Làng Sa Huỳnh có 4 xóm. Xóm Câu, xóm Chài, xóm Bến đầu năm 1967 đã có ti vi. Riêng xóm Bàu của mình thì tịnh, bói không ra một cái.
Thằng Quân xóm Câu ỷ nhà có ti vi, gân cổ lên nói với cô giáo: “Đừng tả người, tả ti vi đi cô!”. Mình nghĩ, văn lôm côm như mi, có tả ti vi hay cái chi cũng hai điểm là cùng.
Xem ti vi ở Bến Bạch Đằng, Sài Gòn năm 1967. |
Nhưng thấy nó viết: “Nhà em có nuôi một ông nội. Ông suốt ngày đắp mền, ho khục khặc, lâu lâu ló đầu ra hỏi cơm chín chưa bay” thì mình phì cười rồi cho nó chép bài văn của mình. Tan học, mình còn mua kẹo đậu phộng cho nó. Biết “ý đồ” của mình, nó nói cơm chiều xong qua nhà tao coi ti vi.
Nhưng có coi được đâu! Mình vừa tới thì nhà nó đã ken kín người. Mình cố lách vào nhưng bị bật ra nên chỉ nghe tiếng chứ chẳng thấy hình. Đang đưa mắt tìm thằng Quân thì mình bị anh nó đẩy thẳng ra hiên, nói bữa nào ít người tao cho coi, bữa nay đông quá!
Mình lủi thủi về. Đường quê lập lòe đom đóm. Con nào bay gần mặt mình chắc sẽ thấy những giọt nước mắt... tủi thân. Nghĩ buồn, xóm người ta đầu ghềnh cuối bãi còn có ti vi. Xóm Bàu gần đường cái quan, xe chạy nườm nượp, văn minh thế mà ti vi không có.
Giữa lúc cơn khát mang tên... ti vi của mình đang cồn cào thì bác Hai, bác ruột của mình, tậu được cái ti vi Sharp mới cáu. Cùng với không khí náo nức sắm Tết, cái ti vi của bác làm cả xóm thêm chộn rộn. Trai tráng bảy tám anh hì hụi suốt mấy buổi giúp bác Hai dựng cần ăng ten. Mình sướng muốn ngất, chạy đi loan tin khắp xóm.
Đám trẻ kéo tới bu đầy cửa sổ, coi cái ti vi đang trùm khăn voan ngồi chễm chệ giữa gian nhà chính. Bác gái mình nói ai lại để ti vi trước mặt ông bà. Bác trai cự lại, nói bà biết gì, ti vi là gia bảo, để vậy cho ông bà mở mày mở mặt!
Những ngày giáp Tết năm ấy, ngoài chuyện bánh trái, áo mới, mai sắp trổ bông... trẻ con xóm mình cứ nói hoài về ti vi mà không chán. Thích nhất khi nghe chị Hà, học đệ tam ở tỉnh về, nói máy bay ở Quy Nhơn lượn trên trời “rải hình” mỗi đêm. Làng mình tuy thuộc Quảng Ngãi nhưng “hên” là gần Bình Định nên coi được.
Một cửa hàng bán ti vi ở Sài Gòn trước 1975. |
Đêm cuối năm, bác Hai lần đầu mở ti vi trước sự háo hức của mấy chục bà con hàng xóm. Ui chao! Người ta, hoa xuân, phố phường, xe cộ... rõ mồn một trên màn hình. Hết chương trình thời sự là tân nhạc.
Sau đó là cải lương. Giọng hát Thanh Tuyền, Giao Linh, Phương Dung... ngọt như mật. Anh Tâm, con bác Hai, nói chu cha ca sĩ cô nào cô nấy thơm như mít chín. Bà con, cả chị Tình, em anh Tâm, mê nhất cải lương. Nhưng chị bực là mỗi lần ai đó vỗ tay, bầy heo ngoài chuồng giựt mình kêu eng éc rất... phi nghệ thuật. 10 giờ, ti vi tắt.
Hàng xóm hể hả ra về. Gian phòng ngổn ngang tàn thuốc lá, vỏ bánh kẹo, vỏ hột dưa. Bữa sau bác Hai sai mình dán “nội quy coi ti vi” trước cửa: “Trẻ em không ăn củ lang nướng, bánh kẹo. Người lớn không hút thuốc để giữ vệ sinh chung”.
Tối nào có cải lương, chị Tình lén xúc gạo nấu cháo với cá tạp cho heo ăn. Họ nhà trư ngon miệng đớp đến no kềnh, ngủ say như chết. Nhờ vậy, bà con coi cải lương thoải mái bình luận, vỗ tay rôm rả mà không sợ heo thức dậy kêu la. Bác gái vui lắm, nói từ ngày có ti vi, bầy heo tự nhiên ú na ú nần, thương lắm.
Lứa trẻ hồi đó giờ “muối tiêu” rồi nhưng câu chuyện cứ xanh um một thời nhỏ dại. Chỉ cần ai đó nhắc cái tết đầu tiên xóm Bàu có ti vi, mình nhớ ngay những đêm xuân đường thôn đỏ ánh đuốc của bà con đi coi truyền hình năm đó.
Theo thanhnien