Phóng sự - Ký sự

Kỳ II: Nghĩa tình sau trước vẹn toàn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Nghĩa tình anh em láng giềng giữa hai quốc gia dân tộc Việt Nam- Campuchia vốn đã hình thành từ lâu đời. Trong những thập kỷ qua càng khẳng định sự vun đắp, xây dựng bền chặt mà chặng đường đáng ghi xương khắc cốt nhất có lẽ là những năm tháng đất nước Chùa Tháp rơi vào tay bọn Khmer đỏ mà Việt Nam là người giúp bạn thoát khỏi ách thống trị diệt chủng này…
Hồi đầu năm ngoái, trong cùng chuyến công tác với đoàn cán bộ lãnh đạo của Gia Lai do Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân tỉnh Phạm Đình Thu dẫn đầu thăm và làm việc với một số tỉnh của Campuchia, tôi đã có dịp đến Phnom Penh. Thế nhưng nhiều điểm đến rất cần cho sự tìm kiếm thông tin của người làm báo mà tôi chưa thể tới được trong dịp ấy- một trong những nơi đó là Trường Trung học phổ thông Tuol Sleng- nơi đã biến thành một trong những nhà tù với quy mô giam giữ lên đến gần hai vạn người và sự độc ác trong tra tấn, giết người dã man khủng khiếp nhất của tập đoàn Pol Pot thời chúng cai trị xứ sở này.
Đài tưởng niệm Quân Tình nguyện Việt Nam tại Campuchia.
Ngày 21-12-1988, một trong những người chứng kiến sự kiện rút các sư đoàn Quân Tình nguyện Việt Nam từ Campuchia về nước qua cửa khẩu Đức Cơ (Gia Lai) mà trong buổi lễ vô cùng long trọng đó có sự đồng chủ trì của đại diện lãnh đạo Đảng, Chính phủ và quân đội của hai nước, diễn văn do nữ Bí thư Tỉnh ủy Rattanakiri La On bấy giờ đọc có những đoạn mà tôi đã trích đăng trên báo Gia Lai-Kon Tum khi ấy như thế này: “… Đất nước Campuchia trước ngày Quân Tình nguyện Việt Nam đến là một đất nước đau thương, tang tóc, đứng bên bờ vực thẳm của nạn diệt chủng, các đồng chí, các anh, các bạn đến với chúng tôi, giúp đỡ hết lòng cho chúng tôi, cho đất nước Campuchia thoát khỏi đao phủ của bọn diệt chủng Pol Pot. Các đồng chí đã giúp đỡ nhân dân chúng tôi tiến hành một cuộc hồi sinh cho Tổ quốc chúng tôi, xây dựng cuộc sống hòa bình và hạnh phúc cho nhân dân chúng tôi…”.
Khi đọc bài diễn văn này rất nhiều lần nữ Bí thư dừng lại và khóc nức nở trước hàng vạn người trong buổi lễ. Tôi còn nhớ như in những lời chia sẻ, nhắc nhở khi chia tay giữa những người lính Việt Nam với các ông, các bà, các anh các chị, các em nhỏ, các thiếu nữ Campuchia hôm đó, bao đôi mắt nhòe đỏ khi những người lính tình nguyện bước lên xe và nhất là khi những chiếc xe cuối cùng của chiến sĩ ta rời khỏi Ozadav.
Bây giờ quay trở lại vùng này, tôi không còn nhớ được vị trí hôm bạn tổ chức lễ tiễn đưa năm ấy, nhưng điều chắc chắn tôi không thể quên nơi đó là vùng rừng nghèo, đất hoang, xung quanh có vài làng bản thưa thớt, người dân vừa bước ra khỏi nạn diệt chủng, đời sống còn vô cùng khó khăn, thiếu thốn. Bây giờ vùng huyện lỵ Ozadav đã khá sầm uất, đường, điện, bệnh viện, trường học, các cơ sở hạ tầng sản xuất và xã hội khác đã được đầu tư xây dựng. Trong đó nhiều công trình phía bạn nhận được sự tài trợ từ Chính phủ Việt Nam và tỉnh giáp biên Gia Lai. Gần như câu cửa miệng của những người lãnh đạo phía bạn khi tiếp và làm việc với lãnh đạo tỉnh Gia Lai mà nhiều lần tôi được chứng kiến là “cảm ơn Việt Nam đã giúp Campuchia đánh đổ chế độ diệt chủng và xây dựng hòa bình…”.
Trước đó, trong công cuộc các nước Đông Dương cùng chống các đội quân xâm lược giành lại độc lập, tự do cho mỗi dân tộc, những người anh em, những người bạn đã cùng đoàn kết, chung tay, chung sức giúp đỡ lẫn nhau với tinh thần của những người láng giềng thân thích mà có nhà lãnh đạo mới đây cho rằng đó là “tài sản vô giá”. 
Tôi đến Bảo tàng diệt chủng Tuol Sleng ở khu phố Tuol Svay nằm về phía Nam thủ đô Phnom Penh, nguyên trước đó là một trường trung học phổ thông bị bọn diệt chủng Khmer đỏ dùng làm nhà tù. Theo lời người hướng dẫn viên thì nơi đây bọn Pol Pot đã từng giam giữ gần 20.000 người mà chúng cho là “phản động” nhưng thực chất trong số những người bị giam giữ và tra tấn, giết hại bằng những kiểu cách man rợ hơn thời Trung cổ là những người nông dân, công nhân, trí thức, trẻ em, phụ nữ và cả những người nước ngoài…
Ai đã một lần đến Bảo tàng này không thể không để lại ấn tượng rùng rợn, kinh hãi và căm thù tột độ bọn diệt chủng khi tận mắt chứng kiến những gì mà “con người” đã dành cho con người còn kém hơn cả những loài thú dữ. Đi cùng xe và ngủ cùng phòng với anh Siu Miên- nguyên là Bí thư Huyện ủy Chư Sê, tôi luôn được nghe về những kỷ niệm xa xưa của anh và đồng đội anh cả thời chống Mỹ và thời giúp bạn chống Pol Pot trên xứ Chùa Tháp này. Anh bảo mình đã có mặt trên những vùng đất từ Rattanakiri đến Mundunkiri, Stung Treng… từ những năm 60 của thế kỷ trước, tuy vô cùng khó khăn ác liệt, cái chết- sự hy sinh luôn cận kề nhưng tình quân dân, tình đồng đội không phân biệt quốc gia, quốc tịch, các anh sống và chiến đấu như những người anh em ruột thịt trong lòng đồng bào các dân tộc ở đấy. Gần như anh chưa quên một địa danh nào nơi anh đã từng đóng quân trên đất bạn. Nhớ và nghĩ về những đồng đội đã vĩnh viễn nằm lại trên mảnh đất này, anh không khỏi bồi hồi, xúc động, trên gương mặt đã không còn trẻ của anh luôn hiện lên nét suy tư, buồn cảm.
Gặp một người đồng hương làm rể bên nước bạn, anh thật sự xúc động nói chuyện với nhau bằng chính ngôn ngữ mẹ đẻ; anh hỏi han về đời sống, về sức khỏe, về gia đình và chia sẻ “tình hình” bên nhà… Những câu chuyện ấy níu chân anh khá lâu trên một góc phố nhỏ làm chúng tôi rất khó xử dù biết chặng đường phía trước nơi chúng tôi đến còn khá xa mà thời gian đã quá muộn.
Hôm sau chuyến xuất ngoại ấy, trong khi đang “liên hoan” cùng đồng đội cũ bên những lon bia Angkor mà anh đem về, anh lại gọi cho tôi trong chất giọng lẫn cả buồn vui, anh khẳng định những gì anh đã kể cho tôi nghe về đồng đội anh trong thời giúp bạn đánh Khmer đỏ là chính xác, vì anh đang “kiểm tra” trí nhớ của mình trước các bạn anh đây. Đó là bài học của thời trận mạc, trong một trận đánh quân Pol Pot khá thuận lợi, chẳng xảy ra thương vong nào cho đơn vị vì “chưa đánh” bọn chúng đã tháo chạy như những đàn vịt dưới ngọn sào của người chăn giữ, chẳng một kháng cự nào xảy ra, thế là đám lính trẻ vui mừng mà không cảnh giác sự nguy hiểm còn rình rập ở phía trước. Những ngày sau đó, sau khi ổn định lại tinh thần, bọn lính Khmer đỏ dùng chiến thuật du kích, thỉnh thoảng lại phục kích nhỏ lẻ đã làm tổn thất cho đơn vị- đúng là bài học đắt giá về sau cho đơn vị các anh.
Hành trình gần 2.000 cây số trên đất bạn, trên ô tô, trong bữa cơm, khi đã về phòng nghỉ, bất cứ lúc nào những thành viên trong đoàn và các bạn Campuchia cũng rối rít về những câu chuyện đã thuộc về quá khứ, cả những câu chuyện dự báo cho tương lai và đặc biệt là những gì hiện tại. Đó là sau khi đánh đổ tập đoàn diệt chủng Pol Pot có sự giúp đỡ, ủng hộ của Việt Nam và bạn bè thế giới, dưới chính quyền mới của chính mình lãnh đạo, giờ đây tuy còn không ít khó khăn trở ngại nhưng đất nước Chùa Tháp này đang hồi sinh từng ngày và những tiềm năng sẵn có đang được khai thác để làm giàu, trong đó có sự chia sẻ giúp đỡ và hợp tác toàn diện, có hiệu quả của doanh nghiệp Việt Nam.
Ảnh: Bích Hà
Ngược lại về phía mình, Campuchia cũng đã có những chính sách thông thoáng, kêu gọi đầu tư, sẵn sàng ủng hộ, giúp đỡ doanh nghiệp Việt Nam có nhiều cơ hội sản xuất kinh doanh trên đất nước mình, đặc biệt là những vùng nông thôn, vùng khó khăn, chậm phát triển nhằm giúp người dân sở tại có cơ hội xóa đói giảm nghèo và nhất là sự chia sẻ, giúp đỡ chí tình, trọn nghĩa trong việc tìm kiếm, hồi hương hài cốt liệt sĩ Quân Tình nguyện Việt Nam trên đất bạn trong nhiều năm qua…
Anh phiên dịch kiêm hướng dẫn viên, người của Công ty TNHH Phát triển Cao su Chư Sê-Kampong Thom- Ngoh Soo Thia rất bảnh trai vừa làm vừa đang theo học cao học ở Phnom Penh bảo với tôi là anh đã có lần bốn ngày ở thành phố Pleiku và bốn ngày ấy chẳng ngày nào không… say. Anh còn nói người Việt đón tiếp khách xa thật chu toàn, đã để lại trong anh những kỷ niệm không thể quên sau chuyến đi đó và chỉ mấy ngày ngắn ngủi thôi mà anh đã có một “danh sách trích ngang” bạn bè ở Gia Lai, thi thoảng các anh vẫn giữ liên lạc với nhau bằng điện thoại và những hứa hẹn tương lai hội ngộ.
Thấy, nghe và biết những gì trên xứ bạn qua chuyến đi này để lại bao điều có ích cho chúng tôi- tình nghĩa bạn bè, tình nghĩa láng giềng, anh em Việt Nam- Campuchia trước sau như một, nó đang phát huy từ truyền thống vốn có và được thế hệ hôm nay vun đắp ngày một thêm bền vững và có thể khẳng định cho dù vật đổi sao dời thì nghĩa tình ấy chắc chắn sẽ chẳng bao giờ phôi phai!
Bích Hà

Có thể bạn quan tâm