Phóng sự - Ký sự

Kỳ cuối: Trữ nước cho Tây Nguyên

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Hội thảo về an ninh nguồn nước Tây Nguyên diễn ra tại Gia Lai vào tháng 7-2016 đã tập hợp hơn 100 nhà khoa học, chuyên gia cùng thảo luận và kiến nghị các giải pháp nhằm giúp các tỉnh trong khu vực ứng phó với thách thức về nguồn nước, đảm bảo mục tiêu phát triển dài hạn trong tương lai.


Theo các nhà khoa học, hoàn toàn không thể chuyển nước từ các lưu vực khác lên Tây Nguyên mà ngược lại, Tây Nguyên còn phải chia sẻ nguồn nước cho vùng hạ lưu. Do vậy, muốn đảm bảo cân bằng sinh thái, Tây Nguyên cần giữ lại ít nhất 60% nguồn nước tự nhiên. Bài toán quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội bền vững cho Tây Nguyên phải được bắt đầu từ nền tảng cân bằng nguồn nước…
 

Lợi dụng địa hình đồi ở Tây Nguyên để xây đập, tạo ra các hệ thống hồ quy mô nhỏ nhằm trữ nước vào mùa mưa và sử dụng vào mùa khô. Ảnh: M.T
Lợi dụng địa hình đồi ở Tây Nguyên để xây đập, tạo ra các hệ thống hồ quy mô nhỏ nhằm trữ nước vào mùa mưa và sử dụng vào mùa khô. Ảnh: M.T

Trồng rừng giữ nước

Muốn lưu giữ nước cho Tây Nguyên, việc trước tiên phải làm là tăng độ che phủ của rừng. Bảo vệ diện tích rừng hiện có, phục hồi lại phần diện tích đã mất bằng cách trồng rừng được xem là vấn đề cấp thiết hiện nay. Chính vì vậy, tại buổi làm việc về các giải pháp khôi phục rừng (diễn ra ngày 20-6-2016 tại Đak Lak), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đặt ra mục tiêu đến năm 2020 phải nâng tỷ lệ che phủ rừng khu vực Tây Nguyên lên 59%. Theo đó, Thủ tướng chỉ đạo các tỉnh Tây Nguyên huy động sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân, quyết tâm khôi phục và phát triển rừng bền vững, phấn đấu đạt và vượt chỉ tiêu đề ra.

 

Bộ Tài nguyên và Môi trường đang trình Chính phủ đề án thành lập Ủy ban Lưu vực sông Sê San và Sêrêpốk. Ủy ban này có chức năng quản lý và khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên nước; kiến nghị việc điều hòa, phân phối nguồn nước; giám sát các hoạt động khai thác, sử dụng, bảo vệ tài nguyên nước, bảo vệ môi trường lưu vực sông; giảm thiểu những tác động tiêu cực đến môi trường và đời sống sinh hoạt của người dân…

Mới đây nhất, ngày 20-9, tại Gia Lai, Tổng cục Lâm nghiệp đã dự thảo “Đề án bảo vệ, khôi phục và phát triển rừng bền vững vùng Tây Nguyên giai đoạn 2016-2025”. Mục tiêu đặt ra là đến năm 2025, diện tích rừng tăng lên 2,76 triệu ha, độ che phủ nâng lên 49,6%. Thực hiện đề án này, kinh phí dự tính hơn 19.856 tỷ đồng để mở rộng diện tích rừng, nâng cao độ che phủ rừng từ 46,08% lên 49,6%.

Trong khi đó, Nghị định 75/2015/NĐ-CP của Chính phủ “Về cơ chế, chính sách bảo vệ và phát triển rừng, gắn với chính sách giảm nghèo nhanh, bền vững và hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2015-2020” cũng hướng tới việc bảo vệ, phát triển rừng, cải thiện thu nhập cho người dân sống gần rừng. Đi đôi với nâng mức hỗ trợ cho các hộ, cộng đồng dân cư tham gia công tác khoán bảo vệ rừng, Nhà nước còn hỗ trợ kinh phí trồng rừng bổ sung, rừng sản xuất; trồng rừng trên đất lâm nghiệp và trên đất nông nghiệp hoang hóa, bạc màu không thể canh tác...

 

Mâu thuẫn trong vấn đề quản lý nước.
Mâu thuẫn trong vấn đề quản lý nước.

Dừng phát triển thủy điện
 

 
Tiến sĩ Đào Trọng Tứ-Giám đốc Trung tâm Tư vấn phát triển bền vững tài nguyên nước và thích nghi biến đổi khí hậu: Việc trồng rừng thay thế hiện nay là chưa đủ so với diện tích rừng phải “hy sinh” để phục vụ thủy điện cũng như bị khai thác trái phép. Theo thống kê, chỉ có 757,3 ha rừng được trồng thay thế so với khoảng 22.770 ha đất rừng các loại đã chuyển đổi mục đích sử dụng cho các dự án thủy điện.

Những lợi ích mang lại từ các dự án thủy điện đã phần nào đóng góp tích cực vào việc phát triển kinh tế-xã hội vùng Tây Nguyên. Tuy nhiên, theo Tiến sĩ Đào Trọng Tứ-Giám đốc Trung tâm Tư vấn phát triển bền vững tài nguyên nước và thích nghi biến đổi khí hậu (Cewarec), nếu nhìn từ thực trạng phát triển thủy điện hiện nay và những dự kiến trong tương lai, chúng ta đang đánh đổi lợi ích kinh tế trước mắt và đang để mất đi những lợi ích vô cùng to lớn do thiên nhiên ưu đãi cho vùng đất Tây Nguyên màu mỡ.

Vì những hệ lụy này, năm 2013, Quốc hội đã có cuộc rà soát, giám sát và quyết định dừng hơn 400 thủy điện các loại trên phạm vi cả nước. Riêng các tỉnh Tây Nguyên cũng đã xem xét và loại bỏ nhiều thủy điện. Cụ thể: Lâm Đồng đưa ra khỏi quy hoạch 28 dự án thủy điện nhỏ thuộc thẩm quyền phê duyệt của tỉnh; Kon Tum loại bỏ 21 dự án thủy điện vì hiệu quả thấp; Gia Lai chấm dứt hoạt động của 8 dự án thủy điện vừa và nhỏ, đồng thời loại 11 dự án thủy điện khác ra khỏi quy hoạch; Đak Lak cũng vừa thu hồi chủ trương đầu tư, loại bỏ khỏi quy hoạch 20 dự án thủy điện vừa và nhỏ.

Từ những phân tích trên, Tiến sĩ Đào Trọng Tứ khẩn thiết đề xuất: “Hãy dừng xây dựng các đập thủy điện mới vì hiệu quả kinh tế rất nhỏ so với mất mát về môi trường, sinh thái và sinh kế con người. Nguồn điện từ năng lượng tái tạo như gió, mặt trời, sinh khối… là một hướng phát triển đầy triển vọng ở vùng cao nguyên đầy nắng gió. Và đây sẽ là con đường phát triển bền vững-con đường đi không thể khác cho thế hệ hôm nay lẫn mai sau”.

“Sử dụng khôn khéo tài nguyên nước”

 

Một công trình thu gom nước mưa đưa vào lòng đất bổ sung nhân tạo cho tầng nước nghèo tại Trường THCS Dân tộc Nội trú huyện Chư Pah. Ảnh: M.T
Một công trình thu gom nước mưa đưa vào lòng đất bổ sung nhân tạo cho tầng nước nghèo tại Trường THCS Dân tộc Nội trú huyện Chư Pah. Ảnh: M.T

Giáo sư-Tiến sĩ khoa học Đặng Trung Thuận-Chủ tịch Hội Địa hóa Việt Nam khẳng định: “Việc thay đổi phương pháp tưới truyền thống sang tiết kiệm nước như tưới phun, nhỏ giọt, tưới gốc cây cho đến thay đổi mùa vụ cây trồng chống hạn, khai thác mạch nước ngầm… đều phải đáp ứng điều kiện duy nhất là các dòng sông, suối trong vùng chưa hết nước, đang còn dòng chảy tối thiểu để bơm nước”.

Do vậy, đúc kết kinh nghiệm nhiều năm ở tỉnh Bình Định, ông Thuận đưa ra các giải pháp trữ nước mặt cho Tây Nguyên. Đó là, lợi dụng địa hình đồi ở vùng này để xây đập, tạo ra các hệ thống hồ quy mô nhỏ để trữ nước vào mùa mưa và sử dụng vào mùa khô. Phương án “tích tiểu thành đại” bằng hệ thống các hồ trữ nước nhỏ rải khắp khu vực Tây Nguyên sẽ vừa là nguồn lưu trữ nước mặt, vừa là nguồn bổ sung cho nước ngầm và được xem là giải pháp 2 trong 1 giúp sử dụng hợp lý tài nguyên nước ở Tây Nguyên.

Ngoài việc xây dựng các hồ chứa, khai thác hợp lý các nguồn nước chống hạn, Phó Giáo sư-Tiến sĩ Đoàn Văn Cánh-Chủ tịch Hội Địa chất thủy văn Việt Nam-người có gần 40 năm nghiên cứu về tài nguyên nước của Tây Nguyên-cũng đưa ra giải pháp tăng cường “kho chứa” nước ngầm nhân tạo. Theo đó, người dân khi khoan giếng khai thác nguồn nước ngầm phục vụ tưới cà phê đã làm cho nước từ tầng trên thoát xuống tầng dưới, tầng trên cạn kiệt trở thành “kho ngầm” trống rỗng. “Chúng ta hoàn toàn có thể sử dụng các kho đó để lưu trữ nước, đưa nước mưa, nước mặt xuống tạo thành những bể chứa ngầm nhân tạo, biến chúng trở thành những tầng nước có thể khai thác được”-Phó Giáo sư-Tiến sĩ Đoàn Văn Cánh cho hay.

Ngoài ra, nhằm giải quyết bài toán chống hạn cho Tây Nguyên, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã đề xuất danh mục các công trình quan trọng gồm: đầu tư dự án xây dựng hồ chứa Krông Năng 2.250 tỷ đồng, hồ Ea H’Leo 1 (Đak Lak) 1.100 tỷ đồng; hồ Ia Thul (Gia Lai) 2.900 tỷ đồng; hồ Đa Sị (Lâm Đồng) 615 tỷ đồng; cụm thủy lợi Ia H’Drai (Kon Tum) 500 tỷ đồng…

 

 

Xin mượn lời Tiến sĩ Đào Trọng Tứ để kết lại loạt bài này: “Nguồn tài nguyên nước là nguồn sống, là điều kiện tiên quyết để phát triển kinh tế-xã hội và văn hóa của một đất nước. Nguồn tài nguyên này cần được quản lý, bảo vệ và phát triển vì lợi ích của tất cả mọi người chứ không vì lợi ích của một ngành/nhóm lợi ích”.

Minh Triều-Hồng Thi

Có thể bạn quan tâm