Chính trị

Tin tức

Xây dựng Đảng

Kỳ vọng chọn người đủ đức, đủ tài phục vụ nhân dân

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
 
Đồng chí Phạm Minh Chính - Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương trao các quyết định bổ nhiệm cán bộ trúng tuyển chức danh vụ trưởng qua thi tuyển. Ảnh: B.N.V
Thi tuyển cán bộ lãnh đạo là chủ trương lớn của Đảng đang được thí điểm ở nhiều bộ, ngành, địa phương. Việc thi tuyển này kỳ vọng sẽ chọn được những người đủ đức, đủ tài, đủ năng lực trí tuệ để điều hành công việc phục vụ nhân dân. Đồng thời, việc này cũng nhằm khắc phục tình trạng chạy chức chạy, chạy quyền, ý kiến chủ quan trong công tác cán bộ.
Trao đổi với Lao Động, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Nguyễn Lâm Thành cho rằng, qua các hình thức thi tuyển sẽ đánh giá thực chất năng lực của các cán bộ mà mình đưa vào các vị trí.
Thi tuyển để chọn cán bộ lãnh đạo có năng lực thật sự
Mới đây, Ban Tổ chức Trung ương đã tiến hành thi tuyển chức danh lãnh đạo Tạp chí Xây dựng Đảng. Từ 4 ứng viên thi tuyển, cơ quan này đã chọn được 2 người có số điểm cao nhất vào vị trí Phó Tổng Biên tập tạp chí này. Việc thi tuyển được diễn ra một cách công khai, minh bạch. Ban Tổ chức Trung ương cũng đã ban hành kế hoạch thi tuyển 5 chức danh lãnh đạo cấp cục, vụ. Hay tại Đắk Lắk, Ban thường vụ Tỉnh ủy Đắk Lắk cũng vừa ban hành quy định về thi tuyển chức danh lãnh đạo quản lý cấp sở và Quy chế về “thí điểm tuyển chọn bí thư cấp huyện”. Theo đó sẽ thi tuyển với các chức danh Giám đốc Sở Công Thương, Sở Tài nguyên và Môi trường và Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; tổ chức tuyển chọn 2 Bí thư huyện vào tháng 3.2020.
Quảng Ninh là địa phương đầu tiên trong cả nước tổ chức thi tuyển các chức danh lãnh đạo cấp sở. Đến nay, tỉnh này đã tổ chức nhiều đợt thi tuyển, với hàng chục người trúng tuyển và đã thể hiện được năng lực thực sự của mình. 
Ông Hồ Quang Huy, sinh năm 1977, hiện là Phó Giám đốc Sở Tài chính Quảng Ninh, ông Huy được bổ nhiệm sau khi trúng tuyển trong một cuộc thi tuyển các chức danh lãnh đạo cấp sở, ngành của Quảng Ninh. 
Tương tự, ông Nguyễn Văn Công là một trong những người trúng tuyển đợt thi tuyển các chức danh lãnh đạo cấp sở, ngành đầu tiên của Quảng Ninh năm 2013. Đề án về phát triển ngành thủy sản Quảng Ninh của ông được đánh giá rất cao bởi tư duy đột phá, tính khả thi cao. Trở thành Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Quảng Ninh sau đợt thi đó, ông Công đã ứng dụng đề án của mình vào thực tế, đưa lĩnh vực thủy sản của tỉnh có bước tăng trưởng bền vững.
Liên quan tới việc này, trao đổi với Lao Động, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Nguyễn Lâm Thành cho biết, đây là chủ trương đúng đảm bảo tính công khai, minh bạch và tạo được cơ hội cho việc tuyển chọn những người đủ năng lực và những người tài. Qua các hình thức thi tuyển sẽ nâng cao được tính cọ xát để đánh giá thực chất năng lực của các cán bộ mà mình đưa vào các vị trí.
Ông Thành nhấn mạnh việc thi tuyển thể hiện rõ năng lực ngoài phẩm chất chung, tiêu chí chung. Việc thể hiện qua bài thi, hình thức thi tuyển là thể hiện bản lĩnh, khả năng, trí tuệ, phong cách để chọn cán bộ tốt hơn.
Theo ông Thành, hiện nay chưa có một quy định cứng nào. Nếu địa phương, bộ ngành nào cán bộ năng động, quan tâm thì đã sớm triển khai, đẩy mạnh vấn đề này. Mặc dù việc thi tuyển sẽ có những tích cực nhưng ông Thành cũng nêu ra những mặt mà cần phải thực hiện và đảm bảo một cách tích cực cụ thể: Cần phải rà soát các quy định, đặc biệt là các quy định chung để bảo đảm những người muốn tham gia phải có tiêu chuẩn nền trước. Tiêu chuẩn phải phù hợp, không chung chung.
Tạo động lực và sự phấn đấu giữa các ứng viên
Cũng theo ông Nguyễn Lâm Thành, trong thi tuyển thì Hội đồng thi tuyển phải khách quan. Đề thi phải phù hợp với từng chức danh đúng với kỳ vọng, không dễ quá hoặc không quá khó mà thí sinh không đáp ứng được.
Đánh giá cao về việc thi tuyển cán bộ được tổ chức tại một số sở, ngành, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp Phạm Văn Hòa cho rằng, đây là một trong những giải pháp đột phá trong công tác tuyển chọn cán bộ. Việc này nhằm chọn được những người có sáng kiến, ý tưởng hay, đóng góp cống hiến cho công việc.
Còn liên quan tới việc thí điểm tuyển chọn Bí thư cấp huyện ở tỉnh Đắk Lắk, ĐBQH Phạm Văn Hòa cho biết, đây là “ý tưởng rất mới” nhằm chọn được những cán bộ tài đức, có đủ kiến thức, đủ năng lực lãnh đạo để thực hiện việc quản lý của mình. Tuy nhiên, việc thi tuyển chọn lãnh đạo cấp ủy, người lãnh đạo toàn diện của một địa phương, cho nên đề xuất đó cần được xem xét thật thấu đáo ở mọi khía cạnh. Theo ông Hòa, Bí thư cấp huyện có vai trò rất quan trọng nên trước tiên nhân sự được lựa chọn phải đảm bảo là người có trong quy hoạch, được tập thể Ban Thường vụ Tỉnh ủy đồng ý; được đảng bộ và nhân dân địa phương đó tín nhiệm tuyệt đối.
Ông Hòa cho hay, với đề xuất thi tuyển chọn Bí thư huyện ủy của một địa phương là thẩm quyền của địa phương đó. Tuy nhiên, cần quan tâm một số vấn đề. Thứ nhất về cách thức tuyển chọn. Theo kế hoạch, các ứng viên dự tuyển (khoảng 3-5 người có đủ tiêu chuẩn theo quy định) sẽ cạnh tranh bằng năng lực, bản lĩnh, trí tuệ thông qua việc trình bày đề án trước Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Người có năng lực nổi trội nhất sẽ được giới thiệu để tiến hành các quy trình tiếp theo.
Ông Hòa cũng cho rằng, việc thi tuyển này sẽ hạn chế được những tiêu cực trong công tác cán bộ. Đồng thời, việc thi cử thực chất sẽ có thể đánh giá được những kiến thức của những người ứng tuyển vào công tác quản lý, kiểm tra được năng lực thực thi công vụ, xử lý tình huống.
“Việc thực hiện thi tuyển cũng tạo ra được động lực và sự phấn đấu giữa các ứng viên và thấy được năng lực thực sự, sự sáng tạo, thấy được những chương trình hành động thực tiễn nhằm phục vụ nhân dân của cán bộ” - ông Hòa nói.
Vương Trần-Cao Nguyên (LĐO)

Có thể bạn quan tâm