Chính trị

Tin tức

Xây dựng Đảng

Kỷ niệm 88 năm thành lập Đảng: Xây dựng Đảng vững chắc về tư tưởng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Kể từ khi thành lập đến nay (3-2-1930), Đảng ta luôn đặc biệt coi trọng công tác xây dựng Đảng. Đảng đã ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị về xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Đó là cơ sở, tiền đề vững chắc bảo đảm cho Đảng luôn trong sạch, vững mạnh.

Đại hội XII của Đảng tiếp tục khẳng định xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt, trong đó việc tập trung xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức, tích cực đổi mới phương thức lãnh đạo là những vấn đề cơ bản, là cơ sở để xây dựng Đảng ngang tầm, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng và tổ chức là ba mặt có mối quan hệ mật thiết, gắn bó, có chung mục đích là làm tăng sức mạnh của Đảng để lãnh đạo sự nghiệp cách mạng vẻ vang của dân tộc.

 

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dự Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác tổ chức xây dựng Đảng năm 2017, triển khai nhiệm vụ năm 2018.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dự Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác tổ chức xây dựng Đảng năm 2017, triển khai nhiệm vụ năm 2018.

Công cuộc đổi mới do Đảng khởi xướng và lãnh đạo trong những năm qua đã thu được nhiều thành tựu quan trọng, khẳng định vị thế của đất nước. Việt Nam đạt những thành tựu quan trọng trong công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, diện mạo đất nước có nhiều thay đổi, kinh tế duy trì, tốc độ tăng trưởng khá, tiềm lực và quy mô nền kinh tế tăng lên; đời sống nhân dân từng bước được cải thiện. Cùng với những thành tựu chung đó, luồng gió độc hại của mặt trái cơ chế thị trường đã len lỏi vào đời sống xã hội với những biểu hiện đa dạng, phức tạp đòi hỏi công tác xây dựng Đảng về tư tưởng cần tiếp tục được chú trọng.

Vấn đề sống còn này đã được Đảng chỉ rõ mà cụ thể tại Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI), Trung ương Đảng xác định phải ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp.

Tiếp đó, tại Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII), lần đầu tiên Ban Chấp hành Trung ương đã thẳng thắn chỉ ra một cách có hệ thống 27 biểu hiện của sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, "tự diễn biến," "tự chuyển hóa" trong đó biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị đã được Trung ương Đảng chỉ rõ, đó là phai nhạt lý tưởng cách mạng; dao động, giảm sút niềm tin vào mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; hoài nghi, thiếu tin tưởng vào chủ nghĩa Marx-Lenin, tư tưởng Hồ Chí Minh; xa rời tôn chỉ, mục đích của Đảng; không kiên định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội; phụ họa theo những nhận thức lệch lạc, quan điểm sai trái.

Suy thoái về tư tưởng chính trị thể hiện ở tham vọng chức quyền, không chấp hành sự phân công của tổ chức; kén chọn chức danh, vị trí công tác; chọn nơi có nhiều lợi ích, chọn việc dễ, bỏ việc khó; không sẵn sàng nhận nhiệm vụ ở nơi xa, nơi có khó khăn. Thậm chí còn tìm mọi cách để vận động, tác động, tranh thủ phiếu bầu, phiếu tín nhiệm cho cá nhân một cách không lành mạnh...

Hội nghị Trung ương 4 (khóa XII) đã tiến thêm một bước, chỉ ra nguyên nhân các "căn bệnh," có cả nguyên nhân khách quan và chủ quan, trong đó nguyên nhân chủ quan là chủ yếu, bắt nguồn từ việc bản thân cán bộ, đảng viên thiếu tu dưỡng, rèn luyện; lập trường tư tưởng không vững vàng; sa vào chủ nghĩa cá nhân, quên mất trách nhiệm, bổn phận trước Đảng, trước dân. Nguyên tắc tập trung dân chủ bị buông lỏng, nguyên tắc tự phê bình và phê bình thực hiện không nghiêm.

Trước thực trạng này, Trung ương Đảng khẳng định trong công tác chính trị tư tưởng, tự phê bình và phê bình cần tích cực đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; Chủ động nắm bắt diễn biến tư tưởng của cán bộ, đảng viên để có chủ trương, giải pháp xử lý kịp thời, hiệu quả. Xây dựng và thực hiện có hiệu quả nội dung xây dựng Đảng về đạo đức, trong đó chú trọng xây dựng hệ thống chuẩn mực các mối quan hệ của cán bộ, đảng viên với tổ chức đảng và với nhân dân.

Xác định các nhóm giải pháp cụ thể, thiết thực, huy động sức mạnh tổng hợp để thúc đẩy mạnh mẽ chuyển biến tình hình xây dựng, chỉnh đốn Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đặc biệt nhấn mạnh: “Sự gương mẫu của Trung ương là cực kỳ quan trọng, có ý nghĩa quyết định. Từng đồng chí Ủy viên Trung ương, Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, từng đồng chí đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp phải tự giác, gương mẫu thực hiện nghị quyết, nói đi đôi với làm, chỉ đạo quyết liệt với quyết tâm rất cao, sự nỗ lực rất lớn."

Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) đã được đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân quan tâm, đón nhận, đồng tình, hưởng ứng bằng những kế hoạch, việc làm cụ thể, thiết thực, qua đó góp phần tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong tình hình hiện nay. Nhiều địa phương như Nghệ An, Hà Nội, Lạng Sơn, Quảng Bình, Quảng Trị, Bạc Liêu, Trà Vinh, Hà Giang... đã có những cách làm hay, mang lại hiệu quả cao, tạo chuyển biến tích cực như Trà Vinh in ấn, phát hành sổ tay về 82 biểu hiện cụ thể là những điều đảng viên không được làm trên cơ sở cụ thể hóa 27 biểu hiện suy thoái đã được chỉ rõ trong Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) hay Hà Giang xây dựng Bộ công cụ, cụ thể hóa đánh giá theo 4 mức độ 27 biểu hiện suy thoái, tự diễn biến, tự chuyển hóa...

Để hoàn thành sứ mệnh lịch sử của Đảng, hoàn thành trọng trách mà nhân dân tin cậy giao phó, xứng đáng với truyền thống vẻ vang suốt 88 năm qua (3/2/1930-3/2/2018), đòi hỏi Đảng ta phải tiếp tục không ngừng rèn luyện để có đủ bản lĩnh, năng lực, trí tuệ lãnh đạo đất nước, trong đó công tác xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức luôn là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng.

Mỗi cán bộ, đảng viên phải ra sức, nỗ lực phấn đấu thực hiện có hiệu quả, hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu mà Nghị quyết Đại hội XII và các nghị quyết, kết luận của Trung ương. Đặc biệt, quán triệt, thực hiện đồng bộ 4 nhóm giải pháp của Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, gắn với thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị.

Quỳnh Hoa/TTXVN

Có thể bạn quan tâm