Kỳ vĩ thác Bảy Tầng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Vườn Quốc gia Chư Mom Ray-Di sản thiên nhiên Đông Nam Á (tỉnh Kon Tum) không chỉ giàu tính đa dạng sinh học mà còn ẩn chứa nhiều cảnh đẹp hoang sơ như các thác nước, hang động, những rừng cây đặc hữu, rừng cây lùn và hoa đỗ quyên trên ngọn chủ sơn Chư Mom Ray (cao 1.773 m) quanh năm mây khói... Một trong những cảnh đẹp đang “giấu mình” trong thiên nhiên kỳ thú Chư Mom Ray là thác Bảy Tầng.
Gọi là “Bảy Tầng” là vì giữa lưng chừng vách núi cao có 7 tầng đá xếp thành 7 bậc thang tạo nên thác nước.
Từ thị trấn Sa Thầy (huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum) đến thác Bảy Tầng có 2 đường đi. Một là theo tỉnh lộ 675 vòng hướng Tây Bắc đi sâu vào vùng lõi Vườn Quốc gia Chư Mom Ray, gặp quốc lộ 40B (là nhánh Đông đường Trường Sơn-đường 559), theo quốc lộ này thì đến tỉnh lộ 674, rẽ theo tỉnh lộ 674 đến Trạm Quản lý bảo vệ rừng Ya Tri, thác Bảy Tầng ở ngang đó. Lối này đường dài khoảng 80 km. Hai là từ tỉnh lộ 674 theo hướng Đông Nam vòng quanh vùng đệm Vườn Quốc gia Chư Mom Ray, đến Trạm Quản lý bảo vệ rừng Ya Tri là đến thác Bảy Tầng. Lối này đường dài khoảng 40 km. Đi theo tuyến tỉnh lộ 674 thì gần hơn nhưng lại không thể vào sâu vùng lõi để được thưởng lãm thiên nhiên kỳ vĩ của Vườn Quốc gia.
 Thác Bảy Tầng. Ảnh: T.V.S
Thác Bảy Tầng. Ảnh: T.V.S
Tại Trạm Quản lý bảo vệ rừng Ya Tri, khách vạch lối lội bộ vào rừng. Lối vào rừng ngoằn ngoèo men theo một dòng suối nhỏ lúc ẩn lúc hiện, nước chảy ầm ào, réo rắt như khúc nhạc rừng đón khách tham quan. Càng vào sâu, đường rừng càng lộ rõ nét nguyên sơ, hoang dã. Nhiều đoạn, khách phải bám cây hoặc đu dây rừng để vượt qua một số mỏm ghềnh, khe đá.
Thác cách tỉnh lộ 674 chừng 500 m, ẩn kín giữa ngàn xanh. Nhìn tổng thể, thác Bảy Tầng cao chừng trên trăm mét, chia thành 7 bậc tầng rõ rệt. Các tầng phía dưới ngổn ngang đá cuội, đá hòn; lên các tầng trên cao hơn thì là đá ghềnh, đá khối. Có nhiều chỗ mặt đá khá bằng phẳng, có thể đi lại hoặc ngồi chơi nghỉ ngơi, ngoạn cảnh. Chỉ là đoạn đường rừng ngắn, chẳng mệt mỏi gì nhiều, khách có dư thời gian ngắm nhìn cảnh vật xung quanh.
Trước hết là ngước lên đỉnh cao và lưng chừng sườn núi dõi theo từng lọn khói mây lãng đãng giăng mù tạo muôn hình thù kỳ quái. Từ nơi lưng chừng mây khói ấy dòng nước trắng chia nhau tràn qua các khe đá xám xịt rêu phong, dội xuống từng tầng kế dưới một âm thanh hỗn độn ầm ào. Bọt nước tung trắng xóa, hơi nước tỏa bay như sương mịn, mát rười rượi thịt da, khiến khách thư thái tâm hồn giữa không gian u tịch. Thác cao, lại ẩn mình trong um tùm rậm rạp nên khó chụp được một tấm hình toàn cảnh!
Khi đã mỏi cổ, mỏi mắt, khách hạ tầm nhìn bao quát ra cảnh rừng hoang dã xung quanh. Giữa ngàn xanh thấp thoáng một loài cây thân mềm, cao không đầy vài tấc, uốn mình rung rinh một màu hoa tím ngát. Lại thấp thoáng một vài loài thảo mộc như thể dây leo chen trong những gờ đá và vắt mình lên những lùm cây thấp đung đưa một màu hoa vàng kiêu sa… Lại trên các cành cao điểm xuyết những giò phong lan như đang vẫy gọi người thưởng ngoạn… Và kia nữa, trong tán rừng thâm u rậm rạp thấp thoáng dáng những cây đoác rừng. Thấy đoác, bất giác ước có ngay một ống rượu đoác thơm ngậy thì đã khát phải biết!
Cùng với thác Bảy Tầng, nơi đây còn có những khóm “chuối cô đơn” mọc khắp quanh vùng khiến khách lấy làm thú vị khi tận mắt “mục sở thị” loại chuối rừng mỗi gốc chỉ độc nhất một cây, hoàn toàn không có cây con! (để “duy trì nòi giống”, chuối “nhờ” chim rừng ăn quả chín rồi “thải” hạt ra để mọc lên thế hệ mới)! Lõi non của cây và hoa chuối được bà con Jrai quanh vùng rất ưa thích bởi vị ngọt mềm, đặc biệt khi xào nấu. Ngoài ra, cán bộ Ban Quản lý Vườn Quốc gia Chư Mom Ray còn cho biết thêm, cách thác Bảy Tầng không xa có “Giếng đá thần” nữa. Miệng giếng tròn bằng cái mâm, nước không bao giờ cạn. Nhưng vì thời gian hạn hẹp nên đành xin hẹn đến “Giếng đá thần” vào chuyến tiếp theo...
 TẠ VĂN SỸ

Có thể bạn quan tâm