Văn hóa

Văn học - Nghệ thuật

Ký ức vùng đồi

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Không đủ cao để gọi là cao nguyên, nhưng đó chắc hẳn là một bình nguyên rực rỡ nhất trong ký ức của những đứa con vùng đất đặc biệt này!

Đất trời quê tôi cũng thật kỳ lạ. Cái nắng cái mưa mang những mùi vị rất riêng - Ảnh: Tác giả cung cấp
Đất trời quê tôi cũng thật kỳ lạ. Cái nắng cái mưa mang những mùi vị rất riêng - Ảnh: Tác giả cung cấp


Ngôi nhà trong tiềm thức người Việt không đơn thuần là chốn sinh hoạt, nghỉ ngơi, ngôi nhà còn là chốn linh thiêng bởi nơi đó có ông bà tổ tiên ngày ngày vẫn cư ngụ trong tâm thức của con cháu và lưu giữ bao niềm vui nỗi buồn từ ấu thơ tới tận lúc xế chiều. Bởi nhà, là nơi đi về, là chốn bao dung cuối cùng sâu lắng cho những tâm hồn xa quê tưởng chừng như chai sạn vì năm tháng buông trên mái tóc… Hạnh phúc cho những ai có một ngôi nhà chốn thôn quê với mảnh sân, khoảng vườn, con đường dài vào ngõ. Quê tôi đã từng có những tháng ngày như thế!

Đó là những ngôi nhà tranh vách đất đúng nghĩa, những người đàn ông cùng chung tay giúp sức dựng lên sau những ngày cho xe cơ giới ủi phẳng một góc đồi đầy hoa và cỏ dại, để lộ lên những thớ đất đỏ thẫm như màu máu. Đất của vùng đất đỏ bazan, rực rỡ như tính cách con người khai phá, rồi từ đó thôn xóm được hình thành, bao ngôi làng được mọc lên từ những bước đầu dày công khai khẩn. Nhà có ngõ vào được tết bằng giàn hoa giấy hồng hay giàn hoa tỏi tím, vắt vẻo thành hình chữ U ngược với vô vàn ong bướm mỗi dịp hè sang. Nhà trên đồi, nắng đong vàng hào phóng, như cái ưỡn ngực của một chàng thanh niên dũng mãnh! Đất đồi nện chặt qua năm tháng, được cái hong khô rát bỏng của đất trời mà tạo nên những khoảng sân trước nhà rắn rỏi, chắc chắn. Khoảng sân đó êm và phẳng, nâng niu bao đôi chân trẻ nhỏ đục lỗ bắn bi, nhảy lò cò, hay chơi trò rồng rắn. Những đứa con lớn lên từ vùng đất đồi này không ai quên được cái cảm giác mát lạnh bàn chân những buổi chiều tắt nắng, cởi dép quét hiên hay ai đó còn mải chơi trên khoảng sân nhà bạn. Không đủ cao để gọi là cao nguyên, nhưng đó chắc hẳn là một bình nguyên rực rỡ nhất trong ký ức của những đứa con vùng đất đặc biệt này!

Đất trời quê tôi cũng thật kỳ lạ. Cái nắng cái mưa mang những mùi vị rất riêng. Cơn mưa đột ngột không kịp trở tay bởi ai đó đã nói thế này “Bầu trời rất gần nên mưa đến rất nhanh”. Còn nhớ những vụ tiêu phơi xanh biếc cả mái nhà, trời đang nắng ấm thoáng chốc gió vần vũ, rồi mưa, mây đen kéo tới trong cái chớp mắt của đất trời. Ba tôi hớt hải mang bao ra cào tiêu vào rổ, có khi cũng chẳng kịp thắng nổi mẹ thiên nhiên, tiêu ướt, người ướt, kèm theo cái thở dài thườn thượt của ba… Nhưng tháng ngày rồi cũng qua giống lòng người nơi đây dễ hờn dễ giận, thoáng chút mưa buồn, rồi thoáng chút nắng lên. Bởi vất vả gian nan dạy con người quê tôi đừng chùn chân mà hãy cố lên một bước, dẫu ít dẫu nhiều nhưng cố rồi nghĩa là chẳng đầu hàng, nghĩa là lấy đức độ thắng gian nan!

Bài học đầu tiên về quê hương là bài học về con đường ngõ xóm. Những hàng rau ngót thuở ấy còn độ xuân xanh, lủng lẳng những chùm quả to xen kẽ những đài hoa còn sót lại sau trận gió mùa đông bắc, xòe ngây thơ như những bông hoa làm lũ trẻ hiếu kỳ hết mùa này tới mùa khác. Cho tới khi chúng lớn lên, tất bật với những trang sách vở, bỏ lại đằng sau những đài hoa vẫn ngây ngô xòe cánh, ngơ ngác buồn vì lũ trẻ đã lớn khôn...

Ngôi nhà xưa qua những ngày gió bão, ngã xuống dựng lên rồi một ngày một khác. Mẹ thiên nhiên chẳng ôn hòa nên người lớn quê tôi tất bật mưu sinh, tất bật góp gom những viên đá dựng nhà, làm sân, làm ngõ. Bao năm rồi rất nhiều điều đã khác, chỉ có tâm hồn vẫn hồn hậu như xưa... Những buổi chiều sau trận gió mưa, các mẹ ngồi bên nhau trong gian bếp, lặng yên co gối mỗi người một chuyện, đau đáu phiền buồn những đứa con có lớn chưa đủ khôn, có đứa nay đã thành ông này bà khác, có đứa ở nhà ngơ ngác “nửa chừng xuân”, khóc khóc cười cười theo những cơn đau cùng thời tiết, dù khi xưa đó là đứa có tiếng cười vui tươi lanh lảnh nhất làng… Mới biết cuộc sống này có biết bao trang, biết ai lật giở trang vui, biết ai lỡ lạc phải những nốt buồn... Người làng tôi vẫn dựa vào nhau mà sống, mà chia vơi, để những buổi chiều mái nhà ai cũng tím màu khói bếp đoàn viên, để những đứa con xa có chốn trở về, bởi ngoài kia, các mẹ vẫn biết rằng có bao điều giông tố, màu đất đỏ của đồi thầm lặng nâng đỡ những bước chân...!

 


 Theo HẢI HÀ (thanhnien)

Có thể bạn quan tâm