(GLO)- Ai lớn lên từ đồng ruộng đều ám ảnh cảnh lũ lụt. Quê tôi thường bị ngập vào tháng chín, tháng mười Âm lịch. “Tháng chín mưa ròng/Tháng mười lụt lớn” (ca dao).
Nước ngập trắng cả cánh đồng. Nhưng mùa lụt cũng đem đến cái ăn cho người dân quê nghèo khó. Đây là thời điểm người dân đem những dụng cụ như: nhủi, nơm, lờ, đó... ra bắt cá. Có nhà làm thêm cái sa để bắt cho nhiều. Lũ trẻ choai choai thích nhất là được người lớn sai đi coi sa cá, vào ban đêm lại càng thích.
Đêm đồng vắng nhưng không yên tĩnh. Tiếng nước chảy, tiếng cá quẫy đuôi, to nhất là tiếng ếch nhái, ễnh ương. Thỉnh thoảng chen vào vài tiếng kêu của những loài chim ăn đêm. Đêm mùa lụt trời và đất đều một màu trắng đùng đục. Lâu lâu vài ánh lửa hắt ra từ những cái sa có người trông, gợi cảm giác ấm áp lạ thường.
Minh họa: KIM HƯƠNG |
Sa bắt cá thường được làm từ thân cây tre chẻ nhỏ ra, bện chặt lại bằng dây mây hoặc dây dang, bện kín vừa đủ để nước thoát, giữ cá tôm ở lại. Vị trí đặt sa theo thế đất nước chảy về chỗ trũng, đặt ở chỗ thấp của những đám ruộng hơi nghiêng nghiêng triền triền, ở chỗ con mương sắp đổ vào lỗ đìa. Sa đặt trước thấp sau cao, hai bên che dừng lại bằng các tấm phên liếp đan dày cho cá khỏi lọt, khỏi nhảy ra ngoài. Có người chu đáo hơn còn nối dài sau sa bằng các tấm ván hoặc các thân cây tre ghép lại, làm mái che bằng vài tấm tranh, tạo thành một cái chòi, ngày đêm nghỉ tạm ở đấy. Nhưng cũng có người không kịp làm cái sa đúng cách như thế. Họ lấy đại vạt giường tre đã gãy hay bất cứ những gì có thể làm thành một cái sa tàm tạm để bắt cá qua mùa.
Đi coi sa không phải vì sợ người khác bắt mất cá, bởi người nhà quê chân chất thật thà, sa của ai người ấy lấy, không trộm cắp bao giờ. Nhưng phải coi là vì sợ có những con cá lớn quẫy rất dữ, nhất là cá cững, cá cồ bật, bắt không kịp chúng nhảy ra khỏi sa thì công cốc. Đám nhỏ chúng tôi đi canh sa đêm gồm những đứa gần nhà thân thiết, đem theo vài tấm rạ trải nằm cho ấm. Mang áo tơi, đội tấm rạ, cầm đèn hột vịt băng mưa mà đi. Hôm nào nhiều tôm cá là rất hào hứng. Chúng tôi thi nhau bắt, cá lớn, cá “cụ” cho vào lờ trông chừng rất “nghiêm ngặt”. Cá nhỏ như con rô, con sặc hay tôm tép thì ném vào rổ là xong. Về khuya, nhóm lửa rơm, nướng dăm con loại “chút em”, chấm muối ớt ngon hết sẩy. Đã nhất là món cà cuống nướng, đít cay xè, mùi khai khai mà giòn rụm. Có bao nhiêu nướng hết bấy nhiêu ba mẹ cũng không rầy. Con này hồi đó người ta chê vì mùi vị của nó, nhưng lũ trẻ chúng tôi thì không chê thứ gì. Nhờ thế mà đủ ấm bụng tới sáng, quên cả cái lạnh giữa mênh mông đồng nước, giữa mưa đêm. Cá đem về con nhỏ ăn trước, con lớn dùng que tre xiên ngang treo trên giàn bếp để dành.
Mùa sa cá rơi vào quãng thời gian lúa cũ ăn đã hết, lúa mới chưa chín. “Có cá khá cơm” nhưng trong chum, trong vò lại hết gạo. Ngày xưa làm lúa “trì”, gieo tháng sáu; 4, 5 tháng sau mới cắt nên nhà nhà hết gạo. Người dân lấy cá nướng dằm nước mắm ăn với “bột nhì”, “bột nhứt” cho qua ngày. Cũng có nhà bí quá cắt tạm một chòm lúa đang chín tới, suốt lấy hột rồi trải trên nong, hong trên giàn bếp cho mau khô để giã gạo. Gạo đó nấu cơm ăn với cá đồng kho là không biết no. Những món ăn chống đói thời ấy sau này lại thành đặc sản một vùng quê!
Những ai lớn lên từ đồng ruộng chắc hẳn không thể nào quên bức tranh đồng quê mùa lũ lụt...
PHAN VĂN THIÊN