Tủi nhục, ê chề là những gì đã trải qua đối với chị T.B. (SN 1996, trú huyện Đông Giang, Quảng Nam), khi bị lừa bán sang Trung Quốc làm vợ cho hai người đàn ông khác nhau trong hơn 7 năm trời.
Ôm hận vì bị gã trai lạ lừa bán
Như Infonet đã đưa tin, Công an tỉnh Quảng Nam vừa giải cứu và đưa chị B. về đoàn tụ với gia đình sau hơn 7 năm bị lừa bán sang Trung Quốc.
Chị B. kể, khoảng tháng 4/2012, thông qua mạng xã hội, thiếu nữ này quen biết với một người đàn ông tên Tuấn (không rõ lai lịch).
Qua nhắn tin tâm sự, Tuấn rủ rê, hứa hẹn dẫn chị đi làm việc với mức cao, 7-8 triệu đồng một tháng. Gia đình thuộc hộ nghèo của xã nên khi nghe Tuấn nói như vậy, chị B. gật đầu đồng ý.
Nhẹ dạ, cả tin, B. bị lừa bán sang Trung Quốc lúc nào không hay.
Người tên Tuấn sau đó hẹn gặp chị B. tại một trạm xe buýt gần nhà rồi cả hai bắt xe đi Lào Cai. “Đến nơi, chúng tôi ở lại trong một nhà nghỉ. Đến tối, Tuấn dùng xe máy chở tôi đi đâu không rõ, vì chạy trong rừng. Tôi có hỏi đi đâu thì Tuấn nói đi xin việc làm”, chị B. thuật lại.
Đến khuya, Tuấn đưa chị B. đến một gia đình có vợ là người Việt Nam, còn chồng là người Trung Quốc. “Ở đây được một lúc thì tôi không thấy Tuấn đâu. Tôi hỏi người phụ nữ Việt Nam thì bà ta nói, Tuấn đã đi rồi.
Bà ta còn nói: “Mày bị nó lừa rồi, nó lừa mày mà mày không biết à?”. Lúc này, tôi mới biết mình bị Tuấn bán sang Trung Quốc và chỉ biết ngồi khóc”, chị B. chua xót kể.
Ê chề nơi xứ người
Ở nhà người phụ nữ Việt Nam được 5-6 ngày, chị B. tiếp tục bị bán tiếp cho một gia đình người đàn ông Trung Quốc làm vợ. Đau đớn thay, “người chồng” của chị B. lấy lại bị thiểu năng trí tuệ, chẳng biết làm gì.
“Thời gian đầu mới qua, đêm nào tôi cũng khóc vì nhớ nhà, nhớ ba mẹ. Mặc khác, lại không biết nói tiếng Trung nên cả ngày không trò chuyện được với ai. Còn chồng bị thiểu năng trí tuệ, nên mỗi lần len cơn động kinh là lại đánh tôi”, chị B. kể với giọng nấc nghẹn.
Cũng theo chị B., “nhà chồng” của chị làm nông, 7 người phải sống trong một căn nhà chật chội. Mỗi sáng sớm chị B. cũng phải đi làm đồng một mình, nếu hôm nào không đi sẽ bị ba mẹ “chồng” la mắng, chửi bới.
“Ở đây được 3-4 năm, tôi mới bập bẹ nói được tiếng Trung, còn gia đình chồng thì cấm không cho dùng điện thoại. Đến năm 2017, họ mới mua cho tôi một cái điện thoại để xài”, chị B. nhớ lại. Cũng theo chị B., sau 7 năm chung sống với “người chồng” thiểu năng, chị đã sinh cho anh ta được hai người con.
“Đến năm 2018, tôi biết nhiều tiếng Trung hơn. Lợi dụng lúc gia đình chồng đi vắng, tôi bỏ trốn. Lang thang khắp nơi mà trong túi không có một đồng nào, lúc đó tôi được một người đàn ông Trung Quốc khác giúp đỡ và cho ăn uống”, chị B. nhớ lại.
B. trở về Việt Nam, chấm dứt chuỗi ngày sống trong tủi nhục.
Thấy người đàn ông này "tốt" nên chị B. đi theo anh ta. Nào ngờ, người này sau đó cũng ép chị B. làm vợ hắn và tiếp tục bị bạo hành. Không can chịu tủi nhục nơi xứ người, chị B. tìm cách liên lạc về với gia đình ở Việt Nam.
Đầu năm 2019, nhờ sử dụng mạng xã hội, chị B. liên hệ được với người thân ở huyện Đông Giang nhờ giúp đỡ. Người thân của chị B. sau đó trình báo Công an huyện Đông Giang và Công an tỉnh Quảng Nam. Được sự chỉ dẫn của các trinh sát, chị B. sau đó đã chạy trốn, tìm đến được cơ quan Công an phía Trung Quốc cầu cứu.
Sau khi hoàn tất các thủ tục, ngày 8/7/2019, chị B. được Công an trung Quốc trao trả và được Công an Quảng Nam đưa về Trung tâm Bảo trợ và Công tác xã hội tỉnh Quảng Nam. 3 ngày sau, chị B. được Trung tâm đưa về đoàn tụ với gia đình.
Chị B. tâm sự, khi về đến nhà sau hơn 7 năm bị lừa bán sang Trung Quốc, gặp lại ba mẹ, chị đã khóc rất nhiều và như thấy mình đã thoát được khỏi địa ngục trần gian. Như vậy, sau hơn 7 năm sống trong tủi nhục nơi xứ người, chị B. đã được về ngôi nhà thân yêu của mình.
Sơn Tùng (Infonet)