Chính trị

Tin tức

Xây dựng Đảng

Kỳ họp thứ 6 HĐND tỉnh Gia Lai khóa XII các tổ thảo luận nhiều nội dung cử tri quan tâm

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Sáng 7-7, kỳ họp thứ 6 HĐND tỉnh Gia Lai khóa XII bước vào ngày làm việc thứ 2 với phiên thảo luận tại tổ. Các đại biểu đã tập trung thảo luận và đóng góp nhiều ý kiến chất lượng, trọng tâm vào các báo cáo, tờ trình tại kỳ họp và nhiều nội dung còn vướng mắc bất cập mà các cử tri quan tâm.

Đề cập nhiều vấn đề vướng mắc

Bên cạnh việc thảo luận, đóng góp ý kiến vào các dự thảo nghị quyết trình kỳ họp, các đại biểu còn thẳng thắn nhìn nhận, đề cập đến những vấn đề còn tồn tại, vướng mắc trong phiên thảo luận tại tổ.

Các đại biểu tập trung thảo luận tại tổ. Ảnh: Đức Thụy
Các đại biểu tập trung thảo luận tại tổ. Ảnh: Đức Thụy


Bàn về công tác thu hút đầu tư, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Hữu Quế cho biết: Trong 6 tháng đầu năm 2022, Gia Lai đã có 6 dự án được UBND tỉnh phê duyệt quyết định chủ trương đầu tư với số vốn đầu tư 643 tỷ đồng, so với cùng kỳ năm 2021 chỉ đạt 28,57% về số dự án, vốn đăng ký chỉ đạt 4,05%. Ngoài ra, có 26 dự án được UBND tỉnh đồng ý chủ trương khảo sát, nghiên cứu với tổng số vốn đầu tư là 3.502 tỷ đồng.


Hiện Sở Kế hoạch và Đầu tư đã và đang tổ chức thẩm định 124 dự án trình UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư. Trong đó, có 20 dự án với vốn đăng ký đầu tư là 3.500 tỷ đồng đã được các sở, ngành, địa phương có ý kiến tham gia thống nhất, dự kiến trình UBND tỉnh ngay sau khi Kế hoạch sử dụng đất năm 2022 trên địa bàn các huyện, thị xã, thành phố được phê duyệt. Còn lại 104 dự án đang trong quá trình thẩm định hoặc đã được thẩm định và nhà đầu tư đang hoàn thiện, bổ sung hồ sơ.

Ông Nguyễn Hữu Quế-Giám đốc Sở Kế hoạch-Đầu tư bàn về công tác thu hút đầu tư. Ảnh: Trần Dung
Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Hữu Quế phát biểu ý kiến liên quan đến công tác thu hút đầu tư. Ảnh: Trần Dung


Theo Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, nguyên nhân dẫn đến việc phê duyệt, triển khai các dự án đầu tư còn chậm là do vị trí dự án đang trong quá trình hoàn thiện, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết; một số hồ sơ thủ tục hành chính về đầu tư, chưa đủ điều kiện trình UBND tỉnh do chờ phê duyệt Quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2021-2030 và Kế hoạch năm 2022. Do vậy, số lượng dự án được UBND tỉnh quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư còn ít.


Để khắc phục tình trạng này, đại biểu Nguyễn Hữu Quế nêu giải pháp: Sở Tài nguyên và Môi trường sớm tham mưu UBND tỉnh phê duyệt Kế hoạch sử dụng đất năm 2022 của các huyện, thị xã, thành phố để có cơ sở phê duyệt chủ trương đầu tư và các thủ tục có liên quan khác đến dự án đầu tư. Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với UBND TP. Pleiku xây dựng kế hoạch cụ thể để thực hiện các bước lập, phê duyệt quy hoạch phân khu xây dựng; làm cơ sở để lập, điều chỉnh quy hoạch chi tiết và triển khai các thủ tục đấu giá, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án theo quy định. “Hiện nay, Sở Kế hoạch và Đầu tư đang cùng các sở, ngành phối hợp để thống nhất các nội dung tại dự thảo Quy trình đầu tư sửa đổi, nhằm tinh giản thủ tục hành chính với mục tiêu tạo môi trường đầu tư tốt, thu hút các nhà đầu tư để tạo ra sự đột phá, động lực mới trong sự phát triển”-đại biểu Nguyễn Hữu Quế nêu rõ.

Một trong những vấn đề được các đại biểu quan tâm và đề cập nhiều là quy hoạch tỉnh Gia Lai thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; phê duyệt quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2021-2030 và kế hoạch sử dụng đất năm đầu của quy hoạch sử dụng đất cấp huyện còn chậm tiến độ. Ông Phạm Duy Du-Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường-cho rằng: Vấn đề lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất là thẩm quyền, trách nhiệm của các huyện, thị xã, thành phố, Sở chỉ được giao nhiệm vụ chủ trì cùng các sở, ngành tổ chức thẩm định hồ sơ trình UBND tỉnh phê duyệt. Các địa phương triển khai quá chậm, mặc dù đã có văn bản hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường, văn bản chỉ đạo của tỉnh, hướng dẫn của Sở.

Ông Phạm Duy Du-Giám đốc Sở Tài nguyên-Môi trường quan tâm đến vấn đề lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Ảnh: Đức Thụy
Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Phạm Duy Du quan tâm đến vấn đề lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Ảnh: Đức Thụy


“Nguyên nhân chính là do các địa phương lựa chọn các đơn vị tư vấn lập quy hoạch có năng lực yếu kém. Việc đăng ký nhu cầu sử dụng đất năm 2022 xây dựng không phù hợp với quy hoạch của địa phương đã được UBND tỉnh phê duyệt trước đó nên phải điều chỉnh nhiều lần. Đến nay, chúng tôi đã thẩm định kế hoạch sử dụng đất năm 2022 của 17/17 huyện, thị xã, thành phố, đơn vị thẩm định cuối cùng là huyện Ia Grai. Hiện đã có 8/17 đơn vị hoàn thiện hồ sơ và được Sở thầm định lần cuối để trình UBND tỉnh phê duyệt; đồng thời tiếp tục đôn đốc các địa phương còn lại nhanh chóng hoàn thiện hồ sơ trên cơ sở góp ý của các thành viên hội đồng thẩm định”-đại biểu Phạm Duy Du nhấn mạnh.

Mặc dù UBND tỉnh đã chỉ đạo các cấp, cách ngành, các lực lượng triển khai kịp thời biện pháp phòng-chống dịch quyết liệt với tinh thần trách nhiệm cao; tuy nhiên, việc tiêm vắc xin phòng Covid-19 mũi 3 trên địa bàn tỉnh chưa đạt yêu cầu đề ra khiến nhiều đại biểu băn khoăn. Hiện nay, Gia Lai đã tiêm vắc xin mũi 1 đạt 103,92%, mũi 2 đạt 97,95% và mũi 3 mới chỉ đạt 78,43%. “Như vậy, đối tượng từ 18 tuổi trở lên tại tỉnh được tiêm 3 mũi vắc xin phòng Covid-19 vẫn chưa đạt yêu cầu đề ra. Ngành Y tế có đủ vắc xin cũng như nhân lực phục vụ tiêm chủng nhưng cái khó là việc vận động các người dân đến tiêm chủng. Chúng ta cần phải có giải pháp đồng bộ và có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị để đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân đi tiêm chủng đầy đủ, phấn đấu phủ mũi 3 trong thời gian sớm nhất”-đại biểu Trịnh Duy Thuân-Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP. Pleiku-nêu ý kiến.

Đồng quan điểm, đại biểu Đặng Thị Thanh Vân-Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin thị xã Ayun Pa-nhận định: “Tiến độ tiêm mũi 3 chậm hơn mũi 1 và 2 trước hết là do nhận thức của người dân. Một bộ phận người dân đã tiêm 2 liều vắc xin sau khi mắc Covid-19 và bình phục có xu hướng không tiêm tiếp mũi 3 vì cho rằng đã có miễn dịch tự nhiên sau khi mắc bệnh. Mặt khác, nhiều người trì hoãn tiêm mũi 3 vì lo ngại tác dụng phụ do vắc xin gây ra... Mặc dù chính quyền địa phương đã tích cực tuyên truyền vận động và xuống tận nhà tiêm nhưng tỷ lệ người dân đồng ý tiêm vẫn rất ít. Tôi đề nghị chúng ta phải có những cách tuyên truyền đổi mới để tạo sự đồng thuận cho người dân”.

Thảo luận nhiều nội dung cử tri quan tâm

Trên cơ sở gợi ý thảo luận của chủ tọa kỳ họp, nhiều đại biểu đã dành thời gian thảo luận, đóng góp ý kiến liên quan đến vấn đề “Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp tỉnh Gia Lai theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững trong điều kiện biến đổi khí hậu, giai đoạn 2016-2020”. Đại biểu Võ Anh Tuấn-Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh-băn khoăn: Trong cơ cấu lại ngành Nông nghiệp, cần tập trung xác định cơ cấu cây trồng, vật nuôi cho phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng vùng sản xuất; gắn kết chặt chẽ giữa công nghiệp chế biến, dịch vụ với nông nghiệp; giữa phát triển nông thôn mới bền vững với quá trình đô thị hóa theo hướng “nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh”. Tuy nhiên, trong kế hoạch cơ cấu lại ngành Nông nghiệp tỉnh giai đoạn 2021-2025 chưa đánh giá hết về những hạn chế, bất cập hiện nay. Để nâng cao hiệu quả kế hoạch này, chúng ta cần nêu rõ những tồn tại cũng như các giải pháp cụ thể.

Đại biểu Võ Anh Tuấn- Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh băn khoăn:
Đại biểu Võ Anh Tuấn-Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh quan tâm đến vấn đề “Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp tỉnh Gia Lai theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững trong điều kiện biến đổi khí hậu, giai đoạn 2016-2020”. Ảnh: Đức Thụy


Liên quan đến lĩnh vực văn hóa-xã hội, đại biểu Đỗ Thị Hương Lan-Phó Trưởng ban Dân tộc HĐND tỉnh-cho rằng: “Cần có giải pháp quyết liệt trong công tác duy trì sĩ số học sinh, nhất là học sinh người dân tộc thiểu số. Theo báo cáo, năm học 2021-2022, tỷ lệ học sinh đồng bào dân tộc thiểu số bỏ học chiếm 88,16% trên tổng số học sinh bỏ học toàn tỉnh. Đây là một con số đáng lo ngại. Nguyên nhân chính là bởi trong thời gian học trực tuyến do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhiều học sinh đã không đủ điều kiện theo học nên đã nghỉ học. Đặc biệt, vấn nạn tảo hôn vẫn đang xảy ra nhiều trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Hiện nay, chúng ta đang thực hiện Đề án "Giảm thiểu tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết" nhằm tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền đối với công tác thực thi Luật Hôn nhân và Gia đình; đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền, phổ biến giáo dục để nâng cao nhận thức, ngăn ngừa và giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết ở địa phương”.

Đại biểu Đỗ Thị Hương Lan-Phó Trưởng ban Dân tộc HĐND tỉnh băn khoăn về tỷ lệ học sinh người dân tộc thiểu số nghỉ học. Ảnh: Đức Thụy
Đại biểu Đỗ Thị Hương Lan-Phó Trưởng ban Dân tộc HĐND tỉnh băn khoăn về tỷ lệ học sinh người dân tộc thiểu số nghỉ học. Ảnh: Đức Thụy


Bên cạnh đó, nhiều đại biểu còn bày tỏ sự quan ngại trước một số khó khăn, thách thức của ngành Giáo dục hiện nay. Đại biểu Huỳnh Thế Mạnh-Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy-cho rằng: Ngành Giáo dục Gia Lai đang đứng trước thách thức khó khăn cần quan tâm chia sẻ, tháo gỡ, đó là tình trạng thiếu hụt biên chế đối với đội ngũ giáo viên. Hiện biên chế giáo viên còn thiếu, cần tăng thêm để đảm bảo công tác dạy học nhưng vẫn phải thực hiện lộ trình tinh giản biên chế theo quy định của Trung ương. Hơn nữa, thực chương trình giảng dạy theo sách giáo khoa mới, yêu cầu đòi hỏi biên chế giáo viên tăng lên. “Do vậy, trước mắt để giải quyết bất cập này cần phải có giải pháp cụ thể quản lý, sử dụng đội ngũ biên chế một cách tiết kiệm nhất, hiệu quả nhất trong điều kiện vừa thiếu, vừa khó. Bởi vì qua giám sát của HĐND tỉnh, việc phân bổ biên chế giữa các huyện, trường và bậc học còn bất hợp lý. Thêm nghịch lý nữa là chuyện thừa-thiếu giáo viên cục bộ, nơi khó khăn thì biên chế phân bổ ít, nơi thuận lợi thì biên chế nhiều”-Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy nhấn mạnh.

Chiều 7-7, kỳ họp tiếp tục với phiên thảo luận tổ. 

 

MINH DUNG

 

Có thể bạn quan tâm