Những cây cao su đầu tiên do người Pháp trồng tại Việt Nam hiện có tuổi đời hơn trăm năm, to lớn hai người ôm không xuể, ghi dấu một thời "đi dễ khó về".
Năm 1901, người Pháp thực hiện tuyến đường sắt Sài Gòn - Phan Thiết, qua vùng đất còn hoang sơ màu mỡ thuộc địa phận tỉnh Đồng Nai, các kỹ sư và nhà thầu đã lập một trang trại cao su tại đây với hơn 1.000 cây giống. Hơn một thế kỷ trôi qua, vườn cây in dấu người xưa trong sự thăng trầm của ngành cao su.
In dấu nhật nguyệt
Ngã tư Dầu Giây (thuộc huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai) đang được quy hoạch thị trấn. Đây cũng là nơi giao thoa giao thông, văn hóa của nhiều vùng miền, dân tứ xứ về đây lập nghiệp. Hệ thống cao tốc Bắc - Nam, Quốc lộ 1 cũng như các tuyến đường đi Đà Lạt, Vũng Tàu, TP HCM đều có điểm nối, giao cắt tại đây.
Khu vườn cao su lịch sử nằm giữa trung tâm Dầu Giây. Lãnh đạo Nông trường Dầu Giây - đơn vị quản lý vườn cây này - giúp chúng tôi tiếp cận với các "cụ" cây. Trăm năm, người trồng cũng như những lớp người chăm sóc cây đã lần lượt về cõi thiên thu nhưng các "cụ" cây vẫn căng nhựa sống.
Vườn cao su cổ (ảnh trên) và một trong những gốc cao su của thế hệ được trồng đầu tiên |
Lô 9. Vườn cây được đặt tên như vậy trong lịch sử hình thành của Nông trường Dầu Giây. Theo tư liệu lịch sử, người Âu lúc đó nhận thấy đất đai Dầu Giây trong tổng thể vùng đất Nam Bộ màu mỡ nên lập vườn trồng thử nghiệm nhiều loại cây. Sau 5 năm, đến năm 1906, do thích ứng với khí hậu, cây cao su phát triển vượt trội nên được trồng mở rộng với khoảng 1.000 cây, trên diện tích 8 ha.
Từ sau năm 1975, vườn cây thuộc Nông trường Dầu Giây, Tổng Công ty Cao su Đồng Nai quản lý. Đến năm 1980, các cây cao su trồng xen ở Lô 9 được ngưng cạo mủ để giữ gìn di tích lịch sử là những cây cao su đầu tiên. Một số cây được trồng xen vào để lấp đầy khoảng trống do một số cây xưa gãy đổ bởi thời tiết. Nông trường cũng cho xây dựng hàng rào, làm cổng bảo vệ và cử người quét dọn, chăm sóc. Hiện vườn còn lại hơn 300 cây thuộc lớp những cây đầu tiên, trồng vào những năm đầu thế kỷ XX.
"Trong vườn cây tịch mịch, ngước nhìn lên những ngọn cây vi vút gió, giữa trời trong mây trắng, nhớ về các thế hệ cha ông, khung cảnh xưa như tái hiện. Bao lớp người ra đi nhưng cảnh xưa còn đó, in dấu nhật nguyệt" - vị cán bộ lớn tuổi của nông trường nói và chậm bước trong vườn giữa tiếng chim hót.
Ký ức trăm năm
Các cán bộ ở Nông trường Dầu Giây cho biết muốn hiểu rõ khu vườn xuyên thế kỷ này chỉ có thể tìm đến một trong những vị lão trượng của ngành là ông Hoàng Minh Sang, nguyên Phó Giám đốc Nông trường Cao su Đồng Nai. Ông Sang đã 85 tuổi, nhà ở ngay khu ngã tư Dầu Giây, cách vườn cây này chỉ vài trăm mét.
Ông Sang được xem là lão trượng vì không những là lãnh đạo lâu năm trong ngành mà còn sinh ra trong gia đình công tra (công nhân mộ phu) làm việc tại vườn cây này cùng người Pháp. Sau thời gian phục vụ chế độ cũ, sau năm 1975 ông tiếp tục được tin dùng và sau đó giữ chức phó giám đốc nông trường, chuyên nghiên cứu và quản lý phục vụ ngành cao su cho đến lúc nghỉ hưu, đầu những năm 1990.
Năm 1936, ông Sang cùng gia đình từ tỉnh Quảng Trị vào làm phu đồn điền ở vùng này. Ông Sang nhớ lứa cây cao su đầu tiên đã gần 50 tuổi. Lúc đó, ông Sang mới 4 tuổi, cùng đám trẻ con nhà phu cao su sống với cha mẹ trong những nhà tập thể mái tranh, vách đất khi vùng đất này vẫn còn hoang vu, rừng thiêng nước độc. "Lúc đó, chúng tôi phải dùng những chiếc bao bố may lại thành áo. Cuối tuần, đem áo nhúng vào nước sôi để giết rận rồi phơi khô để mặc tiếp" - ông Sang nói, mắt nhìn xa xăm.
Sau thế hệ ông Sang là các lớp phu từ miền Bắc vào đây tìm sinh kế, bất chấp những dự báo rủi ro lúc phải rời quê cha đất tổ. Trước lúc đến, họ phải qua kỳ tuyển mộ, gọi là mộ phu. Vào làm, họ được gọi là những "công tra", có người sau này không chịu được gian khổ phải tìm cách hồi hương. Theo hồi ký của một số người trong thời kỳ này, việc làm công tra ở các đồn điền cao su là một trong những nghề thấp kém, khổ ải nhất hồi bấy giờ. Sốt rét thường xuyên, dù được chăm sóc nhưng nhiều người vẫn mất mạng.
Tuổi thanh niên, ông Sang tiếp tục theo cha mẹ làm công tra nhưng sau đó là một trong số ít người tại đồn điền học hết tú tài, rồi theo học tại Học viện Quốc gia hành chánh.
Ngọn cao su xào xạc, thỉnh thoảng những cành cây cao su vặn mình răng rắc. Trong vườn cây, các căn nhà và những vật dụng từ thời những lớp công tra đầu tiên được bảo tồn, phục dựng. "Đây là chỗ ngủ, kia là cái xẻng, xoong nồi từ lớp người xưa còn lại. Mỗi lần đến đây, cảm thấy như cảnh xưa tái hiện, người xưa còn đâu đây" - vị lão trượng suy tư.
Thành khu di tích lịch sử
Vườn cây cao su trăm tuổi này giờ đã trở thành khu di tích lịch sử cấp tỉnh của Đồng Nai. Lô 9 được xây hàng rào bao quanh. Hiện vườn còn 306 cây cổ trong số khoảng 700 cây thế hệ đầu tiên. Trước mắt chúng tôi, hàng chục cây trong số còn lại đang già cỗi hoặc dần mục ruỗng do bị sâu mọt ăn, khó cầm cự thêm với thời gian. Đơn vị quản lý cho biết không có biện pháp nào có thể níu kéo. "Ở nước ngoài họ có những biện pháp chống giữ nhưng kinh phí lớn lắm" - một người quản lý tại đây cho biết.
Dẫn chúng tôi đi dưới những tán cây cao su, ông Lê Văn Phúc, cán bộ nông trường, kể vừa qua do bão, hàng loạt cây cổ của vườn gãy đổ, phải chặt bỏ hoàn toàn khiến những người chăm sóc cây rất xót xa. Căn nhà phục dựng, mô phỏng nơi ở của những công tra ngày nào, với vài mẫu vật như dụng cụ lấy mủ, cuốc xẻng, chiếc kẻng dùng phát hiệu lệnh tập trung cũng đang mòn gỉ, hao hụt dần.
Rất tự hào Ông Nguyễn Hữu Tam, Giám đốc Nông trường Cao su Dầu Giây, nhìn nhận: "Người trong ngành cao su rất tự hào về vườn cây cổ. Mỗi dịp lễ kỷ niệm ngành, nhiều người đến đây tìm về cội nguồn. Lớp trẻ cũng đến đây tìm hiểu về lịch sử cha anh để phấn đấu. Chúng tôi ý thức rất lớn về việc bảo tồn các hiện vật còn lại quý giá này". Bùng nổ ở xứ Biên Hòa Năm 1877, người Pháp cho gieo thử một số hạt giống tại Thảo Cầm Viên (Sài Gòn) nhưng đều chết hoặc không nảy mầm. Hai năm sau, họ tiếp tục trồng thử nghiệm ở Thủ Dầu Một và Khánh Hòa nhưng vẫn không thành công. Năm 1898, một người trồng thử nghiệm 10.000 cây ở vùng đất phía Bắc Sài Gòn và thành công. Cùng thời điểm, cây cao su được trồng thử nghiệm ở Dầu Giây rồi mở rộng, bùng nổ ở xứ Biên Hòa. Cây cao su tiếp tục được gieo trồng cùng với việc khai phá đất đai ở các vùng Trảng Bom, Định Quán, Xuân Lộc (nay thuộc tỉnh Đồng Nai). Việc khai khẩn, mở rộng diện tích trồng cao su dần dần được người Pháp đẩy mạnh, sau năm 1975 chủ yếu do nhà nước đầu tư. |
Xuân Hoàng (NLĐO)