(GLO)- “Nhà hát” làng tôi nguyên là cái sân kho của Hợp tác xã, bên trong có vuông sân xây cao, rộng làm sân khấu.
1. Trời sinh tôi mê hát tuồng.
Hồi tôi đâu chừng 5 tuổi thì được chị dắt đi coi hát. Cảnh đào kép vẽ mặt đánh phấn tô son cùng những âm thanh đàn ca chiêng trống chắc gây ấn tượng mạnh lắm nên mới trở thành ký ức đầu đời của tôi. Đam mê hát tuồng theo tôi suốt thời ấu thơ; cứ ngong ngóng chờ xem nơi đâu có đoàn hát về để kỳ kèo xin anh chị dắt đi coi. Ấy là nói chuyện đoàn về hát ở xa; còn gần ư: không ai dẫn cũng… to gan trốn mẹ theo người trong xóm đi coi một mình!
Ảnh minh họa (nguồn internet) |
Thập niên 80 của thế kỷ trước là thời cực thịnh của những đoàn hát bội lưu diễn.
“Nhà hát” làng tôi nguyên là cái sân kho của Hợp tác xã, bên trong có vuông sân xây cao, rộng làm sân khấu. Dưới gầm sân khấu là khu “hậu trường”, nơi diễn viên căng rèm che làm nơi vẽ mặt, thay đồ mỗi khi ra diễn. Có lần lẻn chui vào nấp trong cái hốc tối gần chỗ chất đạo cụ, tôi và nhỏ bạn trố mắt dòm say sưa hết “ông” diễn viên này tới “bà” diễn viên nọ ra vô, tô tô, vẽ vẽ. Lần đầu tiên tôi được xem “cận cảnh” những nàng công chúa má phấn môi son xiêm y lộng lẫy, những vị anh hùng giáo gươm mũ mão chỉnh tề, đường bệ uy nghi trên sân khấu trong xống áo đời thường. Hơi có chút thất vọng khi thấy họ cũng… thường thôi, chẳng khác gì nhiều so với mấy anh trai làng hay mấy chị nông dân vẫn ngày ngày ra đồng cấy lúa.
2. Cũng “đoạn trường” lắm cái cảnh xoay xở để được vô coi hát. Vé ư, đừng có nằm mơ! Con nhà nghèo mười đứa như chục, ban đêm không bị bắt phụ xay lúa giã gạo, trông em hay lột vỏ đậu phộng đã là may. Chờ mẹ cho tiền mua vé đi coi có mà tới… Tết Congo (tức chuyện không bao giờ có)! Cái khó ló cái khôn, lũ nhỏ cứ lẩn quẩn gần bên cửa soát vé, thấy có người lớn cầm vé (đi một mình) là nhào tới níu tay: “Cô/chú gì ơi, cho cháu theo vào cổng với…”. Thường thì sẽ được gật đầu đồng ý; nhưng cái “thị phần” này cũng không phải bở ăn cho lắm bởi người lớn đi coi thì mười người hết bảy có dắt trẻ con, trong khi lũ nhỏ nghèo rình coi hát “cọp” lại quá đông.
Gây ấn tượng mạnh nhất trong tôi có lẽ là lần coi vở tuồng (tôi quên mất tên) có cảnh diễn viên nam chính (nghĩa hiệp, đẹp trai) bị kẻ ác đâm chết. Nhìn cảnh chàng diễn viên yêu thích bị kiếm đâm xuyên bụng, máu me đầm đìa, tôi không tài nào ngăn được nước mắt. Khóc ròng từ sân bãi khóc về nhà. Mẹ ngạc nhiên: “Đứa nào đánh? Hay đau ở đâu?”. “Không, là con thương ông diễn viên nghĩa hiệp đẹp trai bị chết”… Mẹ cười ngất: “Khờ chi khờ dữ, ổng giả bộ đó chớ chết gì!”. Tôi nhất quyết không tin, cứ cối chày cãi lẽ (ổng bị kiếm đâm, thấy máu me dầm dề sao mà giả được?). Nói hoài mỏi miệng, mẹ xua tay: “Thôi, không cãi thêm với mầy; mai đi coi thì sẽ biết”. Mẹ nói đúng. Hôm sau đoàn diễn tuồng khác, tôi đi coi, thấy chàng “diễn viên hiệp nghĩa” hôm qua vẫn còn đó, đang… vung gươm rượt giặc chạy có cờ! Biết vậy, nhưng những lần sau coi diễn tuồng vẫn cứ quen cái thói mau nước mắt.
…Lớn lên ra đời, tôi hay mang tiếng là đứa nhẹ dạ cả tin. Nhiều khi lẩn thẩn chợt nghĩ thầm: Phải chăng đó là “di chứng” của cái máu mê hát tuồng ngày nhỏ?
Y Nguyên