Chính trị

Tin tức

Xây dựng Đảng

Kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XV: Tiếp tục phiên thảo luận công tác tư pháp và phòng-chống tham nhũng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Ngày 24-10, kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XV tiếp tục phiên thảo luận trực tuyến về các báo cáo: công tác của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao; công tác phòng-chống tội phạm và vi phạm pháp luật; công tác thi hành án; công tác phòng-chống tham nhũng năm 2021; dự thảo Nghị quyết về tổ chức phiên tòa trực tuyến.

Tại phiên thảo luận, các đại biểu cơ bản tán thành và đánh giá cao những kết quả đã đạt được đối với công tác của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao; công tác phòng-chống tội phạm và vi phạm pháp luật; công tác thi hành án; công tác phòng-chống tham nhũng năm 2021. Nhiều ý kiến đề nghị Chính phủ cần phân tích, làm rõ những số liệu trên cơ sở so sánh với năm trước, từ đó, xác định nguyên nhân chủ quan, khách quan để đánh giá thực chất hơn những kết quả đạt được và có giải pháp phù hợp nhằm hạn chế tối đa tồn tại, hạn chế đã được chỉ ra trong các báo cáo.

 Quang cảnh phiên thảo luận trực tuyến tại đầu cầu Gia Lai. Ảnh: Quang Tấn
Quang cảnh phiên thảo luận trực tuyến tại đầu cầu Gia Lai. Ảnh: Quang Tấn


Cũng trong phiên thảo luận trực tuyến, một số đại biểu cho rằng, thời gian qua, hoạt động kêu gọi, vận động từ thiện trong phòng-chống dịch, thiên tai, lũ lụt xảy ra tình trạng tranh chấp, nói xấu lẫn nhau trên mạng xã hội, ảnh hưởng đến an ninh trật tự, thuần phong mỹ tục, văn hóa truyền thống. Do đó, đề nghị các cơ quan chức năng, đặc biệt là cơ quan điều tra, cơ quan tư pháp cần vào cuộc một cách mạnh mẽ, kịp thời hơn, làm rõ để trả lời cho công luận, cử tri biết ai đúng, ai sai, từ đó có giải pháp.

Bên cạnh đó, vấn đề phòng-chống tham nhũng cũng được nhiều đại biểu quan tâm. Đa số các đại biểu cho rằng, thời gian qua, công tác phòng-chống tham nhũng đạt được những kết quả quan trọng, tham nhũng, lãng phí từng bước được ngăn chặn. Tuy nhiên, vẫn còn tình trạng tham nhũng, tiêu cực, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong khu vực hành chính, dịch vụ công... Đồng thời, các đại biểu kiến nghị, muốn phòng-chống tham nhũng hiệu quả, cần tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng-chống tham nhũng cho công chức, viên chức, người lao động để họ trở nên “không dám, không muốn, không ham”.

Về dự thảo Nghị quyết về tổ chức phiên tòa trực tuyến, các đại biểu cơ bản tán thành sự cần thiết tổ chức phiên tòa trực tuyến nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của tòa án trong công tác xét xử, bảo đảm thời hạn xét xử do luật định, đáp ứng yêu cầu phòng-chống dịch bệnh. Đồng thời, cụ thể hóa việc ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác xét xử, hướng tới xây dựng Tòa án điện tử ở nước ta. Bên cạnh đó, các đại biểu đã tập trung thảo luận về phạm vi, các nguyên tắc cơ bản của phiên tòa trực tuyến, một số yêu cầu khi tổ chức phiên tòa trực tuyến, đồng thời góp ý trực tiếp vào nội dung dự thảo Nghị quyết…

Trên cơ sở các ý kiến thảo luận của các đại biểu Quốc hội, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Tư pháp, Tổng Thanh tra Chính phủ giải trình, làm rõ một số vấn đề được nêu.

 

    QUANG TẤN

Có thể bạn quan tâm