rời quần chúng nhân dân, gây mất đoàn kết trong nội bộ, từ đó làm mất đi thanh danh của người cách mạng.
Vào những năm cuối đời, khi cuộc kháng chiến chống Mỹ còn rất gian nan thì xuất hiện những nhận thức và quan điểm đánh giá khác nhau trong Đảng. Nếu không giải quyết đúng thì rất dễ dẫn đến mất đoàn kết.
Cho nên Bác nhấn mạnh phải có lý và có tình là vì thế; phải có sự bao dung, chờ đợi, nhân nhượng nhau. Trong Đảng nếu có ý kiến khác nhau cũng là chuyện bình thường, nhưng quan trọng là không để xảy ra mất đoàn kết mà phải thuyết phục nhau để dẫn đến sự nhất trí, không chia rẽ.
Thời gian qua, có nhiều đảng viên, cán bộ cấp cao bị kỷ luật, thậm chí phải xử lý hình sự. Vậy theo PGS.TS đâu là giải pháp gốc rễ?
- Kinh nghiệm cho thấy, nơi nào giữ vững được sự đoàn kết thì nơi đó trong sạch vững mạnh, nơi nào để xảy ra mất đoàn kết, nhất là trong số những người có chức, có quyền thì sẽ dẫn đến phân tâm, nao núng tinh thần cả trong Đảng lẫn trong dân, ảnh hưởng đến uy tín của Đảng trong dân. Bằng chứng rõ nhất là một số cán bộ hư hỏng, tội lỗi, bị trừng trị bằng luật pháp... đó là một sự thật.
Nhưng phải hiểu rằng, tất cả những điều ấy đều bắt nguồn từ nguyên nhân sâu xa là rơi vào chủ nghĩa cá nhân- Bác gọi là giặc nội xâm. Cho nên phải bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ, bảo vệ nhân dân bằng cách phải tẩy sạch chủ nghĩa cá nhân thì mới toàn tâm, toàn ý vì dân được. Mà muốn toàn tâm toàn ý vì dân thì ngoài đạo đức cách mạng trong sáng phải luôn luôn tâm niệm một điều là đoàn kết.
Vậy, để xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh thì vai trò, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên trong việc giữ gìn sự đoàn kết như thế nào, thưa Giáo sư?
- Muốn thế thì phải đẩy mạnh tự phê bình và phê bình. Bác nói đây là cách tốt nhất để làm cho Đảng trong sạch, phát triển vững mạnh. Nhưng tự phê bình và phê bình phải nghiêm túc, phải thành tâm, vô tư và trong sáng chứ không được len vào đây những động cơ cá nhân, mờ ám. Bác nói, tự mình phải phê bình mình trước rồi mới phê bình người khác. Tự phê bình có thành thật, có nghiêm khắc thì phê bình người khác mới đúng đắn được.
Tự phê bình và phê bình trước hết là trong cơ quan lãnh đạo - nhất là cấp cao. Đây không chỉ là vấn đề trách nhiệm chính trị mà còn là vấn đề trong sáng của đạo đức, lương tâm và danh dự. Thứ hai, phải kết hợp chặt chẽ giữa đạo đức và pháp luật.
Đạo đức có tuyên truyền, thực hành bao nhiêu đi nữa mà thiếu pháp luật cũng không được, vì xã hội và Nhà nước phải được quản lý bằng pháp luật. Nhưng sâu xa ra thì cũng là dùng luật để bảo vệ lợi ích và quyền lực của dân. Vì dân mà phải tăng cường pháp luật và kỷ cương để chống lại những gì hại dân, hại nước, nhất là công cuộc chống tham nhũng.
Vì lẽ trên, trong Đảng không chỉ dừng lại ở giáo dục tư tưởng, tuyên truyền đường lối chính trị mà phải có quy định cụ thể. Điều lệ Đảng là một bộ luật của Đảng, nhưng từ điều lệ phải cụ thể hóa thành những chế tài, quy định mà Nghị quyết tại Hội nghị Trung ương 8 vừa qua là một hình thức của chế tài buộc phải thực hiện, không thực hiện sẽ xử lý.
Thậm chí Đảng ta còn kêu gọi là ai cảm thấy không xứng đáng nữa thì chủ động rút lui, từ chức, đừng để tổ chức phải xử lý. Đó là điều rất cần thiết; thức tỉnh lương tâm, danh dự chưa đủ mà phải dùng luật pháp, điều lệ, cơ chế để đưa tất cả vào kỷ cương, khuôn phép.
Thứ ba, phải ra sức đẩy mạnh việc tuyên truyền, giáo dục và thực hành tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Đảng ta coi đây là một giải pháp chiến lược để làm cho Đảng trong sạch vững mạnh, củng cố mối quan hệ máu thịt giữa Đảng với dân và để thực hiện cho được những chỉ dẫn của Bác trong Di chúc.
Bản Di chúc sẽ trường tồn và việc học và làm theo Bác cũng là mãi mãi. Chỉ như thế thì những điều cao quý “Đảng vừa là đạo đức, vừa là văn minh” mới thực hiện được. Đảng mới là Đảng cách mạng và mục tiêu của cách mạng là dân giàu nước mạnh, xã hội dân chủ công bằng mới thực hiện được.
Trân trọng cám ơn Giáo sư!
Vân Anh (PLVN)