Kỳ bí hang Dơi

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Bạn có muốn lạc về kỷ Jura với vách đá cao sừng sững mang vẻ đẹp độc đáo được bao phủ bởi dây leo chằng chịt và những loài dương xỉ cành lá sum sê như những cánh tay vươn dài? Hay đi trong huyền ảo của động Thiên Đường giữa mùa hè mà vẫn cảm thấy mát lạnh? Khó có thể tin rằng lại có một điểm đến hấp dẫn như thế ở miền trung du Quảng Nam.
Cách TP. Tam Kỳ khoảng 35 km về phía Tây, hang Dơi (thôn 3, xã Tiên An, huyện Tiên Phước) là địa chỉ khá thú vị đối với những ai thích khám phá và thưởng thức vẻ đẹp hoang sơ.
Miền trung du Tiên Phước có rất nhiều hang đá trên núi. Những hang sâu, hiểm trở là nơi cư trú của loài dơi, người ta quen gọi là hang Dơi. Hang Dơi xuất hiện trên núi Dương Chức, núi Cửa Rừng ở Tiên Cảnh… Trong số đó, đẹp nhất là hang Dơi ở Tiên An.
Tuy nhiều đèo dốc nhưng du khách vẫn có thể đi xe máy đến tận nơi. Nhưng trong những nhọc nhằn của hành trình chinh phục hang Dơi, du khách sẽ phải trầm trồ vì cảnh sắc trên đường rất thơ mộng với những con đường ngoằn ngoèo ôm lấy chân đồi, với những khu ruộng bậc thang nhỏ mỗi mùa một vẻ đẹp.
Hang Dơi (xã Tiên An, huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam). Ảnh: Khắc Đức
Hang Dơi (xã Tiên An, huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam). Ảnh: Khắc Đức
Quần thể hang Dơi này không hùng vĩ như nhiều hang động khác ở nước ta, nhưng sự kỳ bí và hấp dẫn của nó là vô biên. Có lẽ những dòng suối từ hàng triệu triệu năm trước chảy qua đây cùng với quá trình phong hóa tự nhiên đã tạo nên vẻ đẹp đa dạng. Hang Dơi gồm hang trên (động Thiên) và hang dưới (động Nàng Tiên), độ sâu khoảng 100 m với 2 lối nhỏ ngoằn ngoèo dẫn vào.
Khám phá động Nàng Tiên, du khách phải chuẩn bị đèn pin và tâm thế dạn dĩ. Bởi lẽ, động này rất tĩnh lặng. Bước nhẹ chân, có thể nghe tiếng nước rỉ qua vách đá, tiếng vỗ cánh của loài côn trùng. Không gian ẩm ướt và mát lạnh. Thỉnh thoảng có chú dơi vụt bay ra vì hoảng hốt.
Trong hang, những tảng đá được tạo hóa xếp đặt rất kỳ lạ, có khi như chỉ ghép hờ, gân đá cũng muôn hình vạn trạng gợi trí tưởng tượng tha hồ. Bên cạnh đó là các loại dây leo thả mình xuống cửa hang, phủ bám trần hang, vách hang tạo thêm nét duyên dáng hoang sơ… Ánh sáng soi chiếu như rơi từng hạt lấp lánh nơi cửa hang, tô cho thảm rêu mềm và vách đá in hằn bóng thời gian vẻ huyền ảo liêu trai.
Rời động Nàng Tiên, du khách tiếp tục đến động Thiên. Đây là hang trên nhưng miệng hang lại lộ thiên ở chân núi phía dưới. Lại là những vách đá, vòm đá, khối đá, mỏm đá rất kỳ lạ. Bàn tay tạo hóa quả thật kỳ diệu. Con người thấy mình thật nhỏ bé giữa các khối đá khổng lồ xếp chồng lên nhau không theo một trật tự nào.
Động Thiên nổi bật với những vách đá cao khoảng 10 m, rồi mở rộng dần khi đi vào trong. Hai bên vách hang, những mạch nước ngầm ngày đêm rỉ rả. Rêu phong xanh. Len lỏi giữa các tảng, các khối đá là dây leo và rễ cây. Ở hang này, có nhiều hang nhỏ thông với nhau, không gian thoáng hơn.
Phía ngoài hang Dơi là quần thể đá hình thù rất đa dạng ẩn hiện trong bạt ngàn cây cối, dây leo cũng góp thêm vẻ đẹp kỳ bí, hoang sơ. Này là tảng đá hình chú hươu cao cổ, hình con tê giác; kia là chú thằn lằn sấm đang rình mồi hay con cá sấu khổng lồ đang ngoảnh cổ…
Đến với hang Dơi, đi chân trần dưới lòng hang mát lạnh, khẽ chạm tay vào bờ rêu mơ màng, nhìn những dạng những hình của đá, ngắm kỹ từng vân đá… du khách cảm thấy mình thật nhỏ bé và mơ hồ trước vẻ kỳ diệu của thiên nhiên. Thuở hồng hoang như thể đang ùa về.
DIỆU HIỀN

Có thể bạn quan tâm