Văn hóa

Văn học - Nghệ thuật

Kỷ vật của cha

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Năm 1979, trong chuyến công tác tại xã Đak Pơ Pho (huyện Kông Chro), tôi ghé vào xin nghỉ qua đêm tại một ngôi nhà sàn ở làng Kúc Nhỏ. Chủ nhà là một cụ già gần 80 tuổi, tên là Đinh Groi. Trong căn nhà nhỏ, ông Groi đang loay hoay cầm 2 hòn đá, kẹp theo mớ bùi nhùi của một loại vỏ cây. Xoẹt! Xoẹt! 2 hòn đá chạm vào nhau nhiều lần cho đến khi bốc khói. Ông Groi lại chu miệng thổi thêm cho đến lúc ngọn lửa từ mớ bùi nhùi hừng đỏ, sau đó với tay lấy một nắm tranh khô kẹp vào và tiếp tục thổi. Khi lửa bốc lên thành ngọn, ông mới cho vào bếp và nhóm củi lên. Tôi thấy lạ vội nhặt hòn đá lên vân vê và hỏi: “Bok ơi! Đá này tìm đâu mà hay vậy?”. Ông Groi vừa nhóm bếp vừa nói lơ lớ: “Đá quẹt lửa từ hồi tau biết dắt con trâu đi ăn đã có rồi. Nó là kỷ vật của bố tau. Nay cái quẹt lửa hết đá nên lấy nó ra làm cái lửa”.
Tôi từng nghe nói có thể dùng đá làm ra lửa nhưng đến khi ấy mới thực sự chứng kiến. Đó là 2 hòn đá lớn bằng nắm tay màu gan gà, một bên hòn đá đã nhẵn mặt, có lẽ do được dùng lâu năm. Còn nhúm bùi nhùi màu xám trắng kia, sau này tôi tìm hiểu mới biết đó là lớp phấn của vỏ cây đùng đình (khi cạo ra trông giống cục bông gòn), mọc hoang ở rừng thuộc họ cau. Loại phấn này rất mịn, khi phơi khô rất nhạy lửa. Vì vậy, người dân ở đây đã tận dụng nó để mồi lửa.
Sau khi nhóm lửa xong, ông Groi nhặt 2 hòn đá bỏ vào một mảnh vải cũ cuộn lại cẩn thận rồi cất vào ghè. Tôi lại vô tình nhìn thấy trong ghè có 2 thanh tre nhẵn bóng đã ngả màu đen sậm, bản to bằng 2 ngón tay, dài khoảng gang rưỡi tay nên hỏi: “Thanh tre này để làm gì hở bok?”. Ông Groi lấy ra cho tôi xem và nói: “Cây này cũng làm ra lửa”. Thấy tôi ngạc nhiên, ông liền thực hành ngay. Nhìn qua, tôi thấy đó là 2 thanh tre già, 1 thanh ở giữa thân bị cắt lõm. Tay này giữ thanh tre, tay kia ông Groi đặt nghiêng thanh tre còn lại vào chỗ lõm, kẹp nhúm bùi nhùi vào và bắt đầu kéo qua kéo lại liên tục. Đến khi mớ bùi nhùi bốc khói, ông mới lấy ra thổi bùng lên ngọn lửa.
Ảnh minh họa: Internet
Ảnh minh họa: Internet
Hình như thấy tôi tò mò và thích thú với những món “đồ chơi” tạo lửa nên ông Groi tiếp tục bước đến bên 1 chiếc ghè gần bếp, mở nắp đậy thò tay lấy ra một chiếc gương trong, hơi cong cỡ lòng bàn tay, đã ố vàng và vỡ mất một góc để khoe. Ông đưa lên ngắm nghía rồi nói: “Gương này cũng làm ra cái lửa đấy, nhưng phải trời nắng trưa mới làm được. Xưa kia mình phải đổi bằng 1 con heo đấy!”. Tôi lại một phen bất ngờ. Theo tôi biết, tấm gương đó là loại gương hội tụ do các trạm quan trắc đo nhiệt hàng ngày vứt bỏ.
Đêm ấy, tôi được nghe ông kể rất nhiều chuyện thời trước. Trong số này, tôi ấn tượng nhất là chuyện cha của ông làm đặc công đi đánh đồn Pháp. Đêm đó, cấp trên lệnh phải vào đặt mìn phá 1 lô cốt địch. Cha ông cùng 1 đồng đội ôm khối thuốc nổ bơi qua sông Ba, cắt hàng rào thép, bò đến điểm đặt mìn. Trong lúc bò vội, khi đến nơi đặt xong mới ngớ ra là túi đá lửa quấn trong khố mang theo không biết đã rơi tự lúc nào. Vậy là ông phải bò ngược lại để tìm. Trời gần sáng, ông mới bò trở lại được nơi đặt khối thuốc. Đốt được dây cháy chậm xong, họ vội vã bò trở ra. Khi khối thuốc nổ, lính Pháp hốt hoảng bắn loạn xạ vào các điểm khả nghi. Cha ông bị thương, đạn xuyên từ lưng qua bụng, được đồng đội cõng bò khỏi hàng rào, xuống bờ sông Ba và nằm ẩn vào 1 hốc đá. Nhưng vết thương quá nặng khiến ông không qua khỏi. Khi mất, trong lưng khố ông còn giắt túi đá lửa này. Từ ấy, 2 hòn đá lửa được ông Groi cất giữ như kỷ vật quý giá.
Hôm sau, khi rời khỏi nhà ông Groi, tôi định bụng lần sau vào công tác sẽ mang những chiếc quẹt lửa bằng nhôm thịnh hành nhất thời đó và vài chục ống đá lửa, chai dầu đèn đến biếu ông. Nhưng sự bận rộn và lần lữa khiến tôi không có dịp trở lại. Và câu chuyện về 2 hòn đá lửa vấn vương mãi trong tôi dù đã gần nửa thế kỷ trôi qua.
AN SINH

Có thể bạn quan tâm