Phóng sự - Ký sự

Kỳ 4: Cạn kiệt nguồn nước ngầm

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Diện tích cà phê, hồ tiêu trong những năm gần đây gia tăng với tốc độ chóng mặt, phá vỡ quy hoạch cây trồng vùng Tây Nguyên. Bên cạnh các nguyên nhân khách quan như lượng mưa thấp, nắng hạn kéo dài…, chính việc đào, khoan giếng ồ ạt để lấy nước tưới đã khiến cho nguồn nước ngầm ở khu vực này bị khai thác đến cạn kiệt.


Ồ ạt khoan giếng chống hạn
 

Nhiều gia đình chi cả trăm triệu đồng đào ao hồ tìm nguồn nước tưới cứu cà phê. Ảnh: Hoàng Minh
Nhiều gia đình chi cả trăm triệu đồng đào ao hồ tìm nguồn nước tưới cứu cà phê. Ảnh: Hoàng Minh

Trong thời gian diễn ra hạn hán, hàng ngàn hộ dân ở khắp các tỉnh Tây Nguyên đã tìm mọi phải pháp để chống hạn, cứu lấy diện tích cây trồng trong cơn nguy khốn. Đào giếng, khoan giếng là giải pháp tối ưu được người dân lựa chọn. Nhờ khoan giếng kịp thời nên gần 2 ha cà phê của anh Phan Huy Sỹ (tổ dân phố Quyết Thắng, thị trấn Ea Pốk, huyện Cư M’Gar, tỉnh Đak Lak) đã hồi sinh sau cơn “hấp hối”. Thế nhưng, 500 gốc cà phê nằm ở một rẫy khác của anh thì phải chặt bỏ bởi giếng đã cảo sâu thêm hơn 6 mét vẫn không có nước, tiếp tục khoan thì gặp phải đá bàn.
 

 
Tiến sĩ Phan Việt Hà-Trưởng phòng Khoa học và Hợp tác quốc tế (Viện Khoa học Kỹ thuật Nông-Lâm nghiệp Tây Nguyên): Nước ngầm bố trí theo nhiều tầng, nếu khoan khoảng 50 mét thì khai thác ở tầng nước ngầm đầu tiên, nhưng tiếp tục khoan sẽ xuống tầng nước ngầm thứ 2, khi đó vô tình làm nước ở tầng đầu tiên này rút hết xuống tầng thứ 2. Khoan cạn thì có nước nhưng khoan sâu lại không có nước. Hơn nữa, thời tiết trong những năm qua có nhiều biến đổi cực đoan, nắng lắm mưa đột ngột khiến đất mất khả năng thẩm thấu bổ sung cho mạch nước ngầm.

 

Tiến sĩ Nguyễn Tiền Giang-Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội) nhận định: “Khi chúng ta phát triển “nóng” các loại cây công nghiệp vượt ngoài quy hoạch được công bố sẽ phải yêu cầu lượng nước tưới rất cao, trong khi Tây Nguyên chủ yếu đang khai thác hệ thống nước ngầm. Chỉ 2 yếu tố này đã làm tăng thêm nguyên nhân thiếu nước trầm trọng ở Tây Nguyên”.

Tại Gia Lai, dù đang vào cao điểm mùa mưa nhưng ông Nguyễn Duy Trung (thôn Phú Vinh, xã Ia Blứ, huyện Chư Pưh) vẫn thuê người khoan giếng. Nguyên do là trong những tháng đầu năm 2016, 1,5 ha hồ tiêu nhà ông đứng trước nguy cơ chết khô. Thuê thợ khoan cả chục giếng, ông mới may mắn tìm được 1 giếng có nước nhưng cũng chẳng thấm vào đâu, đành phải nhờ nước ở các giếng xung quanh để chống “cháy” cho vườn tiêu.

Ông Phạm Quang Mười-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Cư M’Gar (tỉnh Đak Lak) cho biết: Toàn huyện có khoảng 1.000 giếng đào, giếng khoan phục vụ tưới cho gần 36.000 ha cà phê. Tuy nhiên, hầu hết các giếng này đều không có giấy phép khai thác. Còn theo ông Nguyễn Văn Tuyền-Trưởng phòng Tài nguyên nước-Khí tượng thủy văn-Biến đổi khí hậu (Sở Tài Nguyên và Môi trường Đak Lak), hiện không thống kê được số lượng giếng khoan, giếng đào trong dân. Trong 8 tháng năm 2016, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh này mới chỉ cấp, gia hạn và điều chỉnh 10 giấy phép khai thác, sử dụng nước dưới đất cho 8 tổ chức và 2 cá nhân. Song trên thực tế, số lượng giếng có thể cao hơn gấp nhiều lần, bởi theo tính toán, cứ mỗi ha cà phê thường có 1 giếng đào, 1 giếng khoan mới đủ nước tưới.

“Việc người dân tự khoan, đào giếng, chính quyền cùng các sở, ngành hiện chưa quản lý được. Các cơ sở khoan giếng nếu đăng ký với chính quyền thì còn thống kê được, còn việc người dân thuê nhóm người vào khoan trong vườn rẫy thì chịu”-ông Lê Tuấn Anh-Trưởng phòng Tài nguyên nước và Khí tượng thủy văn (Sở Tài nguyên và Môi trường Gia Lai) cho hay.

 

Người dân tỉnh Kon Tum tranh thủ nước tưới trước khi các hồ trơ đáy vì nắng hạn. Ảnh: Văn Phương
Người dân tỉnh Kon Tum tranh thủ nước tưới trước khi các hồ trơ đáy vì nắng hạn. Ảnh: Văn Phương

Thông tư 27 của Bộ Tài nguyên và Môi trường nêu rõ, nếu giếng đào, giếng khoan có quy mô dưới 10 m3/ngày đêm và có chiều sâu không vượt quá 20 mét thì người dân không cần đăng ký khai thác nước dưới đất. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, việc kiểm soát lưu lượng cũng như chiều sâu của các giếng khoan, giếng đào đang bị các ngành chức năng buông lỏng. Ông Tuấn Anh thừa nhận, đến nay, Sở Tài nguyên và Môi trường Gia Lai chưa xử phạt trường hợp vi phạm nào. Hiện trên địa bàn tỉnh Gia Lai có 2.736 giếng khoan, trong đó có 1.983 giếng đã đăng ký ở xã, phường, thị trấn về khai thác sử dụng; 77 giếng được UBND tỉnh và Sở cấp giấy phép khai thác sử dụng.

Nhận định về thực trạng trên, Tiến sĩ Phan Việt Hà-Trưởng phòng Khoa học và Hợp tác quốc tế (Viện Khoa học Kỹ thuật Nông-Lâm nghiệp Tây Nguyên) cho rằng: “Hiện nay, nguồn nước ngầm đang bị khai thác, sử dụng quá mức. Theo tính toán, trung bình 1 ha cà phê cần khoảng 2.500 m3 nước tưới/năm; nếu áp dụng giải pháp tưới tiết kiệm thì chỉ cần khoảng 1.600 đến 1.800 m3/ha/năm. Đem lượng nước giảm này nhân với diện tích gần 600.000 ha cà phê ở Tây Nguyên thì mỗi năm khu vực này sẽ tiết kiệm được rất nhiều nước”.

Phá vỡ quy hoạch cây trồng

 

Các mâu thuẫn chính tạo thách thức trong quản lý nước ở Tây Nguyên.
Các mâu thuẫn chính tạo thách thức trong quản lý nước ở Tây Nguyên.

Theo Tiến sĩ Bùi Thị Ngọc Dung-Viện Quy hoạch và Thiết kế Nông nghiệp (Bộ Nông nghiệp và PTNT), Tây Nguyên có hơn 5,4 triệu ha đất, trong đó đất sản xuất nông nghiệp trên 2,2 triệu ha. Đất trồng cây lâu năm năm 2014 đã tăng gấp 8,6 lần so với năm 1990 (từ 155,9 ngàn ha lên hơn 1,3 triệu ha), chủ yếu là diện tích cà phê, cao su, hồ tiêu... Đến năm 2020, diện tích canh tác 9 loại cây trồng chính toàn vùng Tây Nguyên là 1, 45 triệu ha. So với quy hoạch phê duyệt, diện tích này tăng 113,7 ngàn ha.

Đặc biệt, trong vài năm trở lại đây, diện tích hồ tiêu-một trong 7 loại cây trồng có giá trị-tăng nhanh và chưa có dấu hiệu dừng. Số liệu thống kê từ Bộ Nông nghiệp và PTNT cho thấy, tổng diện tích hồ tiêu tại 9 tỉnh trọng điểm là 97.590 ha; trong đó, riêng 4 tỉnh Tây Nguyên là Gia Lai, Đak Lak, Đak Nông và Lâm Đồng chiếm 55.339 ha. Việc người dân ở các tỉnh này ồ ạt mở rộng diện tích khiến quy hoạch của Bộ Nông nghiệp và PTNT bị phá vỡ. Chỉ tính trong 6 tháng đầu năm 2016 đã có trên 5.475 ha hồ tiêu được trồng mới; điển hình là Gia Lai với 1.228 ha, nâng diện tích loại cây này trên địa bàn lên đến trên 13.000 ha. Trong khi đó, quy hoạch đến năm 2015 và tầm nhìn đến năm 2020 của tỉnh Gia Lai lại xác định giữ ổn định diện tích hồ tiêu với quy mô chỉ 6.000 ha.

 

 

Ở góc nhìn toàn cảnh, ông Trần Việt Hùng-nguyên Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nguyên đưa ra những con số đáng giật mình: Quy hoạch cây cà phê vùng Tây Nguyên đến năm 2020 là 447.000 ha nhưng đến cuối năm 2015 đã hơn 577.000 ha, vượt hơn 130.000 ha. Tương tự, quy hoạch cây hồ tiêu đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 của toàn vùng là 17.500 ha nhưng đến cuối năm 2015 đã là 53.537 ha. “Tôi nghĩ đợt hạn hán này là cơ hội tốt nhất để các tỉnh Tây Nguyên điều chỉnh quy hoạch cho phù hợp, kể cả việc tái canh cũng cần cân đối lại chứ không nên tái canh bằng mọi giá”-ông Hùng khẳng định.

Minh Triều-Hồng Thi

Có thể bạn quan tâm