Kỳ cuối: Sống để yêu thương

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Tình thương là liều thuốc tinh thần hữu hiệu nhất, giúp con người vượt qua nỗi đau. Chính sự đồng cảm, sẻ chia của cộng đồng, xã hội và của những tấm lòng nhân ái mà nhiều ước mơ nhỏ bé nơi mái ấm chung này đã được chắp cánh bay cao…

Những việc nhỏ từ tâm

Khi biết tôi có ý định viết về các chị- những người làm công tác nuôi dạy trẻ và phục vụ người già neo đơn ở Trung tâm Bảo trợ Xã hội Tổng hợp tỉnh (TTBTXHTHT) thì hầu hết đều rất ngại ngùng vì theo các chị chuyện ấy có gì to tát đâu. Cô Nguyễn Thị Lê-phụ trách ở ngôi nhà chung số 3 chia sẻ: Công việc ở đây cũng giống như chăm sóc gia đình mình vậy. Lo cho các cháu bữa ăn, giấc ngủ, động viên các cháu học tập, an ủi, chia sẻ những lúc các cháu buồn…, đấy chỉ là những việc nhỏ hết sức bình thường xuất phát từ tấm lòng và tình thương với những số phận không may mắn. Nếu là bất kỳ ai khác gặp phải những cảnh đời bất hạnh như ở đây thì chắc chắn cũng sẽ hành động như thế…

Sự quan tâm của các cô chú ở Trung tâm Bảo trợ Xã hội Tổng hợp tỉnh giúp các cháu vơi đi mặc cảm. Ảnh: Đức Thụy

Trung tâm Bảo trợ Xã hội Tổng hợp tỉnh có 35 cán bộ, công nhân viên, trong số này ngoài một số nhân viên làm công tác văn phòng thì có 10 cô nuôi dạy trẻ, 11 người phục vụ người già neo đơn và 3 cô giáo kèm thêm cho các cháu ngoài giờ học chính thức. Công việc nhiều, người ít nên cán bộ, viên chức nơi đây luôn cố gắng sắp xếp chu toàn. Ngay cả Giám đốc Lê Văn Thành, chuyện sửa điện, sửa đường ống nước cũng là việc làm thường xuyên ngoài cương vị của ông. Chính những việc làm xuất phát từ tấm lòng đồng cảm, chia sẻ đã xóa dần những khoảng cách, mặc cảm và tạo nên không khí đầm ấm của một gia đình thực sự.

Tiếp sức ước mơ

Hiện nay, mức trợ cấp cho đối tượng bảo trợ xã hội trên địa bàn tỉnh Gia Lai là 750.000 đồng/người/tháng, thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước ta đến các đối tượng này. Mức sinh hoạt hiện có cơ bản giải quyết về ăn uống hàng ngày nhưng trong tình hình giá cả thị trường tăng cao như hiện nay thì để cân bằng và đảm bảo đời sống cho các đối tượng vẫn còn nhiều trăn trở, nhất là các cháu lại đang trong tuổi ăn tuổi lớn, và khó khăn càng nhân lên gấp bội với những cháu đang theo học đại học, cao đẳng, trung cấp ở các tỉnh thành khác.

Giám đốc TTBTXHTHT Lê Văn Thành chia sẻ: “Bên cạnh nguồn ngân sách của tỉnh cấp, Trung tâm còn tăng gia sản xuất, trồng rau, hoa màu, cà phê, chăn nuôi heo, bò để cải thiện bữa ăn cho các đối tượng. TTBTXHTHT còn huy động các tổ chức từ thiện, những tấm lòng hảo tâm, nhân ái giúp đỡ, hỗ trợ thêm.

Trong số này có thể kể đến Công ty TNHH 30-4, Công ty TNHH một thành viên Cao su Chư Sê, Công ty cổ phần Kinh doanh và Phát triển Miền núi, Công ty cổ phần Sông Đà 3, Công ty cổ phần Sách và Thiết bị trường học… và các nhà hảo tâm đã góp sức cùng Trung tâm trong việc chăm lo cho các đối tượng”.

Từ sự quan tâm, hỗ trợ trên mà các thành viên của Trung tâm có thêm điều kiện được chăm sóc tốt hơn về đời sống vật chất và tinh thần. Các em được chăm lo học tập, phấn đấu thực hiện ước mơ, lý tưởng của mình. Hiện ở Trung tâm có 12  cháu đang theo học ở các trường đại học, cao đẳng, trung cấp nghề. Tâm sự về hoàn cảnh và việc học của mình ở Trường Đại học Thương mại Hà Nội-Phân hiệu tại Đà Nẵng-em Nguyễn Thị Liên chia sẻ: “Ba mẹ em mất sớm, gia đình không đủ điều kiện để nuôi em ăn học nên ngoại đã đưa em vào Trung tâm ở lúc em mới học lớp 2.

Được vào đại học là mơ ước của biết bao người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn như chúng em. Em rất biết ơn sự quan tâm lớn lao của các cô, các chú và những tấm lòng nhân ái đã tiếp sức cho chúng em trên con đường thực hiện ước mơ và hoài bão của mình. Em mong rằng sau này ra trường sẽ có được công việc ổn định để về Trung tâm giúp đỡ cho các em và cũng để đáp lại sự nuôi dưỡng của các cô, các chú và các bác nơi đây”.

Đang theo học tại Trường Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh, qua email, cô sinh viên Rơ Mah Choi cũng kịp gửi vài dòng tâm sự: Bố mẹ em mất sớm, anh chị không đủ điều kiện để lo cho em. Biết hoàn cảnh khó khăn của gia đình em, năm 1998 các bác trong Trung tâm đã đón em về ngôi nhà chung ấy. Năm em vào lớp 10 là năm đầu tiên bắt đầu chương trình cải cách của Bộ Giáo dục-Đào tạo. Ở trung học cơ sở, em đạt học lực khá nên được xếp vào lớp nâng cao khối A (Toán, Lý, Hóa).

Chương trình học rất nặng nên lực học của em đã không theo kịp các bạn trong lớp và năm học lớp 10 ấy em đã bị lưu ban. Được sự động viên của các cô, các chú giúp em có thêm động lực, không từ bỏ ước mơ của mình, tiếp tục theo đuổi việc học và hiện em đang theo học tại Trường Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh. Em sẽ cố gắng học thật tốt, có được tấm bằng đại học, sau này có công việc ổn định, giúp ích cho cộng đồng và để tự nuôi sống bản thân mình cũng như không phụ lòng chăm sóc, bảo bọc của các bác trong Trung tâm và của những tấm lòng nhân ái.
*
Những nỗi niềm đã và đang được sẻ chia, những ước mơ đã và đang được tiếp sức của cộng đồng và xã hội, giúp các em thêm vững vàng và có niềm tin bước tiếp trên con đường tương lai phía trước. Và cần lắm những tấm lòng nhân ái, sẻ chia đến với TTBTXHTHT để những phận đời không may mắn tại đây có thêm điều kiện học tập tốt và đảm bảo cuộc sống tương lai.

Như Nguyện

Có thể bạn quan tâm